Góc nhìn 365: 'Trời còn để có hôm nay'
Tuần này là tuần cuối cùng của năm Nhâm Dần. Chủ nhật cuối tuần này, cũng là chủ nhật đầu tiên của năm Mão. Trong một tuần, chúng ta vừa tiễn "ông cọp", đón "ông mèo". Không biết vì "ông cọp" dữ quá hay sao mà năm qua cũng có nhiều biến động trong đời sống văn hoá, giải trí?
Kể từ 2020, nền phim trực tuyến Netflix phát hành một phim giả tài liệu, thường có cái nhìn giễu nhại với các sự kiện của năm trước đó. Sau Death to 2020, Death to 2021, ngỡ tưởng thương hiệu này sẽ bền bỉ như… Táo quân của ta. Nhưng đến nay đã dừng lại.
"Ôn cố tri tân", nhưng nhớ lại cái năm sắp sửa qua đi này, cũng không giấu được những nỗi niềm như loạt phim tài liệu nọ.
Đó cũng là năm khá bình lặng nếu không muốn nói là "mất mùa" và mất mát của văn nghệ. Những văn nghệ sĩ gạo cội, được khán giả yêu mến đã mãi mãi đi xa; một năm (nữa) điện ảnh lẹt đẹt trình làng nhiều"thảm họa" chiếu ra để được lãng quên; một năm văn chương ồn ào nhưng ít dấu ấn; và cuối cùng là một năm chứng kiến sự "xâm thực" của nhóm những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, tràn vào đời sống văn hóa với đủ thứ nhố nhăng, kệch cỡm và nhiễu loạn cách nhìn nhận các giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật.
Dẫu vậy, sách vở văn tiếp tục được in ấn, nhiều công ty sách mới tiếp tục ra đời, bất chấp những khó khăn của ngành tồn tại bấy lâu. Cũng có một nghịch lý đang diễn ra: Trong lúc xã hội khuyến khích đề cao văn hóa đọc, có ngày sách quốc gia, nhưng sự hiện diện của phê bình, giới thiệu sách vở trên các trang văn hóa của nhiều báo vẫn còn hạn chế, thậm chí thu hẹp.
Dĩ nhiên độc giả cũng cần thông cảm cho những tờ báo ấy: Trong bối cảnh phải sống bằng lượt xem và báo giấy đang đến đoạn thoái trào, tòa soạn không thể "gồng gánh" một chuyên mục ít người xem. Đôi khi tôi nhớ đến giai thoại về công ty đường sắt ở Nhật hoạt động trong suốt gần 3 năm chỉ để phục vụ 1 nữ sinh đi học và nghĩ về những trang báo duy trì cho 1 nhóm độc giả "thiểu số". Nhưng nghĩ thế thôi, mình phải đành chấp nhận hiện thực.
Nhưng "tôi ơi đừng tuyệt vọng", vì dù bao biến động của năm cũ, thì chúng ta vẫn may mắn hơn nhiều người khác, may mắn vì còn thấy "trời còn để có hôm nay" như trong Truyện Kiều mà mong mỏi ngày "tan sương", "vén mây".
Như tên gọi, Những đứa trẻ trong sương tạm gọi là làm "tan sương" một năm điện ảnh mịt mờ. Bộ phim tài liệu của đạo diễn Hà Lệ Diễm khắc họa phong tục "bắt vợ" của đồng bào Mông lọt vào danh sách rút gọn 15 phim đề cử Oscar 2023. Khán giả trong nước sẽ có cơ hội để hy vọng một bộ phim Việt Nam xuất hiện trong một giải thưởng điện ảnh tầm vóc quốc tế.
Hay như tin vui về chiếc ấn vàng báu vật sẽ sớm hồi hương sau nhiều năm lưu lạc, mở ra những hy vọng mới cho việc hồi hương các báu vật khác.
Văn hóa là một tiến trình mà mỗi năm nhiều khi chỉ là một chặng, cho nên tôi thích cách nói sơ kết hơn là tổng kết. Những hạt mầm đã gieo trong năm Nhâm Dần, cũng đang chờ gặt quả vào năm Quý Mão. Vẫn có những người âm thầm lao động trên cánh đồng nghệ thuật bất chấp "thời tiết" đang nghiêng về phía những giá trị ảo.