Đầu tư xứng đáng cho văn hóa: *Bài 1: Dành điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực văn hoá
Vào ngày 17/12, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp tổ Hội thảo văn hóa 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Ban Tổ chức hy vọng qua đó góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể; triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết Đầu tư xứng đáng cho văn hóa nhằm phản ánh những nỗ lực của địa phương, đơn vị chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.
Di sản văn hóa đã và đang góp phần tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành Du lịch, thể hiện bản sắc dân tộc, mang lại lợi ích cho đất trong hội nhập, phát triển. Để văn hóa phát triển, phát huy hiệu quả các giá trị trong đời sống xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra quốc tế, thể chế, chính sách và nguồn lực đóng vai trò quan trọng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc thì “cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người” và “nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa…”. Điều đáng mừng là từ sau Hội nghị này, các Bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm cho văn hóa một cách cụ thể, thiết thực hơn. Nhiều địa phương đã tăng mức đầu tư, dành những chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực văn hóa.
Đầu tư cho văn hóa là nhiệm vụ cấp thiết
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc tạo thể chế, nguồn lực nhằm thúc đẩy để văn hóa thật sự "soi đường cho quốc dân đi" càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết không chỉ của ngành văn hóa mà còn của các địa phương.
Đầu tháng 12/2022, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về đề án Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ. Nghị quyết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà vườn đặc trưng ở các phường Thủy Biều, Kim Long của thành phố Huế, ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) và mở rộng đối với các nhà rường cổ ở Bao Vinh (phường Hương Vinh, thành phố Huế). Các nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ nằm trong danh mục cần được bảo tồn và phát huy giá trị sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh là 28,3 tỷ đồng; từ huyện là 12,1 tỷ đồng cùng nguồn xã hội hóa là 4,8 tỷ đồng.
Đề án được triển khai từ năm 2022- 2026, tập trung thực hiện 5 nhóm chính sách. Đó là hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ tổ chức kinh doanh, khai thác, phát triển dịch vụ du lịch tại nhà vườn Huế đặc trưng và nhà rường cổ; hỗ trợ quy hoạch xây dựng và đầu tư hạ tầng; hỗ trợ tài chính tín dụng; hỗ trợ quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, mức hỗ trợ của các nhóm chính sách nói trên sẽ tăng khoảng 30% so với mức trước đó. Cụ thể, nhà vườn Huế đặc trưng loại 1 sẽ được hỗ trợ kinh phí 1 tỷ/nhà để trùng tu, bảo tồn. Nhà vườn loại 2 được hỗ trợ 800 triệu đồng/nhà và loại 3 là 600 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, việc hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà sẽ không quá mức 50 triệu đồng/nhà.
Trước đó, giai đoạn 2015-2020 đã có 55 nhà vườn đặc trưng tại thành phố Huế và làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) được trùng tu, bảo tồn từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, 33 nhà vườn được hỗ trợ trùng tu từ ngân sách nhà nước với kinh phí 20,6 tỷ đồng. Nhiều nhà vườn đã phát huy giá trị và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch để thu hút khách.
Cùng với nhà vườn, nhà rường Huế cũng là di sản văn hóa gắn liền đời sống cộng đồng với những phong tục tập quán, lễ nghi, gia giáo, gia pháp… đậm chất kinh thành. Bởi vậy, việc bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường sẽ giúp Huế “hút” khách tham quan, thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh cố đô.
Thủ đô Hà Nội từ lâu đã là điểm đến du lịch văn hóa, di sản hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Với gần 6.000 di tích lịch sử văn hóa, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội là thành phố có nhiều di tích, di sản nhất cả nước. Những điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế phải kể đến: Khu phố cổ - phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, chùa Hương, làng gốm sứ Bát Tràng…
Tuy vậy, theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, những năm qua, kinh phí để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chưa nhiều, chưa huy động được nguồn lực từ xã hội hóa. Lớp người gìn giữ, trao truyền di sản của thành phố phần lớn đều tuổi cao, sức yếu, thu nhập thấp và không ổn định. Hoạt động truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ ở địa phương hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiệt tình, tâm huyết của người thực hành di sản, kinh phí eo hẹp…
Trước thực tế đó, đầu năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cán bộ, nhân dân; huy động nguồn lực cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, câu lạc bộ. Việc này góp phần động viên, hỗ trợ lớp người nắm giữ di sản tiếp tục cống hiến để duy trì vốn văn hóa quý giá của cộng đồng. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành tọa đàm, thu nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người thực hành di sản để xây dựng cơ chế, chính sách nhằm “tiếp sức” cho nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố đến năm 2025.
Trên cơ sở tham khảo nhiều địa phương, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội dự kiến đề xuất 4 mục hỗ trợ, đãi ngộ. Đó là chế độ hỗ trợ, đãi ngộ dành cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ đối với các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; chế độ hỗ trợ tập luyện, biểu diễn, tham gia hoạt động của nghệ nhân, câu lạc bộ; mức giải thưởng khi tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan. Các đơn vị chức năng đang tích cực hoàn thiện đề xuất để thành phố Hà Nội được ban hành trong thời gian sớm nhất.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ, cùng với chính sách hỗ trợ, thành phố có thể thành lập một quỹ tài trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản.
Nguồn lực đầu tư cho văn đã có thay đổi tích cực
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến văn hóa phát triển chưa tương xứng với kinh tế, chính trị, xã hội, đó là: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hoá còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao...”
Hội thảo Văn hóa 2022 ngày 17/12 tại Bắc Ninh là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021. Đây được coi là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng
Tại hội thảo này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham luận và trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo, xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; nguồn lực và đầu tư cho văn hóa... Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Về đầu tư cho văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Kể sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, các Bộ, ngành và địa phương đã dành sự quan tâm cho văn hóa một cách cụ thể, thiết thực hơn. Trong đó, nhiều địa phương tăng mức đầu tư cho văn hóa, nhiều địa phương bám sát chủ đề công tác năm của ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” để triển khai nhiều hoạt động, phát triển đời sống văn hoá cơ sở. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện...
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022 của các địa phương bước đầu đã có những sự thay đổi tích cực, đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Dự toán ngân sách năm 2022 của nhiều tỉnh/thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Cụ thể so với năm 2021, tỉnh Bắc Giang tăng 12,7%; Hòa Bình, Đắk Lắk tăng 17%; Kon Tum tăng 18%; Bến Tre tăng 19%; Phú Thọ tăng 29%; Bình Thuận tăng khoảng 44%. Tỉnh Vĩnh Long chi 2,78%; tỉnh Lào Cai chi 3,33%; tỉnh Ninh Bình dành 4% tổng chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa... Thành phố Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ, di sản 14.000 tỷ, bảo tàng 400 tỷ).
Bên cạnh đó, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các thiết chế văn hóa góp phần phục vụ tốt công tác tuyên truyền, cổ động thực hiện các nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, khu vực, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Điển hình là tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng công trình nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh với mức đầu tư gần 400 tỷ đồng; tỉnh Tiền Giang đầu tư gần 300 tỷ đồng cho thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Khu thể thao dưới nước, chỉnh trang Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục đầu tư 221 tỷ đồng cho các thiết chế văn hóa, thể thao như xây dựng Công viên văn hóa, Bảo tàng, Thư viện tỉnh…
Bên cạnh việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều địa phương đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của doanh nghiệp đóng trên địa bàn (Lâm Đồng, Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng) góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển văn hóa tại địa phương.
Những thông tin, số liệu nêu trên là minh chứng rõ rệt cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng nên trong chính các cấp ủy Đảng và lan tỏa trong xã hội. Có sự chuyển biến về tư duy, quan điểm đối với lĩnh vực văn hóa từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo cho văn hóa, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài…