Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng

Buổi tối mùa Đông năm 2000, đang nằm xem thời sự trên truyền hình, tôi bật dậy khi trên màn hình hiện ra thông báo về ngày đầu tiên của cuộc khai quật chữa cháy tại khu mộ Đông Sơn ở Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội).

1. Khu mộ này đã từng dậy sóng thảo luận về người Việt cổ cách nay 30 năm, khi cuộc đào mương thủy lợi 1973- 1974 đã làm xuất lộ hàng chục quan tài thân cây khoét rỗng Đông Sơn với xương cốt và đồ tùy táng đa dạng được bảo tồn rất nguyên vẹn. Cả Viện Khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đều đã về khai quật và một chuyên khảo về khu mộ này đã được Bảo tàng công bố năm 1976.

Cuộc nạo vét mương năm 2000 lại làm xuất lộ thêm 2 chiếc quan tài thân cây khoét rỗng Đông Sơn nữa. Viện Khảo cổ học đã cử người về khai quật (Trịnh Sinh, Nguyễn Lân Cường). Năm đó Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á vừa thành lập (1999). Tôi gọi điện cho lái xe Nguyễn Phan Tâm và Chánh văn phòng Trần Tấn Cường để sáng sớm hôm sau cùng tôi đến Châu Can.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 1.

Khai quật mộ thân cây khoét rỗng Châu Can năm 2000. Các chuyên gia khảo cổ đang làm rõ phần mâm và đĩa gỗ đặt trên đầu người chết

Khi chúng tôi đến nơi, cuộc khai quật đã tiến hành được vài giờ. Chiếc quan tài thứ nhất đã được dọn dẹp xong. Cánh đồng Châu Can hôm đó nắng hanh rực rỡ, người dân trong vùng nghe tin kéo đến xem, đứng vây trên bờ mương. Mương nước rộng khoảng 10m đã được chặn cho cạn để các nhà khảo cổ học, quần xắn quá gối, lom khom mở nắp quan tài thứ 2.

Khi thấy tôi đến, anh Trịnh Sinh, vốn cán bộ cùng Phòng Kim khí, Viện Khảo cổ học với tôi trước đây, hồ hởi gọi to: "Việt xuống giúp bọn mình một tay nhé"! Tôi thay quần áo rất nhanh và xuống cùng đồng nghiệp như một người nghiện muốn thỏa cơn "ghiền".

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 2.

Bản vẽ chi tiết quan tài Động Xá 04ĐX-M01

Ngôi mộ thứ 2 này cũng còn rất nguyên vẹn, nắp quan tài vừa được lật ra, phủ bên trên là một lớp bùn mỏng in rõ hình xác người và đồ tùy táng được bọc dưới lớp vải, cói. Ngay khi thấy cảnh tượng này, tôi đã nảy ra ý định phải đưa nguyên quan tài về phòng thí nghiệm khai quật - cách mà sau này, khi khai quật Động Xá chúng tôi đã xử lý thành công. Trong hầm tòa biệt thự Bảo tàng Phạm Huy Thông ở Quảng Yên (Quảng Ninh), khi sửa sang, xây dựng năm 2008, tôi cũng thiết kế một phòng khai quật mộ thân cây khoét rỗng ngập nước với bể ngâm và các ống tia nước các cỡ để tẩy, hút bùn. Trong dịp thăm khai quật khu mộ táng hậu kỳ đá mới của bảo tàng tiền sử Halle (Đức) năm 2016, tôi cũng chứng kiến cách "bứng" nguyên khối đất chứa mộ về bảo tàng để khai quật trong một gian khai quật khổng lồ có mái che và thiết bị khai quật, xử lý thí nghiệm đầy đủ.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 3.

Quan tài Đông Sơn làm từ nửa con thuyền độc mộc khai quật ở Động Xá năm 2004. Ảnh bên trái trước khi dỡ nắp phủ quan tài. Ảnh giữa sau khi khi dỡ nắp. Ảnh phải quan tài sau khi làm sạch

2. Tình trạng nguyên vẹn của dạng mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn ở đồng bằng vốn từng là rừng sú vẹt thời biển tiến flandrian cho thấy khảo cổ học Việt Nam có một kho di sản vô cùng quý báu. Khu mộ Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội), Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam), Châu Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội), Động Xá, Bình Kiều (Hưng Yên), Kiệt Thượng (Sao Đỏ, Hải Dương), Việt Khê, Trại Khê, Thủy Tú… (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Phương Nam (Uông Bí, Quảng Ninh)…cho thấy những khả năng đó.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 4.

Mảnh vải và lớp cói còn lại trên xương sườn bên trái người chết đã được bứng nguyên về phòng thí nghiệm của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

Tại Động Xá, chúng tôi có bằng chứng những mộ nhà giàu được bọc tới 24 lớp vải gai, lanh và cói đẹp. Giữa các lớp có trát keo hồ trộn vôi bột. Thi hài bên trong được bảo quản tốt trong tầng đất ẩm yếm khí, có độ pH thấp (3 - 4).

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 5.

Mảnh vải trang trí dệt bằng các sợi màu khác nhau: Lanh (nhuộm chàm), gai (màu tự nhiên) và lụa (đã bị tan)

Khi xử lý 70 hài cốt ở Động Xá, tôi đã nhận ra: Còn tồn tại lớp sừng tóc phủ trên da đầu và các đường mạch máu dưới da trên xương chi người chết. Một vài sọ người còn thấy khoanh cắt vải để hở búi tóc sau gáy và vệt băng đan xen, buộc kín mặt người. Tôi hy vọng trong tương lai tôi sẽ khai quật được một ngôi mộ Đông Sơn nguyên vẹn như vậy.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 6.

Mảnh vải trên ngực trái người chết trong mộ M02, Châu Can 2000, sau khi được lọc trong phòng thí nghiệm Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

Tại Châu Can năm 2000, theo cách truyền thống, các nhà khảo cổ nhanh chóng nạo bùn để làm rõ các hiện vật tùy táng và xương cốt. Các lớp vải cói bọc được coi như bùn vét hất ra ngoài. Tôi nhanh chóng lưu lại được khoảng 10 túi nilon bùn bỏ đi đó trong khoang ngực người chết, đóng vừa chiếc thùng mì ăn liền mang về phòng thí nghiệm.

Sau khi vét sạch bùn, bộ xương hiện ra to cao, nguyên vẹn. Trên đầu có một khay gỗ đựng xương thú. Cạnh người, bên phải là ngọn giáo còn nguyên cán, 1 cây gậy như "quyền trượng" và 1 chiếc vời bới đất cũng bằng gỗ. Trên ngực có 1 đĩa đồng và 1 lưỡi rìu đồng.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 6.

Vải gai Bohemira. sp. trong mộ Châu Can dưới kính hiển vi

Khi đưa quan tài lên bờ, tôi kịp chụp được vệt lưng quan tài, nhận rõ những viên sét vàng rơi xuống huyệt mộ và vết nẹp tre, dây rừng bó quanh quan tài. Địa tầng xung quanh cho thấy rõ ràng khu mộ thời Đông Sơn khá khô ráo (tầng phù sa bên trên tầng sét vàng). Chỉ khi đào xuống 80-100cm đến tầng sét xám chứa xác sú vẹt mới có thể có nước ngầm. Khảo cổ học aluvium (phù sa) Đông Sơn phát huy tác dụng.

"Khi lấy được những mảnh vải gai bọc ngoài bộ xương này dùng làm hiện vật hiến tặng cuộc đấu giá gây quỹ từ thiện năm 2000, tôi đã đặt tên là "Khố Chử Đồng Tử" để so sánh chàng trai nằm trong mộ này với nhân vật huyền thoại" - TS Nguyễn Việt.

3. Người chết trong ngôi mộ thứ 2 này (ký hiệu CC2000-M02) được xác nhận là một nam thanh niên khoảng 25 tuổi, cao khoảng 170cm. Sau này, khi lấy được những mảnh vải gai bọc ngoài bộ xương này dùng làm hiện vật hiến tặng cuộc đấu giá gây quỹ từ thiện năm 2000, tôi đã đặt tên là "Khố Chử Đồng Tử" để so sánh chàng trai nằm trong mộ này với nhân vật huyền thoại có đền thờ đối diện bên kia bờ sông Hồng thuộc đất Văn Giang, Hưng Yên. Giáo sư Trần Quốc Vượng sinh thời khi đến thăm trưng bày cuộc khai quật này tại Bảo tàng Hà Tây (cũ) đã liên tưởng chàng thanh niên này cùng cây "quyền trượng" gỗ như cương vị một thủ lĩnh địa phương.

Khu mộ Đông Sơn Châu Can nằm sát rìa làng, một diện tích phủ tầng văn hóa dày 30 - 50cm, rộng khoảng 500m2. Cho đến nay đã khai quật trên 20 mộ táng, cho thấy bức tranh tiêu biểu dân cư một làng Đông Sơn trồng lúa, trồng lanh cổ khai thác đồng bằng vào loại sớm 2.500 năm trước (tuổi C14 gỗ quan tài do phòng C14 Viện Khảo cổ đo được khoảng 2.400 năm cách ngày nay). Vải lanh đã được xác định và khi làm bào tử phấn hoa đã nhận thấy mật độ cao phấn hoa loài cannabis. Sativa sp. (vải lanh tài ma của người Mông hiện trồng). Gỗ quan tài được tôi lấy mẫu mang xác định ở Viện Nghiên cứu Gỗ Dresden (Đức), cho biết là từ cây lim.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất - Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 2): Chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng - Ảnh 10.

Những khe thủng dental (đăng ten) trên nền vải dệt bằng sợi gai là vị trí những sợi tơ lụa đã bị phân hủy trong môi trường đất có độ pH 3-4

Việc lọc khối lượng bùn khoảng 2dm3 mang về phòng thí nghiệm cho thấy rất nhiều quả cây đã được chôn theo người chết, trong đó dâu da xoan và sấu là nhiều nhất. Ngoài ra còn củ ấu, bàng, dứa dại, dưa bở... Xương thú chôn theo người chết là xương lợn. Những đồ đồng Đông Sơn quen thuộc là rìu, giáo, đĩa sâu lòng, thạp… Một số đồ sơn then thường thấy là đĩa và nhĩ bôi cùng đĩa mâm làm bằng gỗ quế.

Chiếc quyền trượng và dụng cụ có tay cầm như chiếc vời xới đất lưỡi bản rộng, mỏng có khe hở rất hay gặp trong bộ đồ tùy táng đương thời luôn hàm chứa những bí ẩn đang cần tiếp tục gỡ mối trong tương lai.

Sau trường hợp thứ nhất về trẻ em, trường hợp thứ 2 về chàng thanh niên trong mộ thân cây khoét rỗng Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội), trong các phần tới TS Nguyễn Việt sẽ kể về:

- Trường hợp thứ 3: Những hài cốt người lớn táng chồng lên nhau trong cùng huyệt mộ ở Quỳ Chử và Núi Nấp (Thanh Hóa).

- Trường hợp thứ 4: Mộ táng người đàn bà ở Xóm Rền.

- Trường hợp thứ 5: Phụ nữ to cao và đàn ống thấp bé ở khu mộ Động Xá (Kim Động, Hưng Yên).

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH