Chữ và nghĩa: Chồng đánh còn hơn gánh gồng
Đây là câu tục ngữ có cấu trúc so sánh (một mô hình thành ngữ, tục ngữ phổ biến trong tiếng Việt). Cấu trúc so sánh luôn có 2 vế: 1) cái so sánh, và 2) cái được so sánh. Liên kết 2 vế là từ so sánh. Trong câu tục ngữ trên thì "chồng đánh" là cái so sánh, "gánh gồng" là cái được so sánh, "còn hơn" là từ so sánh.
"Chồng đánh" thì chắc mọi người đã rõ. Đó là việc một cô gái nào đó (đã xây dựng gia đình) bị ông chồng sử dụng bạo lực. Ngày xưa (và bây giờ cũng còn) cảnh những ông chồng vũ phu "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với người bạn trăm năm "đầu gối tay ấp" của mình vẫn hay diễn ra. Không ít vụ xô xát gây hậu quả nghiêm trọng cho cả 2 (vợ và chồng). Và cũng không hiếm những bà vợ bị đánh đau, thậm chí bị thương tích, di chứng lâu dài. Hơn nữa, họ còn bị tổn thương đến tinh thần và tình cảm vợ chồng, con cái nữa.
Ấy thế mà, cứ như lời thốt lên của cô gái nọ trong câu tục ngữ trên thì "thà bị chồng đánh còn hơn phải gánh gồng".
"Gánh gồng" là gì vậy? "Gánh gồng" (hoặc "gồng gánh") trước hết là một từ ghép. Với tư cách động từ, nó có nghĩa "mang chuyển đồ đạc bằng quang gánh (nói khái quát)". Ví dụ: Làm ruộng phải gánh gồng vất vả lắm; Cả đoàn gồng gánh chạy mưa cho kịp. Với tư cách danh từ, nó có nghĩa như "quang gánh" (quang và đòn gánh, 2 dụng cụ để gánh).
"Gánh gồng" trong câu tục ngữ trên, không phải từ mà là một tổ hợp tự do.
"Gánh" là một động từ, chỉ một công việc quen thuộc đối với nhà nông và những người làm ăn buôn bán. Đó là việc "mang chuyển [thường là vật nặng] bằng cách mắc (vật gánh) vào 2 đầu 1 cái đòn (đòn gánh) và đặt lên vai" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Gánh lúa, gánh nước, gánh đất, gánh hàng ra chợ… đều thuộc "phạm trù vận chuyển". Với nhà nông làm ruộng trên đồng ruộng, gánh phân ra đồng, gánh đất san ruộng, gánh lúa (gánh khoai, gánh ngô, gánh lạc…) về thôn, gánh rơm, gánh rạ về nhà… là chuyện thường ngày, nhất là vào những khi "nông vụ chí kỳ" bận bịu rất nhiều công việc.
Những ai đã từng kinh qua công việc đồng áng, hẳn biết rõ một điều: Muốn gánh được phải rèn luyện kỹ năng gánh. Gánh là công việc rất nặng nhọc. Bởi làm sao đặt đòn gánh lên vai sao cho cân bằng 2 vật gánh (mắc vào 2 đầu đòn gánh), sau đó mới có thể bước những bước vững chãi để đưa vật gánh về nơi cần tới.
Dù gánh xa hay gánh gần, người gánh cũng phải làm quen với kỹ năng "đổi vai" (chuyển đòn gánh sang vai khác, để vai vừa gánh được nghỉ cho đỡ mỏi, sau đó khi vai bên này mỏi thì đổi vai trở lại). Người gánh nặng đi đường trường thì phải biết vừa đi vừa đổi vai (dừng lại đổi cũng được nhưng không tiết kiệm được thời gian).
"Gánh gồng" là trạng thái vật gánh 2 bên không cân bằng, bên nặng bên nhẹ. Sự mất cân bằng sẽ làm cho người gánh không thể thực hiện chức năng gánh. Khi gánh nước, 2 thùng nước phải to và đầy ngang nhau. Cũng vậy, khi gánh lúa, 2 bó lúa cũng phải có trọng lượng tương đương… Nếu đi chợ, thúng bên này đựng đầy gạo mà thúng bên kia lại chỏng chơ mấy bơ cám nhẹ bẫng, hoặc gánh một bên cối đá bên kia mấy mớ rau thì sẽ bị "tùng bê" (vật nặng bên này đột ngột kéo ghì đòn gánh làm vật nhẹ bên kia bật lên cao).
"Gánh gồng" chính là một tình huống bất thường này làm người gánh đứng im chịu trận không thể nào gánh nổi. Đây chính là cơ sở làm nên ngữ nghĩa câu tục ngữ "Chồng đánh còn hơn gánh gồng". Tất nhiên, dân gian đã sử dụng thủ pháp thậm xưng, ngoa dụ (nói quá), cốt gây ấn tượng và tăng sức biểu cảm của thông điệp mà tục ngữ hướng tới (giống như cách nói trong tục ngữ "Vợ dại không hại bằng đũa vênh" ấy).
Thà để chồng đánh thật đau
"Gánh gồng" việc ấy em đâu dám làm!