Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội
Sáng 15/12, Thành ủy Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng,Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Hội thảo với chủ đề: Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” cũng là dịp để chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội; hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Dân chủ ở cơ sở là hình thức dân chủ trực tiếp, cùng với dân chủ đại diện hợp thành tổng thể nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của xã hội nước ta. Thực hiện phát huy dân chủ ở cơ sở bao hàm rất nhiều nội dung và bằng nhiều hình thức, trong đó thể hiện tập trung nhất ở việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.
Thực chất của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó, vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Với vai trò Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, Hà Nội luôn đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao; năng lực y tế được nâng lên. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt…
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành quả đó chính là kết quả thực hiện Quy chế dân chủ trên địa bàn Thủ đô, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn nỗ lực, phát huy mạnh mẽ dân chủ, tiên phong trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh.
Qua đó, nhân dân ngày càng tích cực phát huy vai trò của mình trong xây dựng và củng cố chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư; đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tại Hội thảo nhiều ý kiến tham luận, đóng góp sâu sắc.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, đổi mới của chúng ta đã hơn 30 năm, nhận thức của Đảng ta về dân chủ càng rõ hơn, thể hiện rõ với những cung bậc khác nhau về nhận thức và lý luận dân chủ từ Đại hội VI tháng 12/1986.
Đại hội này đã khởi đầu, khởi xướng cho công cuộc đổi mới ở nước ta với một đường lối thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội để giải phóng sức sản xuất và giải phóng ý thức tinh thần của xã hội. Một thời gian dài tồn tại một luận điểm về quyền làm chủ tập thể và cơ chế làm chủ tập thể, cũng như nhấn mạnh nhà nước chuyên chính vô sản.
Đến hội nghị 6, Trung ương khóa 6, chúng ta mới làm quen thuật ngữ, dẫn chủ XHCN và hệ thống chính trị. Gần dây nhất, chúng ta đã nói rõ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mối quan hệ giữa các đồng chủ thể trong việc thực hiện dân chủ XHCN và xây dựng nhà nước pháp quyền.
Đặc biệt nữa qua 15 năm đổi mới, từ Đại hội 6 đến Đại hội 9 năm 2001, dân chủ mới được thực hiện trong mục tiêu đổi mới là dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình. Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới ra quyết nghị về vấn đề pháp lệnh dân chủ cơ sở, nội dung của quy chế pháp lệnh này đến đại hội XIII gần đây nhất, chúng ta mới hoàn thiện các phương diện nội dung của nó là dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Đại hội 13 cũng bổ sung thêm một quan điểm lớn có tính chất quy luật của đổi mới là thực hành dân chủ với tăng cường kỷ cương pháp chế xã hội.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, dân chủ là thực hiện mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, giữa nghĩa vụ và trách nhiệm, quyền và lợi ích, lợi ích hưởng càng nhiều bao nhiêu thì quyền và nghĩa vụ phải tương xứng nhiều bấy nhiêu. Mối quan hệ dân chủ thể hiện rõ mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, thể hiện rõ trong hoạt động hàng ngày là quan hệ giữa công chức, người của nhà nước trong việc tiếp công dân, người làm chủ xã hội.
Đặc biệt nữa, chúng ta vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề dân chủ như, Người khẳng định trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân.
Dân là chủ sở hữu của các giá trị của dân chủ, biểu hiện thành thành quả vật chất của dân chủ qua tư duy, hành động của chúng ta. Người còn khẳng định thực hành dân chủ rộng rãi chính là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, thực hiện mọi nhiệm vụ ..
Hà Nội có rất nhiều đặc thù, về tổ chức đảng là một Đảng bộ đông nhất cả nước với 47 vạn đảng viên, 50 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tập trung nhiều tinh hóa trí thức, nhiều cán bộ có trình độ cao về mọi lĩnh vực, cả học vấn lẫn chính trị, thực tiễn…
Đó là thuận lợi trong việc thực hiện cuộc vận động dân chủ của Hà Nội. Chưa kể đến địa bàn, dân cư đông đảo, Hà Nội có 30 quận, huyện có dân tộc thiểu số, có nhiều tầng lớp dân cư, xu hướng dodo thị hóa đồng thời gắn liền với dân chủ hóa, công nghiệp hóa. Những tác động này liên quan đến sự vận động của dân chủ của Hà Nội cũng như cả nước.
PGS, TS Trần Khắc Việt, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng những vấn đề đặt ra hiện nay về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát huy dân chủ ở cơ sở như: Việc xác định đơn vị cơ sở và chủ thể chính trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong chủ trương lãnh đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở, vấn đề quan trọng đầu tiên là xác định rõ khái niệm cơ sở và chủ thể chính trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hiện nay đang có những quan niệm, cách hiểu khác nhau về đơn vị cơ sở: ở địa phương là cấp xã, phường, thị trấn hay thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố; ở bộ và tương đương là cơ quan bộ hay cấp vụ; ở sở và tương đương là sở hay cấp phòng; ở trường đại học là trường hay cấp khoa, bộ môn; ở doanh nghiệp là cả doanh nghiệp hay cấp đơn vị trực thuộc...
Trong lãnh đạo luật hóa dân chủ ở cơ sở còn chưa rõ xây dựng, ban hành luật chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, hay xây dựng, ban hành các luật thực hiện dân chủ ở từng loại hình cơ sở; xử lý vấn đề thực hiện dân chủ ở các xã, phường, thị trấn không lập hội đồng nhân dân. Ở địa phương, hội đồng nhân dân là một thiết chế dân chủ, vì hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay ở các phường thuộc một số thành phố trực thuộc Trung ương không lập hội đồng nhân dân. Do đó, cần có quan điểm, chủ trương về thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với mô hình chính quyền địa phương này…
PGS, TS. Nguyễn Chí Hiếu, Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản cho rằng một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, các văn bản của Trung ương, thành phố Hà Nội về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công cuộc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên các kênh thông tin tuyên truyền của Thành phố.
Nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính trong quy trình giải quyết công việc với các tổ chức, công dân, nhất là các đơn vị có chức năng nhiệm vụ thường xuyên phải tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ thành phố Hà Nội cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn; chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền; tăng cường công tác nắm tình hình về tư tưởng của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các quy định của pháp luật…