Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Voi và trâu, bò, ngựa trong thế giới tâm linh Đông Sơn
Tôi sẽ tạm dừng chuỗi bài nói về linh thú Đông Sơn để chuyển sang chủ đề Đông Sơn khác bằng câu chuyện về hình tượng voi và trâu bò được nghệ nhân và thầy cúng Đông Sơn thể hiện như thế nào.
1. Gần đây, cũng có vài ý kiến trên mạng nghi ngờ sự tồn tại của voi trong thời Đông Sơn khi nghĩ rằng Tượng Quận đời Tần Hán lùi thấp hơn nữa về phía xích đạo, như địa danh huyện Tượng Lâm thời Nhật Nam, Lâm Ấp. Tuy không bàn ở đây chuyện thư tịch, nhưng tôi có thể khẳng định với tư cách nhà khảo cổ rằng điều ngờ vực đó là không đúng khi khảo cổ học đã xới lên từ lòng đất hàng trăm tiêu bản tượng, hình khắc vẽ voi trên đồ đồng Đông Sơn và việc chép từ rất sớm Giao Châu luôn là nơi cống nạp cho các triều đình phương Bắc sừng tê, ngà voi. Việc tìm được xương, răng voi trong các khu cư trú, mộ táng Đông Sơn cũng hiếm như xương các linh thú khác, như chim, cá sấu, hổ báo… thôi. Điều đó không đủ minh chứng cho ngờ vực kể trên.
Giở trong tư liệu do tôi đang lưu trữ đã có 60 hình ảnh về voi Đông Sơn: Voi được đúc trân trọng chở người trên cán tượng dao găm; voi được đúc rời để gắn vào các đồ vật, kể cả trống đồng; voi được khắc trên khuôn đúc thạp đồng, giáo, qua, rìu chiến Đông Sơn; voi đứng trên đỉnh chuông nghi lễ, voi trở thành bầu đựng dầu và là chân các bộ đèn nhiều bấc trong các nhà quyền quý. Điển hình nhất, voi lưu ảnh trong những câu chuyện khởi nghĩa của các nữ thủ lĩnh thời dựng nước như Bà Trưng, Bà Triệu - mở đầu truyền thống tượng binh kéo dài trong suốt lịch sử nước ta.
Về mặt niên đại, sự xuất hiện nghệ thuật dùng hình tượng voi trang trí trên đồ đồng Đông Sơn có thể đẩy lên thế kỷ 4 - 5 trước Công nguyên, gắn với những hình tượng voi trên giáo, qua, rìu đồng niên đại trước Âu Lạc, tương đương thời Văn Lang ở ta hoặc Chiến Quốc bên Trung Hoa.
Điển hình nhất là hình voi trên ngọn giáo vớt ở sông Kinh Thày, thuộc hệ thống mộ Đông Sơn Kiệt Thượng, cách không xa khu mộ Việt Khê, Núi Voi. Trong sưu tập hình voi Đông Sơn giai đoạn sớm thường thấy voi gắn với hình Rùa thần. Khi đó voi chưa thấy chở người trên lưng.
Hình tượng voi chở thầy cúng (Shaman) trên lưng sớm nhất có lẽ vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, trên trống đồng sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội) và trên rìu chiến sưu tập bảo tàng Phạm Huy Thông. Hình ảnh đàn voi nhà dùng trong nghi lễ khi này đã khá ổn định, thường thấy một voi mang đồ lễ đi trước, bên trên chỉ có quản tượng. Theo sau là con voi lớn, ngoài quản tượng còn có một thầy cúng múa quạt hoặc nâng rượu (hay nước thiêng) ở giữa và người thổi khèn phía sau. Bên dưới là người hóa trang đội trống đồng đi theo đoàn rước. Trên một chiếc thạp ba chân dạng "liễm" của quý tộc Đông Sơn Tây Âu trong sưu tập CQK (California, Mỹ) có hình voi đi trong đoàn rước…
Voi trở thành vật cưỡi của thủ lĩnh trở nên rất phổ biến ở khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên về sau, gắn với motive trang trí tiêu biểu: đôi hổ hay cá sấu đỡ bốn chân voi. Trên lưng có bành chở người, hoặc chở một quản tượng, một thủ lĩnh, hoặc chở hai chị em sinh đôi... mà trong những bài đầu tôi đã nhắc đến biểu trưng Hai Bà Trưng sau này.
2. Phân bố của nghệ thuật trang trí gắn với voi liên quan đến nhóm Đông Sơn Tây Âu. Cũng từ các đồ vật Đông Sơn Tây Âu nổi lên những gia thú lớn song hành với voi, đó là trâu - bò, ngựa.
Thực ra, con ngựa xuất hiện khá muộn và hiếm hoi trong nghệ thuật Đông Sơn. Tôi nhớ Tết năm Ngọ gần 10 năm trước, tạp chí Mỹ thuật nhiếp ảnh có đặt bài viết cho số Tết. Tôi lục tìm trong khối tư liệu Đông Sơn được một số hình khắc ngựa nhà rất sinh động trên thạp, trống Đông Sơn Tây Âu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng loài "khuyển mã" này du nhập vào văn hóa Đông Sơn khá muộn, theo chân những người Tây Âu thượng nguồn sông Hồng, nơi có giao tiếp từ nhiều thế kỷ trước với khối dân du mục Tạng Miến đưa xuống.
Hình ảnh Thánh Gióng với ngựa sắt và việc thờ tướng thời Hùng Vương là Lý Tiến với Bạch Mã (đền còn ở phố Hàng Bồ, Hà Nội) gắn với làn sóng xâm nhập của khối Tây Âu xuống vùng đất Lạc để tạo thành liên minh quốc gia Âu Lạc thế kỷ 3 trước Công nguyên là nền thực khớp với tài liệu khảo cổ của ngựa trong văn hóa Việt Nam khi đó và sau này.
3. Trâu - bò xuất hiện sớm hơn nhiều trong nghệ thuật Đông Sơn. Ít ra từ gần ngàn năm trước Đông Sơn thì tượng bò đất nung trong hố đất đen khai quật ở Đồng Đậu (Minh Tân, Vĩnh Phúc) đã không thể chối cãi. Thực ra, phân biệt giữa trâu và bò vẫn còn là điều khó ngay cả với các chuyên gia động vật học. Nhưng đến thời Đông Sơn, nghệ nhân có những điểm nhấn giúp ta dễ thống nhất có hai loài thú lớn giúp sức kéo và cho thịt này: Bò có u ở gáy và trâu nước.
Hình khắc bò chúng tôi hiện gom được hàng trăm tiêu bản trên thân các trống đồng mang phong cách Đông Sơn Tây Âu (trống dạng Lùn). Phần lớn chúng được khắc ở các ô trên thân trống hay các băng trên thạp. Một số trống Đông Sơn đào ở Tây Nguyên có bò được trang điểm, dùng làm vật cưỡi cho shaman hay thủ lĩnh đưa lên đứng giữa thuyền trên tang trống. Một số tượng bò Đông Sơn đúc rời dùng để gắn trên đồ đồng thuộc tượng bò có u ở gáy, trên lưng có người cưỡi (sưu tập Barbier-Mueler tại Geneva, Thụy Sĩ). Một số tượng bò có u được chế thành bầu đựng dầu cho các đĩa đèn đồng Đông Sơn.
Bầy trâu Đông Sơn sinh động nhất được mô tả trên các dạng trống phong cách phía nam Văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc), gắn với Tây Âu, khai quật được trong khu mộ Đông Sơn ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên.Vòng quanh phần thân trống là 6 nhóm đồ án đúc nổi hình các con trâu có chim đậu bên trên lưng. Đặc biệt có một cặp trâu đi tơ rất sinh động. Những trống tương tự đã đào được ở Bắc Ninh trong sưu tập của Vũ Quốc Hội (Hà Nội) và có chiếc từng lưu lạc sang tận sàn đấu giá Bangkok hồi chiến tranh chống Mỹ (sưu tập Kempper).
Voi, trâu, bò đã gia nhập đàn thú thiêng Đông Sơn từ rất sớm. Sự có mặt của chúng trong nghệ thuật Đông Sơn giúp chúng ta hiểu thêm sự thuần phác trong tâm linh, tín ngưỡng Đông Sơn. Chúng để lại trong nhận xét rất chân thật của nhà sử học Lê Văn Hưu khi bắt tay biên soạn Đại Việt sử ký (Toàn thư sau này) cũng như trong các trước tác của các học giả đời Trần về Lĩnh Nam trích quái hay Việt điện u linh.. rằng: "Phong tục thời Hùng Vương thuận hậu, chất phác".
"Những voi được thể hiện trên đồ đồng Đông Sơn đều đã là voi nhà, phản ánh lịch sử thuần dưỡng voi đã có từ nhiều trăm năm trước. Voi được dựng bành trên lưng biến thành Ngự Tượng của thủ lĩnh hay thầy cúng, cũng trở thành chiến xa khi đưa thủ lĩnh xung trận. Hình ảnh đó thật xúc động khi được đưa lên nền mặt trang trí của những chiếc đồng hồ quý phái, đắt hiếm trên thế giới" - TS Nguyễn Việt.