Nguyễn Thị Huyền giữ kỷ lục 13 HCV SEA Games vẫn là 'bà mẹ trên đường chạy' với ước mơ chiếc tủ lạnh
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Nam Định, với cơ duyên với điền kinh và nỗ lực của bản thân, Nguyễn Thị Huyền đã vượt qua mọi khó khăn và rào cản để trở thành một trong những tượng đài của điền kinh Việt Nam. Điều đặc biệt hơn với Huyền là cô thi đấu kể khi vừa sinh con và làm mẹ, nhưng vẫn không ngừng bổ sung thêm vào thành tích cá nhân những bộ huy chương.
Nguyễn Thị Huyền- VĐV giữ kỷ lục 13 HCV SEA Games: 'Điền kinh đã chọn tôi'
"Điền kinh đã chọn tôi"
Nói về cơ duyên với điền kinh, Huyền cho biết cô cảm thấy điền kinh đã chọn mình. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Huyền đã nổi trội hơn các bạn đồng trang lứa trong trò chơi đuổi bắt hay trong môn thể dục. Năm 2007, Huyền được các thầy cô chọn đi thi huyện và được giải nhất. Sang năm 2008, cô lại đi thi và giành HCV. Huyền kể khi đó, cứ đi thi nội dung nào là giành HCV nội dung đó, từ nhảy cao, nhảy xa hay chạy 800m. Huyền được chọn vào đội tuyển của tỉnh.
Nhưng không muốn xa mẹ, xa nhà, Huyền từ chối cơ hội. Chỉ khi các thầy cô tạo điều kiện cho đạp xe 10km từ nhà lên đội tập vào buổi sáng rồi đạp xe về, Huyền mới chấp thuận. Hội khỏe phù đổng toàn quốc năm 2008, Huyền giành HCV. Một năm sau, Huyền được lên đội tuyển trẻ điền kinh quốc gia tập trung ở Từ Sơn, sau đó lên ĐTQG năm 2011, thi đấu kỳ SEA Games đầu tiên tại Indonesia, giành HCĐ nội dung tiếp sức.
Ước mơ về chiếc tủ lạnh cho mẹ
Huyền xuất thân trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con, chị gái bị bệnh không nhận biết được mọi thứ xung quanh, cứ như một đứa trẻ.
Từ khi xa nhà đi tập và thi đấu điền kinh, Huyền luôn ý thức rõ việc phải tiết kiệm tiền để có thể hỗ trợ mẹ trang trải cuộc sống, lo cho chị. Huyền tập trung phấn đấu ở từng giải nhỏ, cố gắng giành HCV từ giải trẻ, VĐQG rồi Đại hội TDTT toàn quốc và sau đó là những đấu trường lớn ở tầm châu lục. Khi ấy, Huyền chỉ ao ước rằng, sau này sẽ góp đủ tiền mua cho mẹ chiếc tủ lạnh, thứ mà hồi bé cô ao ước gia đình mình có để có thể uống nước đá vào những ngày hè nóng nực.
Những ngày tháng ở đội trẻ, tiền gần như không có. Vào dịp Tết, được thưởng 200-300 nghìn đồng, Huyền mới có thể mua cho mẹ và chị chiếc áo từ chợ đồ cũ, mang về quê làm quà. Năm 2009, Huyền tham dự giải trẻ Đông Nam Á và nhận được khoản tiền thưởng 12 triệu đồng. Đến lúc đó, Huyền có thể hiện thực hóa ước mơ của mình. Cô mua ngay cho mẹ một chiếc tủ lạnh. Số tiền đó giúp Huyền làm được nhiều hơn thế. Cô còn hỗ trợ được mẹ sửa căn bếp mái ngói hay bị dột, cứ mưa gió bão là tốc hết mái.
Lúc đó, Huyền nói với mẹ rằng, cô không biết sau này thế nào nhưng sẽ cố gắng lo cho mẹ, cho chị. Điền kinh đã giúp Huyền thực hiện được lời hứa.
Tại SEA Games 2015 diễn ra ở Singapore, Huyền giành ba HCV nội dung 400m, 400m vượt rào và tiếp sức 4x400m, lập hai kỷ lục đại hội. Thành tích 56 giây 15 (400m vượt rào), 52 giây (400m) giúp Huyền giành luôn "cú đúp" chuẩn dự Olympic Rio 2016 – đây cũng là mốc son lịch sử của điền kinh Việt Nam mà tới lúc này chưa có VĐV nào đạt được. Tại Giải điền kinh vô địch châu Á năm 2017, Huyền tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc, giành HCV nội dung 400m vượt rào.
Chân dung bà mẹ trên đường chạy
Năm 2017, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thị Huyền bước sang một trang mới, khi cô tiến hành hôn lễ với chồng là Phạm Quỳnh- giảng viên Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Một năm sau, cô sinh con gái đầu lòng và bước vào hành trình làm mẹ.
Có khoảng 15 năm tập luyện và thi đấu cả trong và ngoài nước, Nguyễn Thị Huyền có rất nhiều kỷ niệm với "hành trình chạy" của mình. Thành công có, thất bại cũng có, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất với Huyền là quyết định quay trở lại đường chạy vào năm 2019, thời điểm vừa sinh con được 3 tháng.
Thực tế, khi mang thai và sinh con, Huyền đã có ý định nghỉ chạy, chuyển sang công tác huấn luyện. Huyền đã có sự chuẩn bị cho quá trình này khi theo học và tốt nghiệp Đại học tại Đại học TDTT Bắc Ninh. Thế nhưng, thời điểm ASIAD 2018 diễn ra từ trung tuần tháng 8 tới đầu tháng 9, Huyền vừa bế con mới sinh vừa theo dõi cổ vũ các VĐV Việt Nam thi đấu qua tivi. Lúc đó, trong cô thôi thúc một suy nghĩ "mình sẽ tập lại và thi đấu chứ". Sau đó, Đại hội TDTT toàn quốc 2018 diễn ra. Huyền cùng chồng đều thích xem các VĐV điền kinh so tài. Vì thế, hai vợ chồng bàn với nhau "thay ca" trông con, người này trông con thì người kia được đi xe máy từ nhà ở Từ Sơn tới Cung điền kinh Mỹ Đình để xem đồng nghiệp thi đấu. Đến lúc đó, Huyền quyết tâm sẽ quay trở lại đường chạy.
Lựa chọn của Huyền nhận được sự ủng hộ của chồng và gia đình. Dù vậy, hành trình vô cùng khó khăn. Sau sinh, Huyền tăng cân rất nhiều và do nghỉ đã lâu nên lúc tập lại cơ thể đau nhức và mỏi mệt. Ngày tập, tối chăm con, khiến Huyền nhiều lúc cảm thấy kiệt sức. Càng xót xa hơn khi con được 5 tháng, Huyền phải cai sữa để tách con, cho con ngủ với ông bà. Thương con, Huyền càng nỗ lực tập luyện để những hi sinh của mình là xứng đáng.
SEA Games 30 trên đất Philippines, Nguyễn Thị Huyền làm nên điều kỳ diệu khi giành 2 HCV ở nội dung 400m và 400m vượt rào. Chuyện một VĐV điền kinh bảo vệ HCV SEA Games chỉ 13 tháng sau khi sinh được đánh giá là hy hữu trong làng điền kinh không những của Đông Nam Á mà cả thế giới. Khi được hỏi điều gì đã giúp Huyền làm nên kỳ tích, cô đáp: "Tôi không có bí quyết gì ngoài cố gắng".
Nhờ hai tấm HCV đó, Huyền có thêm động lực tiếp tục theo đuổi đam mê. SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam, Huyền tiếp tục giành HCV. SEA Games 32 ở Campuchia, Huyền lập hat-trick HCV (400m vượt rào, 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ, 4x400m tiếp sức nữ) để trở thành VĐV giữ kỷ lục giành nhiều HCV SEA Games nhất với 13 tấm.
Khi được hỏi về những mục tiêu sắp tới trong cuộc phỏng vấn với báo Dân Việt, Huyền nói cô sẽ lắng nghe cơ thể mình và chinh phục từng giải đấu cụ thể. Huyền cũng muốn câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho những VĐV điền kinh nữ sau này, rằng đừng từ bỏ bất cứ khi nào bạn còn có thể, ngay cả khi đã lập gia đình và sinh con.