Nhà báo Hồng Mai: 'Chính thiếu nhi và văn học sẽ tìm đến nhau'
Có tác phẩm được giảng dạy trong cả tập 1 và tập 2 sách Tiếng Việt 3, bộ Chân trời sáng tạo, Hồng Mai (bút danh Mai Hương, Trần Bảo Nguyên) được nhiều độc giả quý mến bởi những tác phẩm viết mang đặc trưng vùng miền. Chị cũng là người đứng sau những trang báo nuôi dưỡng tình yêu văn chương cho thiếu nhi hàng chục năm qua.
"Có văn bản được lựa chọn làm ngữ liệu trong sách giáo khoa quả là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Còn về dự định theo đuổi con đường sáng tác thì không phải đến bây giờ mới nghĩ đến. Tôi đã có ước mơ ấy từ nhỏ. Đã bắt đầu viết từ hồi lớp 9. Hồi sinh viên cũng từng đạt giải viết văn ở trường. Nhưng chưa muốn trở thành nhà văn, tôi đang có ưu tiên khác" - nhà báo Hồng Mai chia sẻ.
Gần 20 năm miệt mài "gọt tỉa chữ"
* Đọc "Độc đáo lễ hội đèn Trung Thu", tôi thấy tình cảm tự hào, yêu mến quê hương Tuyên Quang đã được tác giả gửi gắm qua một văn bản rất ngắn…
- Đúng như bạn nói, "một văn bản rất ngắn" để phù hợp với năng lực đọc của học sinh tiểu học, chỉ đủ như một lời giới thiệu về sự "hiện diện" của lễ hội đường phố mùa Trung Thu ở Tuyên Quang. Tôi viết văn bản này vì muốn giới thiệu đến các bạn nhỏ chưa có dịp tham gia lễ hội Trung Thu lớn bậc nhất của cả nước. Còn với các bạn nhỏ đã đến mùa lễ hội ở đây thì sẽ thêm phần hãnh diện, vì đã có được trải nghiệm thật tuyệt vời.
Xuất phát từ một lễ hội truyền thống trong văn hóa Á Đông, với sự sáng tạo của người dân và sự hỗ trợ của những phương tiện hiện đại, Trung Thu ở Tuyên Quang đã trở thành một lễ hội độc đáo với bản sắc riêng, là sản phẩm văn hóa của một vùng.
Từ ngày có lễ hội đến nay, chúng tôi, những người con Tuyên Quang đang sinh sống ở mọi miền tổ quốc đều thật sự rất tự hào. Tuyên Quang là một vùng đất yên bình, một thành phố nhỏ, nằm khiêm tốn bên bờ sông Lô anh hùng, vốn không có quá nhiều điểm khác biệt về lối sống và văn hóa, vì chỉ cách Hà Nội hơn 100km. Nhưng lễ hội Trung Thu đã mang đến một nét đặc sắc văn hóa mới cho quê tôi.
Để giờ đây, mỗi khi gặp nhau, những người đồng hương, thường có câu cửa miệng: "Trung Thu này có về quê không?", "Trung Thu năm nay rủ nhau về nhé!"... Gặp người mới quen, chỉ cần nói quê Tuyên Quang, thì dễ nghe câu: "Ôi, Tuyên Quang có Trung Thu to nhỉ!".
Có thể nói, lễ hội Trung Thu đã góp phần định vị Tuyên Quang trên bản đồ du lịch, văn hóa cộng đồng Việt Nam.
* Còn câu chuyện về cô bé Nhã Uyên mang làn gió sông Hương ra với bè bạn Thủ đô - "Gió sông Hương" - được chị viết với cảm hứng nào?
- Đó là câu chuyện về trẻ em, nhưng nó được bắt nguồn từ tình cảm sâu đậm của tôi với vùng đất cố đô. Hành trình đi vào trang sách giáo khoa của câu chuyện cũng đúng là rất duyên. Tôi vốn rất rất yêu xứ Huế.
Mà thực ra ai học văn, yêu văn cũng dễ yêu Huế. Vì yêu mà tôi có duyên nhiều lần đến với cố đô. Tôi có mấy người bạn, người thì gốc Huế, người thì sinh sống ở Huế, với thời gian đủ để chất Huế ngấm vào giọng nói. Giọng Huế thì chắc không chỉ tôi mê đâu, mà nhiều người mê lắm. Mỗi khi bạn ra Hà Nội chơi hoặc công tác, bạn bè tôi mà gặp đều thổ lộ: "Giọng Huế yêu thế chứ!".
Từ đó, một lần ngồi bí ngữ liệu cho một chuyên mục của tờ tạp chí cho thiếu nhi mà mình phụ trách, tôi đã viết câu chuyện về cô bé Nhã Uyên. Tôi nghĩ đến một cô bé nói giọng Huế mà đọc bài trong giờ học Tiếng Việt sẽ thú vị đến nhường nào. Tôi cũng nhớ đến cảnh cô bé ấy ngày ngày được ba mẹ chở đi học trên con đường Lê Lợi thênh thang lồng lộng gió sông Hương, bỗng phải theo ba mẹ ra Hà Nội khá chật chội. Cô bé sẽ thấy xa lạ và nhớ quê đến thế nào.
Ngày nay, nhiều bạn nhỏ phải ở vào cảnh ngộ đó. Và tôi liền nghĩ, các bạn nhỏ mới dễ hòa nhập hơn người lớn, chỉ cần có sự đồng cảm của bạn bè, cùng với niềm tự hào về quê hương, các bạn nhỏ sẽ dễ dàng tự tin vượt qua các rào cản.
Tôi không mong các bạn nhỏ khi đọc văn bản sẽ hiểu đúng như điều tôi nghĩ, nhưng tôi tin các bạn nhỏ sẽ thêm yêu thương, trân trọng và tôn trọng những điều khác biệt ở bạn bè.
Viết xong câu chuyện, tôi có gửi cho một người bạn Huế. Người bạn ấy đã giúp tôi pha đậm thêm chất Huế cho câu chuyện. Và rồi câu chuyện được giới thiệu đến cho các tác giả làm sách giáo khoa… Để thật sự phù hợp với ngôn ngữ sách giáo khoa, các tác giả chắc cũng phải kì công "biên tập" một số câu chữ. Tôi là người viết, nhưng không chuyên sáng tác, nên câu chuyện nhỏ bé ấy được đưa vào sách giáo khoa là một sự hãnh diện.
Cho nên, dù được gọt giũa thế nào, tôi cũng vô cùng trân trọng công sức của mọi người. Là người làm biên tập văn học thiếu nhi cho ấn phẩm dành cho nhà trường lâu năm, tôi thấu hiểu nỗi vất vả của những người "gọt tỉa chữ". Một văn bản nhỏ như Gió sông Hương có hành trình không nhỏ như vậy đó.
* Nhiều nhà văn, nhà thơ kêu khó khi viết ngữ liệu cho sách giáo khoa. Với chị, một nhà báo, được chọn 2 tác phẩm vào sách "Tiếng Việt" tiểu học, chị có thấy khó không?
- Về cái duyên để có văn bản được chọn là ngữ liệu đọc trong Tiếng Việt thì tôi đã chia sẻ một phần ở trên. Thứ nữa, cái duyên này là kết quả của gần 20 năm say sưa miệt mài "gọt tỉa chữ" để có những trang báo, trang sách cho các bạn học sinh tiểu học.
Cũng là người nghiên cứu về phương pháp dạy học, nên tôi hiểu rõ những tiêu chí khắt khe của việc lựa chọn văn bản đưa vào các ấn phẩm giáo dục. Dù chưa in thành sách tác phẩm nào cho thiếu nhi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn phải tự viết trong những tình huống "cấp bách", nhằm kịp tiến độ in báo. Vì thế, vài mẩu chuyện, văn bản tôi viết có cơ hội được các tác giả SGK "để mắt" tới.
Về ý kiến của các nhà văn, nhà thơ khác thì tôi không dám lạm bàn. Chỉ xin chia sẻ chút xíu ở vị trí của một người làm biên tập. Thực tế, văn học thiếu nhi không thiếu những tác phẩm hay, phù hợp với bạn đọc thiếu nhi. Tuy nhiên, chọn tác phẩm làm ngữ liệu đọc để đưa vào các ấn phẩm giáo dục trong nhà trường lại cần rất nhiều tiêu chí.
Ví dụ tiêu chí tưởng đơn giản nhất là dung lượng (số chữ) phải đúng quy định theo yêu cầu cần đạt của chương trình; sau đó là các tiêu chí nội dung, đề tài, chủ đề, tư tưởng, vùng miền...
SGK cũng cần những văn bản mang đậm hơi thở cuộc sống, phù hợp với mục tiêu giáo dục, bên cạnh các tác phẩm văn học kinh điển đã được thời gian và bạn đọc khẳng định giá trị. Với người sáng tác, vốn tôn trọng nguồn cảm hứng tự nhiên, việc nếu viết theo "đơn đặt hàng" thì đúng là không có hứng thú. Tôi trộm nghĩ, với người sáng tác chuyên nghiệp, đó không phải chuyện khó dễ.
Với những người biên tập chúng tôi, việc sửa chữa một bài văn của học sinh cho "tròn trịa" để đăng báo đã vô cùng áp lực. Biên tập để các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ vừa "khuôn khổ" SGK quả là áp lực gấp ngàn lần.
Nhà báo Hồng Mai quê Tuyên Quang, hiện sinh sống tại Hà Nội. Chị hiện là Phó TBT tạp chí Toán học và Văn học trong nhà trường, thuộc Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách tham khảo được độc giả yêu thích.
Trẻ em sẽ tìm đến văn học, khi đủ sự hấp dẫn
* Theo chị, văn chương có ý nghĩa với tuổi thơ như thế nào?
- Gắn bó gần 20 năm với Văn tuổi thơ, Văn học và tuổi trẻ - hai ấn phẩm phục vụ việc dạy học Ngữ văn, Tiếng Việt trong nhà trường - tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người viết, tiếp xúc với rất nhiều thế hệ các bạn nhỏ yêu văn chương. Nhiều thế hệ bạn đọc những số đầu giờ đã là cô giáo, đã là nhà văn nhà thơ, là cộng tác viên, biên tập viên đồng nghiệp của tôi. Nhiều bạn từng có bài viết đăng trên Văn tuổi thơ, Văn học và tuổi trẻ đã trưởng thành, rất xuất sắc. Khi gặp các cô giáo, hoặc cha mẹ các bạn, nghe kể về các bạn ấy, tôi thấy rất tự hào.
Nghe thì có vẻ khuôn mẫu, nhưng nếu thức ăn nuôi ta lớn lên về mặt thể chất, thì văn chương góp phần rất lớn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người.
Ngay từ nhỏ, tâm hồn ta đã được nuôi dưỡng bởi lời hay ý đẹp, thông điệp nhân văn của văn chương, chắc chắn lớn lên sẽ là một người lương thiện. Tôi nghĩ, lương thiện là một sự trưởng thành đáng mong đợi nhất của mỗi người.
* Làm sao để trẻ em gắn bó với văn học hơn?
- Tôi nghĩ, chúng ta không cần làm gì và cũng không thể làm gì nhiều để trẻ em yêu văn học nhiều hơn. Chính thiếu nhi và văn học sẽ tìm đến nhau, như một nhu cầu tự thân. Đó là khi văn học thực sự hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ em. Khi trẻ em nhận thấy đọc văn như là một nhu cầu giải trí, học tập, bồi dưỡng tri thức, tình cảm… thì sẽ đọc, cũng giống như các em muốn chơi trò chơi trên điện thoại, máy tính hoặc xem truyện tranh vậy.
Chúng ta chỉ có thể tạo nên những cầu nối để trẻ em và văn học kết nối được với nhau. Đó là cầu nối ở trường học, qua những bài học, những hoạt động văn học thú vị. Đó là cầu nối trên các phương tiện truyền thông, qua rất nhiều hình thức năng động, giúp trẻ em được tiếp xúc với văn học, bị hấp dẫn bởi văn học và thấy được giá trị của văn học với sự trưởng thành của các em.
* Ở đầu câu chuyện, chị nói mình đang có ưu tiên khác, ấy là gì?
- Sau từng ấy năm gắn bó với các tác giả viết cho thiếu nhi, điều thôi thúc tôi bây giờ không còn là sáng tác nữa. Mà là mong muốn được bày tỏ sự tri ân với đội ngũ sáng tác. Tôi hiểu những tâm huyết, những vất vả, cực nhọc, những hy sinh âm thầm của những người kiên trì bám trụ trên mảnh đất văn học thiếu nhi. Tôi ngưỡng mộ tài năng của các bác, các cô chú, anh chị ấy.
Tôi cùng một vài bạn chuyên nghiên cứu về văn học trong nhà trường và văn học trẻ em sẽ viết những trang viết để giới thiệu, để kết nối các bạn nhỏ tìm đến với văn học. Gần 20 năm qua, trang Vì tuổi thơ (trên Văn tuổi thơ), trang Tác phẩm hay cho bạn (trên Văn học và tuổi trẻ) mà chúng tôi phụ trách đã và vẫn đang làm công việc đó.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
"Ngày nay, ngoài văn chương, để phát triển một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại, trẻ em cần đọc nhiều hơn các thể loại khác. Nhưng văn chương vẫn là gốc rễ, là yếu tố chính để phát triển ngôn ngữ - phương tiện cơ bản nhất để tiếp thu tri thức nhân loại" - nhà báo Hồng Mai.