Chào tuần mới: Sức sống mới từ công viên cũ
Một phần tường rào công viên Thống Nhất trông ra phố Trần Nhân Tông sẽ được hạ bỏ trước Tết Dương lịch 2023 để kết nối với phố đi bộ - đó là thông tin vừa UBND Hà Nội công bố trong tuần qua.
Đây là một phần trong đề án xây dựng không gian đi bộ tại khu vực phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận, được giao cho quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chủ trì. Theo đề án ấy, dự kiến từ 1/1/2023 sắp tới, một trục phố đi bộ nằm trên trục đường Trần Nhân Tông sẽ được thiết lập vào các ngày cuối tuần, với nhiều hoạt động văn hóa đặc thù.
Cũng cần nhắc lại, ý tưởng xóa bỏ tường rào tại công viên Thống Nhất của UBND TP Hà Nội đã được nhắc tới từ khá lâu, và từng là một đề cử quan trọng tại giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức năm 2022 này. Quanh ý tưởng ấy, rất nhiều chuyên gia đã đánh giá cao việc bỏ tường rào công viên Thống Nhất, qua đó tạo điều kiện cho cộng đồng dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ một không gian công cộng mang đậm giá trị văn hóa - lịch sử của thành phố.
Để rồi bây giờ, với kế hoạch của Hà Nội, một trong 4 mặt tiền của công viên này đã được "giải phóng" để làm thành một phần của tuyến phố đi bộ đầu tiên tại quận Hai Bà Trưng. Thực tế, cũng là đoạn phố đẹp nhất tại đơn vị hành chính này, với không gian nằm xen giữa hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất, có đầy đủ cây xanh, mặt nước, bồn hoa, tượng đài và một điểm biểu diễn nghệ thuật lớn - rạp xiếc Trung ương - ở phía cuối đường.
Hà Nội có thêm một phố đi bộ làm nơi thư giãn cuối tuần, trong khi không gian của công viên Thống Nhất được "đánh thức" - đó là những điểm tích cực đủ để chúng ta hi vọng vào một điểm đến văn hóa mới của người dân thành phố.
Nhưng cũng cần nói thêm, như nhiều ý kiến từng chia sẻ, trong tương lai xa hơn, giá trị của công viên Thống Nhất chỉ được phát huy một cách trọn vẹn khi xóa bỏ toàn bộ hệ thống hàng rào xung quanh. Thực tế, không chỉ ở phía trông ra hồ Thiền Quang, 3 phía còn lại của không gian này cũng đều chứa những tiềm năng lớn để thu hút cộng đồng: Một phía nhìn ra không gian quanh hồ Ba Mẫu, một đối diện cụm đại học Bách Khoa - nơi học tập và sinh hoạt của rất nhiều bạn trẻ - và một nhìn ra phố Nguyễn Đình Chiểu, nơi có nhiều ô phố bàn cờ kiểu Pháp và Nhà hát Chèo Hà Nội cùng một loạt các trung tâm thương mại, văn phòng.
Tất nhiên, để có thể kết nối tốt với 3 phía không gian ấy, đó còn là hàng loạt bài toán về quy hoạch giao thông, tổ chức cảnh quan hay bố trí tiện ích theo hướng thân thiện với người đi bộ. Cũng như, về lâu dài, khi xóa bỏ lớp hàng rào bảo vệ, việc giữ vệ sinh và an ninh cho không gian này cũng cần được tính toán để thu hút nguồn vốn xã hội hóa theo hướng bền vững, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách.
Nhưng với những gì đang bắt đầu, hãy cứ hi vọng vào tương lai của công viên Thống Nhất - nơi mà nhiều người từng hi vọng sẽ trở thành một không gian văn hóa đặc thù của Hà Nội để hỗ trợ cho một Hồ Gươm vốn đang quá tải. Nên nhớ, so với một công viên Thống Nhất rộng 45 ha, Hồ Gươm chỉ có diện tích bằng 1/3, và những gì làm nên sức hút đặc thù của nó cũng chỉ là câu chuyện về quy hoạch và sự chăm chút theo thời gian.