Ngẫm ngợi cuối tuần: Chuyện năm con rồng
Nhân đọc 2 kỳ bài "Hé lộ những nghiên cứu mới về hình tượng rồng" trên Thể thao và Văn hóa tuần này, tôi xin bàn thêm về con rồng trong văn hóa Việt Nam, cũng như con giáp biểu tượng của năm Giáp Thìn này.
1. Mỗi năm hạ chi ứng với một con vật. Năm nay Giáp Thìn là năm của con rồng. Rồng theo đạo nho ứng với ngai vị chúa tể, là vua. Hình tượng đó gắn liền với ngàn năm triều đại phong kiến. Biểu tượng rồng trong đồ dùng của vua với bàn chân rồng phải đủ 5 móng, còn đồ nội phủ quan lại, họ hàng chỉ 4. Nếu có 5 móng thì bị coi là phạm thượng, là muốn sánh ngang vua, có ý phản loạn, không thể tránh tội chém đầu.
Biểu tượng rồng trong mỗi triều đại phong kiến đều khác nhau với những đặc điểm riêng. Chẳng hạn rồng thời Lý mình trơn không vảy, còn rồng thời Nguyễn thì diêm dúa, kiểu cách.
Nhưng ở đây không nói chuyện rồng các đời vua, mà chỉ chuyện về con rồng trong hội ngày hạ điền cầu mưa của người miền núi.
Ấy là hội Lồng Tồng mở vào ngày "Vằn đắp", ngày mùng Một tháng 2. Ngày ấy, người Tày Quảng Uyên ăn tết lại, mở hội "tranh đầu pháo". Trung tâm hội lễ vẫn là con rồng. Đội múa rồng, áo vàng quần chẽn khăn vố thắt lưng bao đỏ, chục nam thanh rước con rồng vải vàng dài vài chục mét rùng rùng xuất hiện tiến hành nghi thức cầu mưa cho mùa màng năm tới tốt tươi.
Trước khi ra bãi hội, con rồng theo đoàn người múa rồng chạy loanh quanh mọi ngõ ngách trong xóm. Người đi đầu rước quả cầu ngọc rập rình cho rồng lao theo đớp. Đó là một trình diễn múa rồng giữa thanh thiên bạch nhật trước không gian làng xóm. Những trai làng sung sức, có võ thuật dẻo dai, múa biểu diễn khiến rồng vải linh hoạt sống động, thu hút sự chú mục hàng trăm người dự lễ hội.
Tịch điền cũng là lễ khai phóng đất đai đầu năm bước vào vụ mùa của dân lúa nước đồng bằng. Ý nghĩa của tịch điền cũng là hạ điền vào dịp đầu Xuân. Nhưng vua đi cày thì cũng gần nghĩa là rồng lội ruộng rồi, nên tịch điền không có hình ảnh rồng, phượng. Chỉ Lồng Tồng là dân tự làm hội lễ cầu mùa. Lễ này cổ xưa hơn, con rồng không là biểu tượng vua chúa, quyền lực cai trị, mà chỉ là linh thần cai quản mưa nắng. Cầu trời mưa xuống, cho nước tôi uống, cho ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm! Mơ ước thật giản dị và thực tế quá. Vậy rồng Á đông thật sự gần gũi con người, là cái ô thần thánh cho mùa màng, cây cỏ.
Còn biểu tượng rồng trên đồ thờ đồ dùng như bát hương, bát ăn, trên nóc đình, mái đình lưỡng long chầu nguyệt, chái đình mặt hổ phù ghép mảnh bát màu hoa lam cũng là rồng linh thiêng bao bọc, che phủ cho đời sống con người.
Rồng là vật đứng đầu trong tứ linh "Long - Ly - Quy - Phượng" thật sự nằm sâu trong tâm thức của người Việt Nam, linh thiêng và lương thiện gần gũi khác hẳn với biểu tượng rồng phương Tây là loại hung thần trời xanh, có sức hủy diệt khủng khiếp.
2. Dân ta ai cũng nhớ chu kì một thiên can là 10 năm, một chi 12 năm ứng với 12 con giáp. Lạ thay người Việt Nam gặp nhau hay hỏi quê ở đâu. Gặp đồng hương thì thân quý ngay, gần gũi ngay! Nghĩa là ai cũng có quê, có họ hàng, có trên có dưới. Dù thân phận phiêu bạt tứ xứ nhưng những ngày cuối năm ai cũng nhớ về quê, về gốc gác cội nguồn! Gần Tết người xa xứ nhớ về quê, người đi làm ăn xa lo đặt vé tàu, mua sắm quà Tết về quê! Câu hỏi "quê cô/cậu ở đâu" nói lên rất nhiều điều về thân phận! Lại còn hỏi bạn tuổi gì, nghĩa là hỏi cầm tinh con gì đấy. Người Việt Nam hỏi tuổi không phải hỏi số đếm, mà số phận. Số phận hiện ra ở con giáp!
Hai thứ kể trên là thứ "quê hương tinh thần" huyền bí nằm sâu thẳm trong mỗi người Á đông. Mà với người Việt Nam thì đó là điều thiêng liêng lắm! Nhắc đến thường lay động tâm can mỗi người. Không phải ngẫu nhiên mà Phó Đức Phương có ca từ "Thiếu quê hương, ta về, ta về đâu", đau đớn và dằn vặt. Người nào nghe cũng muốn chảy nước mắt!
Trừ mấy ông đòi bỏ Tết âm đi, còn phần lớn dân Việt vẫn nhớ năm nay là năm Thìn, năm con rồng. Nói đến chữ "ngày Tết" thì mặc định hiểu là ngày mồng Một, tháng Giêng năm Giáp Thìn chứ không phải ngày 1/1/2024. Người Việt Nam ta vẫn nhớ câu Mồng Một, Tết cha/ mồng Hai, Tết mẹ/ mồng Ba, Tết thày. Ba ngày Tết lớn nhất trong đạo lý làm người đó, sao có thể bỏ cái văn hóa sáng ngời đó đi được?!
Đừng để mai một cái Tết âm lịch có tứ thời bát tiết của nông lịch ra khỏi tinh thần người dân lúa nước, cũng như làm sao xóa bỏ được hình ảnh 12 con giáp trong tâm thức người Việt Nam chúng ta. Giữ nó không phải là lạc hậu, cổ súy cho cái cổ hủ mà nó căn cơ, gốc gác văn hóa trên cơ sở khoa học. Bởi thế chúng ta nên hiểu biết tường tận về ý nghĩa của từng con giáp, trong đó có con rồng. Suy ngẫm về hình tượng rồng, ta càng hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam.
"Văn hóa không phải hạt lúa, gié thóc đi mót về là được ăn đâu. Nên suy nghĩ, thói quen của dân ăn hạt gạo khác với người ăn bánh mì. Bánh mì, bơ, phô mai, salami cũng khác với lạp xường, xôi nếp bản địa"! - họa sĩ Đỗ Đức.