Chữ và nghĩa: Bánh tẻ tưởng để ăn trưa
"Bánh tẻ", hiểu một cách đơn giản là "bánh làm bằng bột gạo tẻ". Đó là tên 1 trong số rất nhiều loại bánh của người Việt: Bánh bao, bánh bèo, bánh cáy, bánh chưng, bánh cốm, bánh cuốn, bánh dẻo, bánh đa, bánh đúc, bánh gai, bánh giò, bánh gối, bánh khảo, bánh khúc, bánh mật, bánh mì, bánh nướng, bánh quy, bánh tro, bánh trôi, bánh trung thu, bánh xèo…
Bây giờ ra phố, ra bến xe, bến tàu ta vẫn thường gặp các bà cắp thúng, các ông đèo hộp xốp mà bên trong là những cái bánh tẻ (nhân hành mỡ, gói lá dong hoặc lá chuối) còn nóng hổi. Thật hấp dẫn!
Nếu cùng làm bằng nguyên liệu bột gạo, bánh tẻ được phân biệt với bánh nếp.
Tẻ và nếp là 2 loại lúa quen thuộc của nhà nông. Lúa tẻ là giống lúa cho ta "gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu có ít nhựa, thường dùng để thổi cơm ăn hàng ngày" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Dân gian có câu "Cơm tẻ là mẹ ruột" với hàm ý "cơm nấu bằng gạo tẻ là thông dụng, là món ăn cần thiết với mọi người trong cuộc sống".
Lúa nếp thì khác, đó là loại lúa "cho gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh" (từ điển đã dẫn). Lúa nếp thường trồng vào vụ mùa, kén đất, đầu tư canh tác nhiều hơn nên giá thành cao. Hơn nữa, cơm nếp không thể ăn thường xuyên như cơm tẻ được. Người ta chỉ dùng gạo nếp trong các sự kiện như giỗ chạp, lễ Tết, liên hoan…
Điều thú vị là người Việt đã lấy "nếp", "tẻ" là 2 thành tố làm định ngữ để cấu tạo nên các từ chỉ sự vật khác. Chẳng hạn, ngô là một loại ngũ cốc nhưng có "ngô tẻ", "ngô nếp" (ngô nếp dẻo, thơm, ngon hơn ngô tẻ); dưa chuột là một loại quả (dùng ăn thay rau) có dưa chuột bình thường và dưa chuột nếp (quả nhỏ, ngon hơn); gan lợn là một loại phủ tạng của lợn, có gan bình thường và gan nếp (gan có hạt nhỏ mịn, ngon hơn)…
Cũng bởi, theo quan niệm thì "nếp" và "tẻ" có sự khác nhau về chất lượng. Những cái gì có sự phân biệt "nếp/tẻ" thì nếp luôn được coi trọng hơn. Duy nhất trong câu thành ngữ "có nếp có tẻ" thì nếp tẻ đơn giản hàm chỉ "gia đình nào đó sinh con có cả trai và gái, như thế là cân đối, hài hòa, là đẹp" ("nếp", "tẻ" ở đây không tương ứng với trai hay gái như nhiều người suy luận và phân loại giá trị - coi con trai là nếp, con gái là tẻ, dẫn đến suy luận "nếp lại quý hơn tẻ nên đẻ con trai đáng giá hơn").
Trở lại với từ "bánh tẻ". Tiếng Việt lại tiếp tục sử dụng tổ hợp này cho một sự "chuyển di ngữ nghĩa" khác. Đó là một cụm từ có vai trò định ngữ (cho một danh từ) khác. Ta thường nghe nói: "Phải chọn loại tre bánh tẻ thì mới chẻ lạt được."; "Chả ai lấy tre bánh tẻ mà đan rổ, đan sàng cả!". Hoặc "Trồng khoai lang, phải ra ruộng cắt loại dây bánh tẻ, loại già hay non quá đều không tốt.". Hoặc "Lá chuối bánh tẻ, đem hơ qua lửa thì mới dẻo, không rách (để gói bánh)".
Như vậy, "bánh tẻ" không còn "chỉ một loại bánh" nữa mà dùng để chỉ "cây hay bộ phận của cây ở giai đoạn phát triển không non cũng không già". Đó là một cách phân loại giúp cho người ta lựa chọn sản phẩm cây cối sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng thực tế. Dấu ấn "nhà nông" còn in đậm trong cách phân loại và định danh một số sự vật của người Việt.
"Bánh tẻ" tưởng để ăn trưa
Hóa ra tre ở độ vừa chẻ nan