Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quyết định công nhận hai bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam gồm: Bia đá chùa Giàu và Trống đồng Tiên Nội 1.
Tối qua (14/5), tại Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023, sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Hà Nam là vùng đất có bề dầy lịch sử - văn hóa với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, quý báu mang đậm bản sắc vùng đồng bằng Bắc bộ. Với gần 2000 di tích các loại, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 03 bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trên 100 lễ hội truyền thống, 40 làng nghề thủ công truyền thống... Cùng với đó là hệ thống sông núi, hang động nổi tiếng như hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, núi Đọi - sông Châu, núi Cấm - Ngũ Động Sơn... đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng như: Du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội: Chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sỹ Nam Cao; Lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương...và đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, điểm nhấn nổi bật của du lịch Hà Nam. Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống: Làng cá kho Đại Hoàng, làng Trống Đọi Tam, làng lụa Nha Xá...
"Năm 2022, chúng ta đã tổ chức rất thành công chương trình giao lưu Việt Nam -Nhật Bản qua nghệ thuật truyền thống Kyogen và Chèo. Hôm nay, chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức với mong muốn tiếp tục tiếp tục giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mối quan hệ gắn bó, hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản.
Đồng thời, đến với Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Hà Nam 2023, các đại biểu và du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nam... Chúng tôi hy vọng, việc tổ chức các sự kiện quy mô, chất lượng không chỉ nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch mà còn tạo cơ hội để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác, đầu tư phát triển du lịch tại Hà Nam. Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, du khách, tất cả vì mục tiêu chung thúc đẩy hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh" - ông Trương Quốc Huy phát biểu.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, gắn kết mạnh mẽ chưa từng thấy trong tất cả các lĩnh vực. "Một trong những địa phương đã trở thành hình mẫu cho quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam là tỉnh Hà Nam", Đại sứ Yamada Takio nói.
Theo Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, Hà Nam đã nêu rõ và thực hiện nghiêm túc 10 cam kết để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang được hoạt động trong môi trường đầu tư thuận lợi.
Giới thiệu tiết mục hài kịch Kyogen có nhan đề "Cây nấm" mà các nghệ sĩ Nhật Bản đã biểu diễn, Đại sứ Nhật Bản cho rằng, người dân Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng về sự hài hước. Sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau đã góp phần vun đắp nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam.
"Thông qua tiết mục hài kịch truyền thống Kyogen hôm nay, tôi hy vọng quý vị có thể một lần nữa khám phá ra sự sâu sắc trong sợi dây kết nối văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam", Đại sứ Yamada Takio nói.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia cho tỉnh Hà Nam. Đó là Bảo vật quốc gia Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) và Bảo vật quốc gia Trống đồng Tiên Nội 1 (trong bộ sưu tập 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam) thuộc văn hóa Đông Sơn với niên đại được tính toán vào khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ III trước công nguyên.
Bảo vật Quốc gia Bia đá chùa Giàu nằm trong khuôn viên chùa Giàu, thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Bia chùa Giàu được dựng vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Đại Trị 9 (năm 1366) đời vua Trần Dụ Tông, là tấm bia cổ thời Trần duy nhất được phát hiện trên đất Hà Nam. Bia chùa Giàu khắc nổi chân dung một vị Hoàng đế thời Trần, Bia chùa Giàu là hiện vật gốc, độc bản, có niên đại thời Trần, thể hiện nghệ thuật trang trí độc đáo và nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng… góp phần vào việc khẳng định sự phát triển của xã hội đương thời. Bia chùa Giàu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/01/2023.
Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Trống đồng Tiên Nội 1 thuộc văn hóa Đông Sơn phát hiện ở tỉnh Hà Nam, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III trước công nguyên. Trang trí trên trống biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2000 năm trước.
Trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với 4 di tích của Hà Nam, đó là: Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Đây là những địa điểm, những công trình, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu về khảo cổ học, kiến trúc, văn hóa lịch sử, thẩm mỹ khoa học trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023 có 12 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nam...
Tuần Văn hoá, Du lịch Hà Nam năm 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản có chủ đề "Hà Nam - Hành trình kết nối" diễn ra từ ngày 14/5/2023 đến hết ngày 20/5/2023.
Chương trình Lễ khai mạc Tuần lễ với chủ đề "Tự hào non nước Hà Nam" và một số tiết mục giao thoa văn hoá giữa hai đất nước kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. Ê kíp nghệ thuật của chương trình gồm: Tổng đạo diễn/ kịch bản: Nhà viết kịch Vũ Hải; Giám đốc sản xuất: Nguyễn Thu Hoài; Đạo diễn và biên tập âm nhạc: Kiên Ninh; Tổng biên đạo: Hải Trường - Phan Lương
Các nghệ sĩ tham gia chương trình: Lương Huy, Anh Thơ, Tùng Dương, Noo Phước Thịnh, Tân Nhàn, Dương Hoàng Yến , Quách Mai Thy, Vũ đoàn PL, Vũ đoàn HT, Nhà hát Vũ kịch VN,Học Viện Âm nhạc Quốc Gia VN, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng, Hà Nam).
Không gian sân khấu chương trình khai mạc được thiết kế bởi hoạ sĩ Phùng Nam Thắng, lấy cảm hứng từ huyền tích theo truyền thuyết "Tiền lục nhạc - Hậu thất tinh" của khu du lịch văn hoá tâm linh Tam Chúc. Âm nhạc và tiết mục trình diễn ra tại Lễ khai mạc cũng được lựa chọn và phối khí từ những bài hát về Hà Nam, những sáng tác mới mang đậm tinh thần văn hoá, mang hào khí dân tộc Việt.
Một số tiết mục biểu diễn trong chương trình: