Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ

Trích dẫn một phần nhỏ trong Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận để đưa vào sách dạy ngữ văn, quả là chuyện rất lạ. Nhưng nếu đọc xong, sẽ thấy hoàn toàn là hợp lý, vì chất văn học của nó. Trích dẫn này được in trong sách Bài tập ngữ văn 6, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tuần qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm Cuộc hội ngộ của các nhà khoa học thiên văn, để tái giới thiệu Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao của Trịnh Xuân Thuận. Buổi tọa đàm có sự tham gia của TS Phạm Văn Thiều (dịch giả cuốn từ điển vừa nêu), GS-TS Hà Huy Bằng (Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) và nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn (Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam).

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 1.

Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Sophie Chivet/Agence VU'

Cuốn từ điển khác lạ

Nếu so với những cuốn từ điển thường thấy, cuốn Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao thật khác lạ. Ở chỗ, độc giả có thể tìm thấy những nội dung chủ yếu của vật lý, vật lý thiên văn và vũ trụ học hiện đại được trình bày dưới dạng phổ biến như một cuốn sách khoa học phổ thông. Ngôn ngữ của các từ điển thường cô đúc, câu văn ngắn gọn, súc tích và trong sáng.Từ điển của Trịnh Xuân Thuận lại có cách diễn đạt giàu chất thơ, nhiều ẩn dụ và có tính triết lý cao.

Cụ thể, khi đề cập đến những thực thể kỳ dị và huyền ảo được nhào nặn bởi lực hấp dẫn trong thế giới lạ lùng và kỳ diệu của vật lý thiên văn, Trịnh Xuân Thuận viết: "Các "sao lùn trắng" mà một thìa nhỏ vật chất của nó cũng nặng bằng cả một con cá voi; các pulsar, các ngọn đèn pha vũ trụ khổng lồ có kích thước bằng cả Paris có thể quay quanh nó chỉ trong một phần của giây".

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 2.

Trích dẫn thiên văn được in trong sách ngữ văn

Và: "các "lỗ đen", những nơi có lực hấp dẫn cực lớn trong không gian cầm tù ánh sáng và hút vào nó các xoáy khí bức xạ bằng tất cả sức nóng của mình, hoặc các chuẩn tinh (quasar), các thiên thể có độ sáng thực lớn nhất vũ trụ và chứa trong lòng chúng các lỗ đen siêu nặng, xé nát tất cả những ngôi sao không may rơi vào tầm hút của chúng, nhờ lực hấp dẫn khổng lồ, để thỏa mãn thói háu ăn".

Hoặc khi giải thích về sự phát triển của sự sống trên trái đất, Trịnh Xuân Thuận đã ví von bằng hình ảnh ẩn dụ "cây sự sống". Đó cũng là đoạn trong cuốn sách được trích dẫn vào trang sách giáo khoa lớp 6 như đã nói ở trên.

Ông viết: "Chúng ta hãy bắt đầu từ một cành bất kỳ của cây sự sống này. Đi từ cành này đến cành khác, từ nhánh này đến nhánh kia, bạn sẽ luôn thấy một con đường dẫn tới thân cây chính".

"Cách đây khoảng 500 triệu năm, tổ tiên của tôi là một con cá. Trở lại thời gian 1 tỷ rưỡi năm: tổ tiên của tôi là một vi khuẩn. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều là hậu duệ của cùng một và chỉ một sinh vật, một tế bào nguyên thủy cách đây khoảng 3,8 tỷ năm. Sự sống đã nảy nở trong một quá khứ rất xa xôi từ một và chỉ một sự kiện. Từ một tổ tiên chung, ở gốc của cây sự sống, nó đã đa dạng hóa theo thời gian bằng các phân nhánh liên tiếp với sự xuất hiện của những loài mới" - trích Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao - "Thân cây sự sống đã lớn lên theo chiều dọc, nhưng các cành, nhánh cũng ra đời để tạo cho nó một sự phát triển theo bề ngang. Nếu một số loài phát triển và sinh sôi nảy nở, thì nhiều loài khác, như chim cu lười hoặc khủng long, đã không còn sống sót. Hơn 99% số loài xuất hiện trên trái đất đã tuyệt chủng. Chúng là các cành thấp của cây sự sống, và đã bị cắt cụt".

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 3.

Cuốn “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” được tái bản nhiều lần

Ở góc độ là người được Trịnh Xuân Thuận ủy nhiệm dịch toàn bộ các tác phẩm ra tiếng Việt, dịch giả Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: "Chất văn học trong tác phẩm chính là chất truyền tải những khái niệm, hiện tượng và các lý thuyết khoa học vốn khô khan trở nên dễ tiếp nhận, tạo được hứng thú cho bạn đọc đại chúng. Đây là một trong những yếu tố quyết định làm cho các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận được phổ biến rộng rãi và được nhiều người hâm mộ".

"Sau rốt, nguyên tắc của một cuốn từ điển yêu thích là phải nói về những điều mà ta thích và những cái khiến ta suy ngẫm" - Trịnh Xuân Thuận từng viết như thế về Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao.

Để thiên văn học trở nên gần gũi

Mục từ trong các cuốn từ điển bình thường có độ dài không khác nhau nhiều, nhưng trong từ điển của Trịnh Xuân Thuận thì chênh lệch rất lớn. Ví dụ, mục từ "cái chết của proton" dài chỉ 1 trang, trong khi mục từ "cầu vồng" dài tới 10 trang, hoặc "cấu tạo hóa học của vũ trụ" dài 11 trang.

Có những mục từ dài như vậy là bởi từ điển này không chỉ tập trung vào các khái niệm, hiện tượng, lý thuyết trong vật lý thiên văn và vũ trụ học. Hơn thế, Trịnh Xuân Thuận còn đề cập đến nhiều lý thuyết vật lý đã góp phần đưa thiên văn học sang một tầm cao mới, ví dụ như thuyết tương đối hẹp - rộng, thuyết lượng tử, mô hình chuẩn, lý thuyết dây… Chưa kể, có những khi tác giả còn trình bày mối quan tâm của mình đến cả lịch sử của vấn đề, cũng như các vấn đề triết học có liên quan. Đây là sự khác biệt quan trọng để thấy Trịnh Xuân Thuận đã "phá lệ" khi biên soạn từ điển này.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 5.

Đã có khoảng 15 sách của Trịnh Xuân Thuận được dịch ra tiếng Việt

Sinh thời, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng nhận xét: "Những tác phẩm về vũ trụ nhưng đọc dễ hiểu, bởi chúng được viết từ một nhà khoa học giàu mỹ cảm, bằng tư duy logic của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn. Chính kiến thức sâu rộng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của Trịnh Xuân Thuận, những khái niệm về thiên văn mà ông trình bày trở nên mềm mại, óng ả. Đó cũng là phương pháp của ông để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người".

Là chuyên gia đầu ngành về vật lý thiên văn, một lĩnh vực hẹp, nhưng bao giờ tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận cũng hướng đếnphổ biến/cập khoa học. Nên ở chiều ngược lại, tác phẩm của ông cũng được bạn đọc đại chúng đón nhận nồng nhiệt. Như cuốn La Mélodie Secrète (dịch:Giai điệu bí ẩn) từng là tác phẩm best-seller ở Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao cũng đã được tái bản tới lần thứ 5.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 6.

Cũng trong lời nói đầu, tác giả cho biết: "Cuốn từ điển này dành cho những người muốn khám phá bầu trời và các vì sao, nhưng không nhất thiết phải có hành trang khoa học của một chuyên gia. Trong việc biên soạn các mục từ, tôi đã cố gắng sử dụng một ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng, hoàn toàn không có các thuật ngữ chuyên ngành, nhưng không vì thế mà làm mất đi sự chặt chẽ và chính xác".

"Để giải thích các khái niệm khó, tôi thường sử dụng các ẩn dụ và các hình ảnh của cuộc sống hằng ngày. Để làm nhẹ bớt sự bàn thảo khoa học thường khô khan, tôi đặc biệt chủ ý để làm sao cho hình thức của nó dễ chịu nhất. Tôi cũng đã đưa thêm một số tài liệu tham khảo vào cuối một số mục từ dành cho những bạn đọc có mong muốn đi xa hơn".

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 8.

Dịch giả Phạm Văn Thiều (giữa) cùng các diễn giả tại tọa đàm “Cuộc hội ngộ của các nhà khoa học thiên văn”

Cũng ở khía cạnh này, dịch giả Phạm Văn Thiều nhấn mạnh đến giá trị tra cứu của từ điển. Theo ông Thiều, có nhiều khái niệm, hiện tượng, lý thuyết khá xa lạ, đọc 1 lần không thể nhớ hết nên khi đọc sách báo khác gặp nhiều chỗ vướng mắc cần phải tra cứu. Khi ấy, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao sẽ đáp ứng hiệu quảnhu cầu giải đáp của độc giả.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Hiểu vũ trụ qua cuốn từ điển thiên văn giàu chất thơ - Ảnh 9.

GS Trịnh Xuân Thuận (thứ 2) và các nhà vật lý Phạm Văn Thiều (thứ 3), Vũ Công Lập trong một cuộc giao lưu tại TP.HCM năm 2016. Ảnh: Uyên Phương

Dịch giả Phạm Văn Thiều cũng cho rằng học sinh hiện nay rất quan tâm đến thiên văn, vũ trụ… Vì vậy, cuốn từ điển này cũng nên có trong tủ sách của các gia đình, nhất là các gia đình có con cháu đang học phổ thông và đại học. Ở khía cạnh này, từ điển của Trịnh Xuân Thuận có thể coi là cẩm nang giúp cha mẹ, ông bà trả lời các câu hỏi của con cháu một cách dễ hiểu, nhưng chính xác.

Dạy học bằng tiếng Anh, viết văn bằng tiếng Pháp


Theo Cao Xuân Hạo: "Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp, là công dân và làm việc tại Hoa Kỳ, viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp".

Trongkhoảng 15 tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt, ngoài cuốn từ điển đề cập trong bài, nhiều độc giảcòn yêu thích: Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ (2000); Hỗn độn và hài hòa (2003); Vũ trụ và hoa sen (2013); Khát vọng tới cái vô hạn (2014); Đối mặt với vũ trụ (2016)…


Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948, Từ Sơn, Bắc Ninh) hiện là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ. Ông đã được trao nhiều giải thưởng danh giá, như: Giải Moron của Viện Hàn lâm khoa học Pháp (2007); Giải Kalinga của UNESCO (2009); Giải Prix mondial Cino del Duca của Học viện Pháp quốc (2012); Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp (2014)…

(Còn tiếp)

Công Bắc

Link gốc: TTVH