Sống chậm cuối tuần: Món chả nhái và thơ

Đời sống bẩn hơn là chúng ta tưởng, và cũng sạch hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Món chả nhái băm lá ớt thật tầm thường, nhưng nó chính là "một phần tất yếu" của đời sống…

Món ăn ở Việt Nam còn nhiều góc khuất chưa khám phá hết. Vì thế, hãy bình tĩnh lắng nghe và tìm kiếm. Có những loại lá cây người ta ngỡ không ăn được, thậm chí sợ ăn ngộ độc, nhưng kỳ thực ăn rất ngon và rất tốt. Dĩ nhiên cũng có thể ngược lại.

Ngày chiến tranh, Mỹ trang bị cho lính của họ khi lạc trên rừng Việt Nam một tấm bản đồ chỉ dẫn những loại lá cây ăn được. Hình như có tới hơn 100 loại lá ăn được trên Trường Sơn. Tôi nghĩ, cái đó mình nên học họ và làm những bảng chỉ dẫn cho người của mình, cả lính và dân. Để tránh những loài cây lá độc, và tìm ăn những loại lá cây lành.

Sống chậm cuối tuần: Món chả nhái và thơ - Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Thảo

Sự hiểu biết ấy không bao giờ thừa. Ngày đi trên Trường Sơn, tôi cũng đã được ăn nhiều loại lá cây trong tình trạng mình không kiếm được rau xanh. Đồng đội tôi đã tìm được, chứ không phải tôi. Tôi thì chả biết gì. Dù không loại lá cây nào thay được rau xanh như rau muống rau cải... nhưng trong khi không có rau, ăn những loại lá này cũng cảm thấy đỡ xót ruột, đỡ... nhớ rau xanh. Nếu trong cuộc sống chúng ta biết chấp nhận hoàn cảnh, thì chấp nhận sự thay thế, kiểu như lá cây rừng ăn thay rau, cũng không có gì lạ.

Giống như lá cây, có những người "ngọt lừ" nhưng "ăn" không được. Ngược lại, có những người mới "nhấm thử" thì... chát ngắt, nhưng "ăn" lại rất được, vì rất lành. Tôi hay chơi với những người như lá chát lá đắng ấy, và biết, thực ra họ có vị ngọt bên trong. Nghiệm vào các loại lá cây, thấy đúng như vậy. Chát và đắng là những lá ăn được. Ngọt hay nhạt thì... coi chừng. Có khi ăn được, có khi không.

Sống chậm cuối tuần: Món chả nhái và thơ - Ảnh 2.

Rau tàu bay - loại rau nổi tiếng thời chống Mỹ

Những cái cây sạch, những chiếc lá sạch làm nên bầu không khí trong sạch. Những con người sạch làm nên một xã hội sạch. Dĩ nhiên, người ta sẽ nói, cần một xã hội phát triển. Nhưng bẩn thì phát triển kiểu gì? Người ta đang cảnh báo: coi chừng Việt Nam thành bãi thải công nghiệp lạc hậu ô nhiễm của thế giới. Bãi thải, thì dù là rác hay máy móc đồ bỏ, cũng đều là… rác cả. Nhưng khi một số người có thể giàu lên, rất giàu lên nhờ rác thải, thì không có lý do gì họ không nhập… rác về Việt Nam. Dưới mọi kiểu che đậy hợp pháp. Và có sự liên kết đằm thắm. Bởi có người như rác, mới có rác thải từ khắp thế giới dồn về. Tới rác công nghiệp mà người ta cũng có thể "ăn" được, thì đúng là người ta có thể ăn được mọi thứ. Nhưng đó có phải là sự phát triển?

      ***

Đang nói chuyện ăn, lại gặp lúc trời mưa giông, chợt nhớ thằng cháu giáo viên bị "mất dạy" ở một ngôi trường vừa được mang tên một vị tướng lừng danh. Tên thì lớn, mà chuyện trong trường thì nhỏ. Cũng là chuyện "ăn" mà thằng cháu này không chịu được nên viết đơn thư tố cáo. Tố cáo thì bị trù dập, cái ấy vốn bình thường ở Việt Nam.

Bị đuổi dạy, thằng cháu dân gốc rạ cày cuốc, đã về nhà chờ... trời mưa để đi bắt cá, soi ếch. Cũng phục vụ chuyện ăn, nhưng đây là ăn sạch. Nhiều lần, thằng cháu mang cho tôi, lúc con ếch, lúc con cá. Tôi nói, cháu ơi, mày bị đuổi dạy thì bắt con cá con cua bán lấy tiền nuôi con, mày cho bác làm gì. Hay lúc nào mày cho bác con... nhái, bác băm chả lá ớt, nhậu chơi.

Sống chậm cuối tuần: Món chả nhái và thơ - Ảnh 3.

Câu nhái trên đồng ruộng. Ảnh: internet

Bác nhớ hồi học sơ tán ở Vạn Thọ Đại Từ Thái Nguyên, bác đã từng ăn chả nhái băm lá ớt, và bác thấy không có món nhậu nào ngon hơn. Nhưng phải lấy lá ớt núi (còn gọi ớt chỉ thiên) mới thơm. Nhái làm sạch băm tay, chứ không xay máy, mới đậm. Nếu vị hiệu trưởng trù dập cháu được ăn món chả nhái này, khéo ông tỉnh ngộ: ở đời, còn nhiều món ăn ngon và sạch hơn món ăn... tiền rất nhiều. Biết đâu, khi đối ẩm bên đĩa chả nhái, thầy trò lại thông cảm với nhau hơn. Món chả nhái Khương Thượng nổi tiếng giờ đây gần như thất truyền, đơn giản vì không còn… nhái nguyên liệu để làm chả.

Ngày tôi học trên núi, đêm soi nhái bao giờ cũng được đầy giỏ. Hồi ấy nhái không bị nhiễm độc, cứ thơm thảo như hạt lúa củ khoai, thơm thảo như… chả nhái. Một thằng bạn của tôi, học khoa Lý nhưng mê văn chương, là người đầu tiên làm món chả này cho tôi ăn. Có những món mình chỉ được ăn một lần trong đời, nhưng nhớ mãi. Nó đã thành tình yêu. Với một người đầu bếp, anh phải có tình yêu với các món ăn mà anh sáng tạo, thì mới  thành công.

                                                                        ***

Bây giờ mừng vì Việt Nam đã biết tới khu vực sáng tạo đặc biệt này: bếp ăn. Người đầu bếp chính là một nghệ sĩ. Và những món ăn là tác phẩm của anh. Nó có thể được mang tên anh, nếu anh làm cho nó nổi tiếng. Liên hệ với thơ, nếu anh làm thơ dở, khác nào nấu món ăn tồi, làm sao người ta ăn được? Còn khi đã "nấu thơ" ngon, thì cứ bình tĩnh: sẽ có người thưởng thức thơ anh, như thưởng thức món… chả nhái băm lá ớt.

Sống chậm cuối tuần: Món chả nhái và thơ - Ảnh 4.

Món chả nhái

Thơ và chả nhái, đó có thể là một đề tài luận văn độc đáo. Tại sao mình cứ phải làm những đề tài xa xôi, vu khoát (viển vông), trong khi có những đề tài rất… ngon lành ngay trước mắt, mình lại không làm. Văn học không từ chối bất cứ cái gì thuộc về đời sống, về con người. Trong khi hướng tới sự thông thái, hướng tới cõi bình lặng của tâm hồn, văn học phải đi qua tất cả bùn nhơ và cặn bã, đi qua tất cả sự bất tiện và đau khổ của đời sống.

Tôi nhớ, Henry Miller thường nhấn mạnh về con đường này của văn học, nhấn mạnh bằng những hình tượng  "không sạch sẽ" như để cảnh báo chúng ta đừng làm thứ "văn sạch" lừa dối và huyễn hoặc. Đời sống bẩn hơn là chúng ta tưởng, và cũng sạch hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Món chả nhái băm lá ớt thật tầm thường, nhưng nó chính là "một phần tất yếu" của đời sống. Không ở dưới cũng không ở trên hiện thực, kết hợp cả thực và ảo, trọng cả vị và mùi, nhìn ưa mắt mà ăn vừa miệng.

Lấy chính tâm hồn và sự trải nghiệm của bản thân mình vạch lối đi cho văn chương mình, nhà văn hay nhà thơ sẽ tự tin vì không đụng hàng. Giữa một thế giới văn học ngày càng mênh mông, ngày càng phức tạp và ngày càng cô đơn như bây giờ, món chả nhái là một gợi ý hay cho thơ. Tiếc rằng, con nhái bây giờ quá hiếm thấy.

"Văn học không từ chối bất cứ cái gì thuộc về đời sống, về con người. Trong khi hướng tới sự thông thái, hướng tới cõi bình lặng của tâm hồn, văn học phải đi qua tất cả bùn nhơ và cặn bã, đi qua tất cả sự bất tiện và đau khổ của đời sống" - nhà thơ Thanh Thảo.

Nhà thơ Thanh Thảo

Link gốc: TTVH