Thư robot: Nhân danh nghệ thuật

Sophia thân mến! Trong một bức thư gửi Sophia chưa tròn một năm trước, tôi có viết về tình trạng các công trình công cộng bị vẽ bậy, bôi bẩn. Chuyện ấy chưa mấy ai quên thì mới đây tàu metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) lại bị người ta dùng sơn vẽ bậy. Lần thứ hai, nó trở thành nạn nhân của trò bôi bẩn này.

Sophia có thể tìm thấy tấm hình chụp khoảng mười công nhân đang tất tả làm sạch những mảng sơn lớn bôi bẩn lên thân tàu. 1 người phá, 10 người dọn là đây. Chỉ với một hành động nhỏ của cá nhân mà phải làm nhiều người bỏ thời gian, công sức ra xử lý là một lãng phí về nguồn lực, trong khi tuyến metro vẫn chưa vận hành chính thức.

Sự việc lần này với dư luận quan tâm có thể xem là giọt nước tràn li vì tình trạng các công trình bị vẽ bậy, bôi bẩn đã diễn ra từ lâu và cũng chưa thấy có cách giải quyết nào triệt để.

Thư robot: Nhân danh nghệ thuật - Ảnh 1.

Tàu metro số 1 bị vẽ bậy, hình ảnh ghi nhận ngày 30-4. Ảnh: Internet

Sophia có thể xem lại trong quá khứ, đã có trường hợp một du khách nước ngoài bị lập biên bản xử lý vì dùng sơn vẽ bậy ngay trung tâm quận Nhất, TP.HCM, hay trường hợp một người ở Hà Nội bị bắt vì vẽ bậy trên đoạn đê Nghi Tàm. Nhưng xem chừng những trường hợp bị phát hiện và xử lý này vẫn còn ít so với thực tế đang diễn ra khắp nơi.

Nhân danh nghệ thuật graffiti, nhiều người đã thực hành một thứ hình họa xấu xí, gây mất mỹ quan đô thị. Nhưng Sophia biết đó, mức phạt cho hành vi này dường như còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và làm chùn bước những kẻ vẽ bậy. Khi thực hiện hành vi đó, chúng đã thách thức cộng đồng, thách thức pháp luật và thách thức cả những ai yêu mến graffiti - một loại hình nghệ thuật đang phải nỗ lực rất nhiều để khẳng định giá trị vốn có của nó trước những sự biến tướng như thế này.

Nếu Sophia lắng nghe dư luận xung quanh việc metro bị vẽ bậy (lần nữa) sẽ thấy mọi người đang đòi hỏi tăng mức phạt, thậm chí có ý kiến đòi "bỏ tù" những người vẽ bậy. Dĩ nhiên, xử lý thế nào cần phải nghiên cứu để đề ra mức phạt phù hợp. Trong đó có thể tính đến chuyện người vẽ bậy lên tài sản công cộng phải lao động công ích, phải lau dọn sạch những "tác phẩm" bôi bẩn của mình dưới sự giám sát của cơ quan chức năng, để họ hiểu rằng vài phút xịt sơn của họ đã gây tốn kém bao nhiêu thời gian, tiền của khi muốn khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Sophia thấy đó, vẽ bậy nơi công cộng đang là vấn đề nhức nhối và cần có những hành động mạnh tay và kịp thời hơn. Đừng để những hình vẽ bậy trở thành hình ảnh bình thường trong đời sống.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!

An Kha

Link gốc: TTVH