Khi nhà văn… bình tâm trước trí tuệ nhân tạo

Một trong những vấn đề "nóng" được quan tâm trong nhiều cuộc tọa đàm, trò chuyện của người sáng tác gần đây là trí tuệ nhân tạo. Để rồi, tọa đàm Trí tuệ nhân tạo có thay thế được sự sáng tạo của nhà văn trong thời đại 4.0? đã được Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Lạt ngày 7/6 vừa qua.

Tại đó, nhiều nhà văn, nhà thơ đã cùng chung nhận định "AI (trí tuệ nhân tạo) không thể thay thế nghệ sĩ" và làm phép thử với tài viết văn làm thơ để minh chứng cho sự ngờ nghệch này.

Thử tài "chàng thông minh"

Nhà thơ Nguyên Hùng đã thử tài làm thơ của ChatGPT theo yêu cầu của các nhà văn, nhà thơ ngay tại buổi tọa đàm. Mẫu số chung của những "tác phẩm" là sự sáo rỗng, lắp ghép những dữ liệu có sẵn. Và, kết quả có được từ "nhà thơ" ChatGPT là những câu văn xuôi xuống dòng chứ không hề có bóng dáng của thơ.

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, chia sẻ trong tham luận về việc từng nhờ "chàng thông minh" ChatGPT hỗ trợ công việc sáng tác của mình. Chị ra lệnh "Tìm những nữ liệt sĩ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1945", chàng ChatGPT hăng hái cung cấp 6 nhân vật, trong đó chỉ nữ liệt sĩ Hoàng Ngân là đúng tên, năm sinh, năm hy sinh, còn lại sai bét, thậm chí đưa cả tên người còn sống... Chị càng tìm kiếm những lĩnh vực chuyên sâu như tàu không số, đường Hồ Chí Minh trên biển, công tác binh vận, nữ pháo binh miền Nam, các nữ anh hùng lực lượng vũ trang miền Nam... thì "chàng" càng bó tay.

Khi nhà văn… bình tâm trước trí tuệ nhân tạo - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Vương Chi Lan

Theo tác giả này, con người là sinh vật thông minh nhất nhưng vẫn có những giới hạn. ChatGPT làm ra bởi con người thì càng có những giới hạn của nó. ChatGPT nhanh nhưng sáo rỗng. Nhanh chưa chắc là đúng, là chính xác, nên cần sự kiểm soát, tư duy phân tích và tổng hợp của con người. Và đặc biệt, ở những lĩnh vực chuyên sâu, dị biệt, cá tính trong công việc sáng tạo thì chắc chắn ChatGPT không thể thay thế được con người!

Câu chuyện AI và ChatGPT còn được khá nhiều nhà văn quan tâm, chia sẻ trong nhiều cuộc trò chuyện và tọa đàm khác. Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ, chúng ta vẫn thấy sự phát triển công nghệ và mạng xã hội rầm rộ dẫn đến tâm lý đám đông dễ bị dẫn dắt. Nên khi công nghệ AI ra đời, trí tuệ nhân tạo phần nào  được thổi phồng một cách quá đáng. Nhiều người đưa ra các bài thơ, truyện ngắn mà AI viết ra rồi khẳng định AI có thể viết được hếttất cả mọi thứ.

Tống Phước Bảo cũng thử và phát hiện ra những sự ngớ ngẩn từ thơ - văn mà AI viết ra. Thực tế, văn chương đâu có công thức, khuôn mẫu nào để AI tích hợp và nhào nặn. Nhiều người viết văn làm thơ nhưng để có tác phẩm hay, để cái tên mình định danh và có được độc giả thì người viết phải phấn đấu một hành trình dài với nhiều điều kèm theo. Hành trình đó có khi tính bằng năm, có khi tính bằng cả cuộc đời. Nên, nếu nói chỉ cần đưa dữ liệu vào và gõ lệnh rồi ngồi chờ AI tạo ra một tác phẩm thì đa phần tác phẩm đó cũng như một truyện cười - mà cười vì sự sai sót, chẳng phù hợp văn chương.

Khi nhà văn… bình tâm trước trí tuệ nhân tạo - Ảnh 2.

Nhà văn Gia Hòa

Quan tâm nhưng bình tâm

Nhà văn, nhà báo Gia Hòa kể chuyện từ khoảng 80 năm trước, khi ông cố chị mang về nhà một bức ảnh, treo lên tường nhà. Đó là ảnh một cô gái - bức ảnh đầu tiên mà ông cố biết được trên đời và thấy nó… giống người thật đến mức khiếp sợ. Nhận ra dù đứng ở đâu trong phòng thì cô gái ấy cũng chiếu mắt nhìn, ông cố nghĩ hẳn đây là một loại ma quỷ. Và 2 ngày sau, đôi mắt của cô gái trên bức ảnh ấy đã bị đầu gậy của ông cố xoáy thủng.

Như thế, nhân loại vẫn đón nhận những phát kiến mới với rất nhiều cách. Ngoài chuyện vỗ tay vui mừng thì cũng có sợ sệt và chỉ muốn tiêu hủy nó, đặc biệt là trong những trường hợp ngoài sức nghĩ, sức tưởng tượng của con người.

"Trí tuệ nhân tạo, hay cụ thể là ChatGPT, đang gây ra một cơn bão ngầm lo lắng. Nhưng chỉ cần nhìn ngược lại quá khứ, bạn sẽ bình tâm. Sẽ chưa có điều gì thay thế hay đe dọa được trí tuệ con người" - Gia Hòa nói - "Nhân loại đã và đang phát triển trên một đôi cánh rất thăng bằng, giữa ý chí tham lam thuần túy chinh phục và tư duy nhân văn đạo đức.Tôi quan tâm về trí tuệ nhân tạo nhưng tôi bình tâm".

Như khẳng định của PGS-TS Dương Hữu Biên (Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Đà Lạt), các nhà văn nhà thơ có thể yên tâm rằng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được nghệ sĩ sáng tạo. Bởi, trí tuệ nhân tạo có "trí" nhưng không có tâm,  có cảm xúc  - những điều mà các nghệ sĩ vẫn có. Chưa kể, cảm xúc của mỗi người rất khác nhau, vì đó là quá trình dài hấp thụ văn hóa gia đình, xã hội…của mỗi người.

Khi nhà văn… bình tâm trước trí tuệ nhân tạo - Ảnh 4.

PGS-TS Dương Hữu Biên: “Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được nghệ sĩ sáng tạo”

Có điều, theo nhà văn Tống Phước Bảo, nhà văn nên tận dụng sự phát triển công nghệ trong việc sưu tầm tư liệu và truyền thông cho tác phẩm. "Tôi cho rằng, trong "nguy" có "cơ". Trong sự phát triển công nghệ nhà văn cần nắm bắt và tận dụng sự tối ưu hóa này. Muốn vậy, cần có sự kiên nhẫn để học hỏi công nghệ từ những người viết vốn đã quen dùng chữ hơn dùng số" - anh nói.

Người bạn "vui vẻ"

Sau những thử nghiệm, nhiều nhà văn cùng đồng thuận với quan điểm: Hãy xem ChatGPT như một người bạn đường "vui vẻ". Còn người bạn tri kỷ phải là con chữ bật ra từ tim óc, máu thịt và trải nghiệm của người viết.

Võ Thu Hương

Link gốc: TTVH