Kịch bản thoát hiểm của nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới

Nền kinh tế Canada có vẻ đã tránh được suy thoái bất chấp những áp lực vẫn đang diễn ra do tình trạng lãi suất cao. 

Theo báo cáo về triển vọng kinh tế của Deloitte Canada được công bố ngày 1/4, nền kinh tế Canada có thể đạt được tình trạng "hạ cánh mềm", bất chấp những thách thức về nguy cơ lạm phát cao, tình trạng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán gia tăng và nợ thế chấp quá hạn ngày càng nhiều.

Những lý do đằng sau dự báo này của Deloitte đã được chuyên gia Dawn Desjardin đưa ra đó là việc Ngân hàng trung ương Canada dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và dòng người mới đến vẫn ổn định để hỗ trợ nhu cầu trong nước. Bà này còn dự báo rằng dựa trên quỹ đạo hiện tại, Canada dường như đã sẵn sàng cho việc hồi phục sau đợt suy thoái hiện tại vào nửa cuối năm ngoái.

Số liệu của Cơ quan thống kê Canada cho thấy mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến đã xuất hiện trong hai tháng đầu năm 2024. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 1 đã đạt mức 0,6%, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích 0,2%, trong khi GDP của tháng 2 được dự báo sẽ tăng khoảng 0,4%.

Kịch bản thoát hiểm của nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới - Ảnh 1.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại siêu thị ở Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo của Deloitte cho rằng có vẻ như cuộc suy thoái kinh tế mà Canada phải đối mặt suốt trong một năm qua đang dần kết thúc và đất nước có thể hướng tới những điều kiện kinh tế tốt hơn vào nửa cuối năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo của Deloitte cũng chỉ ra rằng trở ngại lớn nhất hiện nay là chi phí cho nhà ở khi người dân tiếp tục gia hạn các khoản thế chấp với lãi suất cao hơn. Người đi thuê nhà cũng đang cảm nhận được chi phí chỗ ở cao hơn.

Theo Cơ quan thống kê Canada, các khoản thanh toán nợ đã tiêu tốn 15% thu nhập hộ gia đình sau khi lãi suất thế chấp tăng gần gấp đôi kể từ đầu năm 2022.

Equifax Canada cũng đưa ra báo cáo về sự gia tăng các khoản nợ thế chấp và việc thanh toán tín dụng bị bỏ qua, với tỷ lệ nợ quá hạn tăng 135% ở tỉnh bang Ontario và 62% ở tỉnh bang British Columbia.

Deloitte cho rằng những áp lực này sẽ vẫn tiếp tục khi có nhiều chủ nhà gia hạn khoản thế chấp của họ với lãi suất cao hơn trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cũng đang cảm thấy căng thẳng. Tỷ lệ vỡ nợ đã tăng gần 130% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước và ý định đầu tư đã giảm tốc đáng kể.

Báo cáo cho biết lãi suất cao đang làm suy yếu nền kinh tế và làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp. Để đối phó với nhu cầu yếu hơn và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn, các doanh nghiệp ngày càng trì hoãn kế hoạch đầu tư, tập trung nhiều hơn vào bảo trì và sửa chữa thay vì mở rộng hoạt động.

Hà Linh (P/v TTXVN tại Ottawa)

Link gốc: TTVH