Ông Troussier đi rồi, thì sao?

Ông Philippe Troussier đã rời ghế, để lại sau lưng một đống hỗn mang và làm tất cả chúng ta phải tỉnh ngộ với câu hỏi: Liệu đặt hết hy vọng dự World Cup lên vai một HLV 70 tuổi có phải điều đúng đắn hay không?

Tất nhiên, ông Troussier là người phải chịu trách nhiệm chính với thành tích và lối chơi quá tệ của đội tuyển, bởi sự bảo thủ khi dùng người và cứng nhắc trong đối nhân xử thế, cũng như sự chậm chạp khi đọc tình huống và ứng biến chiến thuật trên sân.

Nhưng đi sâu hơn, việc vỡ mộng với mục tiêu dự World Cup thực sự đặt ra cho các nhà hoạch định chiến lược và những chuyên gia của bóng đá Việt Nam các câu hỏi lớn hơn, về tư duy đúng đắn khi lập những kế hoạch dài hơi cho nền bóng đá.

Nhầm lẫn tư duy

Trên các kênh truyền thông chủ lưu, có một ý kiến rất thiếu lô-gích nhưng vẫn được nhắc đi nhắc lại về công việc của ông Troussier ở đội tuyển quốc gia: Triết lý kiểm soát bóng. Không ít chuyên gia và quan chức bóng đá kỳ vọng rằng HLV người Pháp sẽ thay đổi triết lý chơi bóng cho đội tuyển, song song với mục tiêu lọt vào World Cup 2026.

Đấy là một mục tiêu mang tính cách mạng, nhưng lại được hoạch định kiểu tất tay cho một… con người. Để hiểu thế nào là tư duy đúng cho một mục tiêu tầm cỡ ấy, bạn có thể tham khảo một chút về cuộc cách mạng vào đầu thập niên 2000 của bóng đá Đức, khi họ muốn chuyển từ lối chơi chậm, chắc và phụ thuộc vào bản lĩnh thi đấu sang lối chơi kỹ thuật, nhanh và nhuyễn mà thành quả là chức vô địch thế giới năm 2014.

Tháng 10/2000, DFL, cơ quan quản lý hai hạng đấu cao nhất của bóng đá Đức ra đời. Một trong những chiến lược đầu tiên DFL triển khai là bắt tất cả các CLB đang chơi ở Bundesliga 1 và 2 phải đáp ứng hai chuyện: 1) Xây dựng học viện đào tạo trẻ; 2) Có đủ số lượng cầu thủ Đức, HLV người Đức và HLV thể lực trong đội hình. Và họ làm điều này một cách sắt đá: Những CLB nào không đáp ứng được điều kiện sẽ không được chơi ở hai hạng cao nhất này.

Sau khi điều chỉnh ở chân đế, người Đức mới đề ra các yếu tố mang tính kỹ thuật: Những bài tập ưu tiên cho cầu thủ trẻ. Máy bắn bóng từng là một biểu tượng huấn luyện ở quốc gia này trong hơn một thập kỷ qua, vì nó đã biến việc xử lý trái bóng ở tốc độ cao trở thành bản năng mới của các cầu thủ Đức.

Và phải hơn 10 năm sau, Joachim Low, người nổi tiếng với yêu cầu cực đoan cấm phất bóng dài khi triển khai chiến thuật cho tuyển Đức, đưa Die Mannschaft đến chức vô địch thế giới. Việc cầm quân của Low trở nên đơn giản, thứ nhất vì ông là người đã gắn bó với đội tuyển được cách mạng hóa từ những ngày đầu, và thứ hai, về mặt con người, bóng đá Đức đã đạt được sự chín muồi: Họ đã cấy được ADN chơi nhuyễn, nhỏ vào nhiều thế hệ cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam thì làm gì? Thuê đại một HLV cực đoan với triết lý của mình và để ông ta gò ép phong cách ấy một cách cực đoan vào những cầu thủ có thói quen không phù hợp. Đấy là lý do mà ông Troussier luôn có cảm giác mình đang phải "dạy" lại những điều cơ bản để cho các cầu thủ thấm nhuần triết lý của mình.

Cà phê đầu tuần: Ông Troussier đi rồi, thì sao? - Ảnh 1.

Ông Philippe Troussier đã rời ghế, để lại sau lưng một đống hỗn mang. Ảnh VFF

Nhầm lẫn triết lý

Các chuyên gia hay phát biểu về mong đợi thay đổi triết lý chỉ nhờ ông Troussier nên suy nghĩ lại, vì triết lý của một HLV có thể biến mất ngay sau khi nhiệm kỳ của ông ta kết thúc. Ngược lại, một nền bóng đá có triết lý rõ ràng sẽ chỉ cần tìm một HLV phù hợp, chứ không phải chọn bâng quơ và mong rằng may mắn thì ông ta sẽ phù hợp.

Đáng ra ông Troussier và bóng đá Việt Nam đã có thể thoải mái hơn, nếu nền bóng đá của chúng ta lựa chọn một con đường rõ ràng, trước khi ấn hú họa cục than nóng vào tay HLV nào đó. HLV Park Hang Seo là một lựa chọn may mắn, nhờ khả năng xoay xở tuyệt vời của cá nhân ông với những chất liệu được đặt vào tay mình.

Nhưng thất bại của ông Troussier cho thấy nếu chính thượng tầng của bóng đá Việt Nam không thể tự lựa chọn cho mình một triết lý rõ ràng, thì nó sẽ dẫn đến những kết quả thảm hại. Nếu Liên đoàn bóng đá Việt Nam không chọn một HLV dựa trên triết lý của bóng đá Việt Nam, chúng ta sẽ bị cuốn theo triết lý cá nhân của chính HLV ấy, và không có khả năng phản biện khi họ đưa đội tuyển, là đỉnh tháp của nền bóng đá, xuống vực thẳm.

Cái triết lý kiểm soát bóng đơn giản là triết lý cá nhân do ông Troussier lựa chọn, không phải của nền bóng đá chúng ta lựa chọn. Nếu nền bóng đá thật sự lựa chọn một phong cách, chúng ta buộc phải hành động, như những gì mà người Đức đã làm: Phong cách này sẽ được áp dụng trên diện rộng, bằng những quy định khắt khe và chuẩn mực, trong một lộ trình dài hơi tính bằng thập kỷ. 

 Từ nay cho đến khi chính thức lựa chọn bằng những hoạch định quyết liệt ấy, thì chúng ta vẫn sẽ phải cầu may, và "nương tựa" vào triết lý của một người. Độ rủi ro của việc làm bóng đá kiểu này thì có lẽ không cần phải bàn cãi nữa, sau nhiệm kỳ thảm họa của ông Troussier.


Phạm An

Link gốc: TTVH