Chào tuần mới: Để làng nghề không bị bỏ quên

Một sự kiện chỉ ở "cấp làng", nhưng lại thu hút sự quan tâm của cộng đồng vào dịp cuối tuần qua: Lễ hội làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội).

Có tên gọi đây đủ là Tuần văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc 2023, sự kiện được tổ chức nhân 20 năm thành lập phường Vạn Phúc. Và chỉ trong những ngày đầu của lễ hội kéo dài một tuần này, hàng ngàn bạn trẻ đã dồn vềđây để mua đồ, chụp ảnh check-in và tham gia các hoạt động văn hóa, thương mại khác.

Những gì đang diễn ra khiến chúng ta cần nhìn lại câu chuyện của các làng nghề quanh Hà Nội.

Theo những thống kê gần nhất, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó hơn 500 làng đã mai một. Nhưng ở số còn lại, không phải làng nghề nào cũng có thể tồn tại phần nào dựa trên sản phẩm truyền thống như làng lụa Vạn Phúc, hoặc một trường hợp khá nổi tiếng khác là làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm).

Chào tuần mới: Để làng nghề không bị bỏ quên - Ảnh 1.

Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Bởi thực tế, dù tồn tại một số vấn đề trong khâu sản xuất - hoặc chất lượng sản phẩm, đây vẫn là những địa phương có mặt hàng mang tính thẩm mỹ cao, gần gũi với đời sống tiêu dùng hiện đại. Đặc biệt, các trường hợp này nằm khá gần trung tâm thành phố, có hệ thống giao thông thuận tiện - và cuối cùng, có tiềm năng thu hút đầu tư từ doanh nghiệp với các dự án xã hội hóa.

Ngược lại, chỉ cần nhìn sang những làng nghề lâu đời như làng nón Chuông, làng tương Cự Đà (Thanh Oai), làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hóa), hoặc làng chuồn chuồn tre (Thạch Thất)… ta cũng có thể hiểu khó khăn chung của những trường hợp này. Dù vẫn có một lượng du khách nhất định nhờ vẻ đẹp từ các kiến trúc cổ còn lưu giữ - hoặc màu sắc đặc biệt khi chụp ảnh check-in cùng sản phẩm, những mặt hàng đặc trưng này không dễ được tiêu thụ rộng rãi, để giúp duy trì nghề truyền thống.

Ở góc độ khác, trong xu thế đô thị hóa, cấu trúc truyền thống của những ngôi làng này cũng đang dần có nguy cơ bị phá vỡ để biến thành những cụm dân cư "nửa nông thôn, nửa thành phố", cấy ghép lộn xộn với những dãy nhà phố hoặc cụm đô thị mới mọc lên…

***

Không phải ngẫu nhiên, nhiều người đã nói tới việc hệ thống làng nghề của Hà Nội đang dần bị bỏ quên trong quá trình đô thị hóa.

Chào tuần mới: Để làng nghề không bị bỏ quên - Ảnh 2.

Người dân đến làng Vạn Phúc mặc áo dài hưởng ứng Tuần văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Câu chuyện bảo tồn và tìm hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống quanh Hà Nội đã được đặt ra từ lâu. Nhưng về bản chất, nó cũng gắn liền với những bài toán chung về "bước đệm" thay đổi ở các khu vực nông thôn đang chuẩn bị đô thị hóa, cũng như các xung đột văn hóa - kinh tế cần giải quyết trong quá trình này.

Chắc chắn, những làng nghề quanh Hà Nội cần được quy hoạch để chủ động đón quá trình đô thị hóa, thay vì bị động như các làng thuần nông. Và trong một chừng mực, có lẽ đó nên là những làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch, có thể phát triển sản phẩm theo hướng gắn với du lịch, chứ không chỉ trông đợi vào sản xuất đơn thuần.

Bảo tồn các kiến trúc cơ bản, bảo tồn (hoặc tái hiện phần nào) các quy trình sản xuất cũ kết hợp với áp dụng công nghệ hiện đại, có giải pháp liên kết và tổ chức du lịch một cách bài bản - thay vì manh mún như hiện tại - đó mới chỉ là tiền đề để phát huy giá trị của các làng nghề này. Phần còn lại phải là những nghiên cứu, khảo sát chi tiết để tìm hướng ra cho từng trường hợp cụ thể, cũng như điều chỉnh về cơ chế để thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Và đừng quên, một khi đã chịu sự chi phối từ xu thế kinh tế phi nông nghiệp tại các đô thị, cấu trúc làng xã tất yếu sẽ thay đổi. Chúng ta có thể nặng lòng với làng nghề, nhưng đừng bắt các giá trị của chúng - gồm cả kiến trúc lẫn sản phẩm truyền thống - phải đứng ngoài quy luật đó.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH