Nhật ký trong tù - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng

Nhật ký trong tù đã được tôn vinh là Bảo vật quốc gia; đến nay đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, suốt 80 năm qua, Nhật ký trong tù đã trở thành chân lý sáng tạo và được nhân loại đón nhận nồng nhiệt.

Ngày 18/8, Hội thảo khoa học với chủ đề 80 năm "Nhật ký trong tù - Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng", đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm thiết thực kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm tròn 80 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm bất hủ “Nhật ký trong tù”. Hội thảo đã nhận được 29 tham luận của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài.

Hơn 30 nhà nghiên cứu đã đóng góp tham luận, làm rõ các vấn đề như: Hoàn cảnh ra đời, giá trị nhân văn của tập thơ, chất thép và niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản trong cảnh lao tù, quá trình chuyển ngữ Nhật ký trong tù từ tiếng Hán sang tiếng Việt, một số bản dịch ra các ngôn ngữ, việc dạy và học tác phẩm trong chương trình phổ thông.

Mạnh Cường biên tập - Bảo vệ và phát huy giá trị đặc biệt của 'Nhật ký trong tù' - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định những giá trị to lớn và sức lan tỏa sâu rộng trong nước cũng như trên thế giới của tập thơ Nhật ký trong tù, tác phẩm đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận và tôn vinh là Bảo vật quốc gia; đến nay đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Suốt 80 năm qua, Nhật ký trong tù đã trở thành chân lý sáng tạo và được nhân loại đón nhận nồng nhiệt.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, đây là dịp chúng ta tìm hiểu sâu sắc hơn tầm cao tư tưởng, vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong rằng các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào ta ở trong và ngoài nước, cùng bạn bè quốc tế. Đồng chí đề nghị các cấp, ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm để tiếp tục trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng...

'Nhật ký trong tù' - áng thơ là Bảo vật quốc gia

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa điểm lại một số dấu mốc quan trọng của tập sách. Tập thơ tên gốc chữ Hán là Ngục trung nhật ký, gồm 133 bài, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc), từ tháng 8/1942 đến 9/1943. Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt lần đầu năm 1960. Đến nay, Nhật ký trong tù đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá tác phẩm có số phận, đời sống đặc biệt, giá trị nghệ thuật độc đáo, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa, tinh thần của dân tộc, đồng thời khẳng định nhân cách, ý chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tôn vinh tập thơ là Bảo vật quốc gia.

Các nhà nghiên cứu khẳng định tư tưởng chủ đạo của Nhật ký trong tù là nỗi thống khổ của con người khi bị mất tự do và niềm khao khát tự do đến cháy bỏng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền, hai tiếng "tự do" nhiều lần trở đi trở lại trong suốt tập thơ, trở thành tín hiệu thẩm mỹ, với những câu thơ như: "Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do" (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi); "Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do (Đêm không ngủ) hay "Hai giờ ngục mở thông hơi/ Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do" (Quá trưa).

Đó không chỉ là nỗi đau cá nhân mà còn là nỗi buồn của một con người mang chí lớn, khao khát giành tự do cho dân tộc, nhưng phải sống trong cảnh tù đày. Trong bài Buồn bực, tác giả viết: "Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận/ Hoàn cầu bốc lửa rực trời xanh/ Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi/ Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh".

Giáo sư Phong Lê nhận định Nhật ký trong tù là bức chân dung tự họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một thi sĩ cách mạng. Trong hoàn cảnh không thể hoạt động, người chiến sĩ đã thể hiện tư tưởng, tinh thần trong những vần thơ. Trong bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, người viết: "Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong".

Theo bà Nguyễn Thu Hiền - Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Nhật ký trong tù được xuất bản ở Trung Quốc năm 1960, với khoảng 100 bài. Năm 1992, ấn bản trọn vẹn 133 bài thơ được công bố với người đọc nước này. Các bài phân tích tập thơ được in trên báo, tạp chí từ năm 1980, trở đi trở lại vào các dịp kỷ niệm tròn năm sinh, năm mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với độc giả phương Tây, Nhật ký trong tù có bản dịch tiếng Nga (1961), Pháp (1963), Phần Lan (1969), Đan Mạch (1970), Anh (1972), Đức (2020), Tây Ban Nha (2003).

Thảo Vy

Link gốc: TTVH