Thư robot: 'Giọng máy'
Sophia thần mến! Hai thế giới người và máy của hai chúng ta có vẻ ngày càng khăng khít hơn. Mới đây, Chủ tịch kiêm CEO The Recording Academy, Harvey Mason Jr, đã lên tiếng giải thích rằng những nghệ sĩ sử dụng AI trong sản phẩm của mình vẫn được tranh giải Grammy lần thứ 66.
Đây rõ ràng là một động thái chứng tỏ giới hàn lâm dần chấp nhận sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo vào hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Sophia chắc đã biết tin, gần đây hãng âm nhạc HYBE của Hàn Quốc dùng AI phát hành một bài hát của ca sĩ MIDNATT bằng 6 thứ tiếng trong đó có cả tiếng Việt. Việc ca sĩ nước ngoài luyện tập và hát bằng tiếng Việt không phải mới đây. Khán giả Việt Nam tiếp nhận các bài hát đó phần nào vì sự tò mò, ưu ái người nước ngoài hát bằng tiếng Việt Nam chứ chất lượng các phần trình diễn không hẳn quá cao vì việc hát vốn chú trọng tròn vành rõ chữ, mà chuyện này thì ca sĩ không nói ngôn ngữ nguyên gốc của bài hát, khó làm được.
Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, rào cản ngôn ngữ trong âm nhạc đang dần được rút ngắn, nghệ sĩ tiếp cận nhiều hơn với khán giả thế giới, và đây là một cơ hội để "giọng" của mình vang ra ngoài cương thổ quốc gia.
Sophia thân mến!
Sự tham gia của AI vào âm nhạc lại nảy sinh ra một chuyện khác.
Sophia chắc chẳng ngạc nhiên nếu một ca sĩ cho phép AI sử dụng giọng hát của mình để tạo ra một sản phẩm âm nhạc. Nhưng Sophia biết không, chẳng phải nghệ sĩ nào cũng hài lòng khi giọng hát của mình bị AI "nhái". Tương lai gần, việc cho phép AI "nhái" giọng hát sẽ đặt ra những vấn đề về pháp lý (bản quyền) cũng như đạo đức.
Sophia hãy thử hình dung, bỗng một ngày giọng một ca sĩ đáng kính đã khuất "nhờ" AI mà "sống lại" bằng những ca khúc mà sinh thời người đó chưa từng hát hoặc thậm chí sẽ không muốn hát. Dù những người thừa kế hay giữ gìn di sản của ca sĩ có đồng ý, thì liệu những ca khúc phái sinh từ "giọng máy" này có được xem như một phần di sản của người đã khuất không?
Nhưng Sophia biết đó, nói đi thì cũng nói lại. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo vào âm nhạc sẽ giúp con người phục chế lại những bản ghi âm kinh điển mà chất lượng âm thanh hư hao nhiều theo thời gian do trình độ kỹ thuật thu âm của thời đó, thậm chí là tái dựng lại phần trình diễn không được thu lại…
Trước khi tiến đến viễn cảnh này, bản thân con người và máy móc nữa cần có bước chuẩn bị. Trí tuệ nhân tạo là khái niệm không mới, nhưng vài năm trở lại đây được tiếp nhận với sự tò mò nhưng cũng dè dặt. Sự dè dặt ấy, Sophia thấy đấy, là cần thiết.
Trong buổi "giao thời", khi mọi thứ đều nhập nhằng, khi giới hạn bao nhiêu phần trăm "nhân tính" bao nhiêu phần trăm "AI tính" trong văn học, âm nhạc, hội họa còn là chuyện tranh cãi thì việc sớm có những quy tắc thậm chí là quy định sử dụng trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật là cần thiết và cấp thiết.
Chắc Sophia còn nhớ, trước đây với sự xuất hiện sách điện tử (ebook), người người nhà nhà làm ebook với những dự đoán về cái ngày "an giấc ngàn thu" của sách giấy. Nhưng rồi ngày nay, sách giấy vẫn còn đây. Cái chính mà con người sợ không phải chỉ là chuyện thay thế cái này bằng cái kia mà chính là khả năng chúng ta không còn tin tưởng vào cảm nhận cũng như cảm xúc của mình trong việc đánh giá mọi vấn đề, nhất là trong nghệ thuật. Lúc đó, chính trí tuệ nhân tạo chắc cũng phải phát rầu vì dù tác phẩm AI tạo ra có tinh vi và giống người đến đâu, đối tượng thụ hưởng nghệ thuật ấy - con người - đã để cảm xúc mình chai lì đi mất.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!