Góc nhìn 365: Chào ông già Noel!

Chúng ta đang chuẩn bị đón lễ Giáng sinh của năm 2022. Và giữa không khí náo nức đang dần dâng cao, ở mọi đường phố, người ta đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những ông già Noel râu trắng với bộ quần áo đỏ rực rỡ.

Và, dù xuất hiện ở tiệc giáng sinh, khu vui chơi, siêu thị hay làm dịch vụ trao quà, điểm chung nhất ở những ông già Noel ấy đều là sự tất bật vội vã - khi nhu cầu về sự xuất hiện của họ luôn được đẩy lên cao nhất.

Từ bao giờ, những ông già Noel "bằng xương bằng thịt" ấy bước ra khỏi truyền thuyết để trở thành một phần không thể thiếu tại các đô thị Việt Nam vào dịp Giáng sinh?

Chắc chắn, đó không phải là một sự xuất hiện từ sớm, khi mà những tư liệu cũ cho thấy: Vào những năm trước 1945, việc đón Giáng sinh vẫn còn chưa phát triển mạnh ở những đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Vào dịp ấy, ngoài những giáo dân, chỉ có một số ít người thuộc tầng lớp khá giả hoặc tiểu tư sản xuống phố, tới nhà thờ xem lễ và gặp nhau ở các quán cà phê.

Góc nhìn 365: Chào ông già Noel! - Ảnh 1.

Ông già Noel trao quà cho các cháu. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Thậm chí, với những người thuộc thế hệ 7x đổ lại, trong một thời gian rất dài, chúng ta cũng chỉ biết tới dịch vụ "nhập vai" ông già Noel để đi phát quà cho trẻ em qua truyền hình, và coi đó là… chuyện của thiên hạ chứ không phải của mình.

Theo thời gian, phải tới cuối thập niên 1990, lễ Noel mới thật sự trở thành một ngày hội có tính chất quần chúng rộng rãi ở Việt Nam - khi điều kiện sống dần được nâng cao, còn chúng ta cũng bắt đầu xu thế quốc tế hóa trong quá trình hội nhập. Để rồi, từng bước, với sự phát triển rất mạnh của hệ thống dịch vụ cung ứng phục vụ Giáng sinh, những ông già Noel ngồi tại các cửa hàng - và tiếp sau đó là đi phát quà theo "đặt hàng" - mới dần trở nên quen thuộc trong đời sống.

***

Và, cũng từ xuất phát của một nét văn hóa mới được đón nhận, công việc của những ông già Noel tại Việt Nam không phải bao giờ cũng suôn sẻ như mong đợi.

Đơn giản, những khóa đào tạo cho các "ông già Noel" của chúng ta hiện vẫn quá ít - để rồi phần lớn được hoạt động mang tính tự phát vào mùa Noel. Chưa kể, như chia sẻ từ người trong cuộc, cũng không dễ để tìm một "ông già Noel" chuyên nghiệp với các tiêu chí: Mập mạp, đứng tuổi, phúc hậu, biết trò chuyện với trẻ em, có khiếu hài hước, biết hát và biết kể chuyện…

Rồi, so với thời tiết giá lạnh vào cuối năm ở phía Bắc, các "ông già Noel" tại phía Nam thường rất vất vả giữa thời tiết nóng nực khi phải đóng nguyên combo đồ nhung, độn bụng, râu tóc giả mà vẫn phải thật niềm nở tươi cười. Trong khi ở phía ngược lại, cũng không ít phụ huynh từng than thở về những ông già Noel ăn mặc sơ sài, đầm đìa mồ hôi, hộc tốc… chạy xe máy tới nhà trao quà rồi vọt đi mà không có sự giao tiếp cần thiết với đám trẻ con đang háo hức.

Cũng chẳng sao, bởi xét cho cùng, đó là những câu chuyện sẽ được hoàn thiện theo thời gian. Cũng giống như, từ một phong tục của phương Tây, ngày lễ Noel cũng đang dần tới lúc được tất cả người Việt đón nhận như một ngày đặc biệt trong năm.

Bởi, vượt lên trên yếu tố của tập quán và tôn giáo, dịp Giáng sinh cũng có rất nhiều điểm chung với ngày Tết Âm lịch của phương Đông của chúng ta, khi đề cao những giá trị ấm áp về sự yêu thương chia sẻ giữa con người với con người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình.

Không thuần Việt, những ông già Noel vẫn đang hiện hữu trên đường phố trong dịp này, với sứ mệnh mang đến niềm vui, khát vọng và mơ ước của trẻ thơ. Và xét cho cùng, đứng đằng sau những ông già Noel ấy chính là bao bậc phụ huynh, với mong muốn con mình được sống trong những khoảnh khắc diệu kỳ. Để rồi, khi điều kỳ diệu ấy không còn tồn tại theo sự phát triển của nhận thức, những đứa trẻ đang lớn vẫn có niềm tin vào những bất ngờ tốt đẹp trong cuộc sống.

Cúc Đường

Link gốc: TTVH