Trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê: Một di nguyện được thực hiện

8 năm sau ngày mất của GS-TS Trần Văn Khê, mong muốn lập quỹ học bổng xét trao cho các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc của ông đã được thực hiện. Trong đó, nhiều tài năng trẻ nhận được chú ý.

Cuối tuần qua, sáng 23/7 buổi lễ trao tặng học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê năm 2023 đã diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động và cam kết của Quỹ học bổng Trần Văn Khê, nhằm tôn vinh, khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc ở việc phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Động lực cho thế hệ trẻ

Sự kiện đã nhắc nhớ đến những trăn trở của GS Trần Văn Khê về sự nghiệp nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống mà ông đã dành cả đời phụng sự.

Ông Dương Trọng Dật - Giám đốc Quỹ Trần Văn Khê - kể: "Cho đến những giây cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm làm sao để sau ông, sẽ có nhiều hơn nữa những người gieo hạt, ươm mầm nuôi dưỡng dòng chảy bất tận của nền âm nhạc cổ truyền dân tộc...".

Trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê: Một di nguyện được thực hiện - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Hải Phượng (trái) và Phan Nhứt Dũng (phải) nhận giải thưởng Trần Văn Khê. Ảnh: Trang Võ

Từ đó, học bổng Trần Văn Khê được ra đời, trao truyền cho nhiều gương mặt trẻ sự ghi nhận, đồng thời cũng là niềm tin, về sức mạnh tiếp nối giá trị nghệ thuật truyền thống mà cha ông đã để lại.

Danh sách nhận học bổng có tổng cộng 9 em, tất cả đang theo học các chuyên ngành nhạc cụ truyền thống ở những trường âm nhạc hàng đầu cả nước.

Trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê: Một di nguyện được thực hiện - Ảnh 2.

Trịnh Nhật Minh (trái) và Nguyễn Đức Thiện đều đang theo học khoa Âm nhạc Truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Trong số đó, để nhận được đề cử của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và xét duyệt từ hội đồng chuyên môn quỹ, Trịnh Nhật Minh (sinh năm 2006) - quán quân The Voice Kids 2016, đã có nhiều cống hiến như giành giải nhất độc tấu bảng F, giải Ngôi sao hy vọng tại cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020.

Hoặc một trường hợp khác là nữ sinh nhỏ tuổi nhất Đỗ Bảo Uyên. Em theo học đàn tam thập lục, giành giải nhất hòa tấu dàn nhạc cuộc thi Đàn và hát dân ca 2013 khi mới 6 tuổi. Hiện tại, Bảo Uyên thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu các chương trình quảng bá âm nhạc dân tộc.

Trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê: Một di nguyện được thực hiện - Ảnh 3.

Các học sinh, sinh viên, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu... nhận học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê cùng biểu diễn tại buổi lễ

Đặc biệt nhất, có thể nhắc đến nghị lực của Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000) - chàng trai khiếm thị tài năng có thể thổi sáo trúc, đánh phách, kéo nhị, chơi piano và organ. "Em rất vui và hạnh phúc, bởi đối với một người khiếm thị như em, đây là một sự ghi nhận lớn từ các thầy, các cô, cùng mọi người trong quỹ Trần Văn Khê" - Đức Thiện nói - "Nó sẽ tiếp thêm động lực để em cố gắng hơn trong quãng đường học tập, gìn giữ, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc ở tương lai".

Vài nét về quỹ học bổng Trần Văn Khê

Quỹ học bổng Trần Văn Khê là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của quỹ. Quỹ ra đời năm 2021, từ thành quả của sự hợp tác giữa nhóm thân hữu Trần Văn Khê, dựa trên di nguyện giúp đỡ những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc của cố giáo sư Trần Văn Khê ( 1921 - 2015).

Hướng đi nào hợp lý?

Thuở sinh thời, GS Trần Văn Khê cho rằng âm nhạc dân tộc mình rất hay và đẹp. Từ đó, trách nhiệm ông nhận lấy khi còn rất trẻ chính là giới thiệu điểm đặc biệt của nền âm nhạc ấy đến với bạn bè thế giới, truyền đi sự hiểu biết và tình yêu nghệ thuật dân tộc cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Hàng loạt chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ như pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc hay noh, kabuki của Nhật Bản được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.

Trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê: Một di nguyện được thực hiện - Ảnh 5.

CLB Tiếng hát Quê Hương của NGƯT Thúy Hoan trình diễn chào mừng

Nhiều bản thu âm, phát triển nghiên cứu được bậc thầy của nền âm nhạc dân tộc thực hiện. Trong số đó, một số bản thu âm, ký âm của giáo sư và của nhạc sĩ Phạm Duy đến nay vẫn còn dùng tới.

Nhìn vào những gì Quỹ học bổng Trần Văn Khê đang thực hiện, ngoài việc động viên và khuyến khích các cá nhân, nhiều đơn vị có thể nối gót và phát triển thêm những công việc giáo sư Trần Văn Khê từng làm trong tương lai.

Ý tưởng này được tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng (1 trong 6 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhận giải thưởng Trần Văn Khê năm 2023) luôn cố gắng phát triển.  

Nói trong buổi lễ sáng 23/7, học trò "chân truyền" của giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ: "Thầy thường hay nói một cái cây mà muốn ra hoa đẹp, cành lá xanh tươi thì cần có một bộ rễ tốt. Để một truyền thống phát triển như ngày hôm nay thì cần giống như bộ rễ đó. Nhớ lời thầy, chúng tôi luôn chú trọng đến việc hát những bài bản xưa, lưu giữ những điều cổ truyền, làm cái gốc vững vàng cho nhiều thế hệ có thể quay về".

Giải thưởng Trần Văn Khê 2023

Bên cạnh học bổng Trần Văn Khê dành cho 9 sinh viên (kèm theo số tiền 10 triệu đồng/người), giải thưởng Trần Văn Khê năm nay (với số tiền 30 triệu đồng/giải) được trao cho NSƯT, nhà giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM; nhà nghiên cứu, PGS-TS Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; NSƯT-TS Nguyễn Thị Hải Phượng (Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM); NSƯT-TS Cồ Huy Hùng - Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc quốc gia VN; Thạc sĩ, nhạc sĩ âm nhạc dân tộc Phan Nhứt Dũng.

Trang Võ

Link gốc: TTVH