Bóng đá Việt Nam và 'bài học' từ Asian Cup

Chức vô địch Asian Cup 2023 thuộc Qatar không phải là điều bất ngờ, nhưng cái cách mà nhiều đội bóng hàng đầu châu Á gây thất vọng ở Doha có thể là dấu hiệu về một sự chuyển dịch đáng kể trên bản đồ bóng đá châu Á. Đó cũng có thể là một bài học dành riêng cho bóng đá Việt Nam cho tham vọng dự World Cup.

Trang ESPN  đã có một bài nhận định về Asian Cup 2023, nêu ra những điểm đáng chú ý có tính bản lề. Đầu tiên, đó là sự thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa nhóm Elite, hay có thể gọi là Big 5 – Bộ Ngũ quyền lực – của bóng đá châu Á bao gồm Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Australia, so với phần còn lại.

Thống kê cho biết, đây là lần đầu tiên trận chung kết Asian Cup không có đại diện của nhóm Big 5. Trước đó, 12 cái tên từng vào chung kết Asian Cup thì hết 9 lần có sự xuất hiện của các đội thuộc nhóm này. Họ thống trị hoàn toàn bóng đá châu lục. Kể từ năm 1994 đến nay, trong 22 suất dự World Cup của châu Á thì nhóm Big 5 chiếm đến 20 lần, chỉ trừ Trung Quốc năm 2002 và CHDCND Triều Tiên năm 2010.

Không phải ngẫu nhiên mà lịch sử đã xuất hiện ở Doha – Qatar, bởi nó trùng hợp với việc châu Á vừa có thêm gấp đôi số suất dự World Cup từ 2026. Từ chỗ không có nhiều hi vọng, thì những nền bóng đá tầm trung tự nhiên thấy cơ hội mở rộng với mình, đối với các suất dự World Cup còn lại ngoài nhóm Big 5.

Họ có nhiều động lực hơn, thái độ chơi bóng cũng hoàn toàn thay đổi, cuộc trải nghiệm ở Asian Cup trở nên giàu sức sống và mang đến tương lai nhiều hơn cho một số nền bóng đá. Các hiện tượng như Tajikistan hay Jordan là điển hình.

Từ đó dẫn đến điểm chú ý thứ 2, theo ESPN, là lựa chọn cách tiếp cận trận đấu. Thay vì cố gắng thắng những đội bóng mạnh để tạo ra những bất ngờ thú vị có tính nhất thời, thì xu hướng chung là không để thua. Nói cách khác, suy nghĩ của các đội bóng có phần thực dụng hơn vì mục tiêu dài hạn.

Không đội nào ở Doha cầm bóng nhiều hơn Hàn Quốc. Đội bóng mang biệt danh Taeguk Warriors có siêu sao Son Heung Min trong đội hình giữ tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình lên tới 69,6% trong giải đấu nhưng lạ là họ không làm được gì nhiều với điều đó.

Đội bóng của Klinsmann đã không thể giữ sạch lưới trong suốt giải đấu, hầu hết các vấn đề của Hàn Quốc có thể bắt nguồn từ điểm yếu của họ trong việc cầm bóng quá nhiều. Trước Australia cầm bóng 26%, Hàn Quốc vẫn chỉ tung ra được 2 cú sút trúng đích trước quả phạt đền của Hwang Hee Chan ở phút 96 khiến trận đấu phải bước sang hiệp phụ. Rồi dù có 70% thời gian cầm bóng trước Jordan trong trận bán kết, Hàn Quốc không thể có một cú sút trúng đích nào.

Bóng đá Việt Nam và “bài học” Asian Cup - Ảnh 1.

Những gì mà Jordan (áo trắng) làm được ở 2 trận đấu với Hàn Quốc là gợi ý rất đáng giá cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Đây chính là sự gợi mở đáng giá cho các đội bóng nhỏ như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia trên con đường tìm vé dự World Cup. Phòng thủ chặt và phản công nhanh, chắt chiu cơ hội sẽ là một cách tiếp cận hợp lý nếu muốn đánh bại các đối thủ hàng đầu.

Cứ lấy ví dụ của Australia, họ cũng là đội mạnh, nhưng vẫn chủ động cầm bóng ít hơn Hàn Quốc để trở nên thoải mái với việc phòng ngự được tổ chức tốt, mạnh mẽ và có chiều sâu.

Tại sao lại như vậy? Vì cuộc đua ở vòng loại World Cup không hướng đến một chức vô địch duy nhất, mà là 1 trong 8 suất đi thẳng. Không nhất thiết phải thắng mọi trận đấu, đôi khi một kết quả hòa trước những đội trong nhóm Big 5 là vừa đủ.

Chắc chắn, Big 5 vẫn thống trị, vẫn là những tấm vé chắc chắn nhất của châu Á đến World Cup. Nhưng tại Asian Cup 2023, dù cả 5 đội thuộc nhóm này đều vào vòng đấu loại trực tiếp song lại chỉ có 2 vào đến bán kết. Con số này là một gợi ý thú vị. 

Nếu lấy con số 16 đội ở vòng knock-out Asian Cup làm căn cứ cho vòng đấu loại thứ 3 của World Cup 2026 thì rõ ràng, bất kỳ đội nào vào đến giai đoạn này để có khả năng trở thành 8 đội cuối cùng để đến World Cup. Những đội vào tứ kết Asian Cup 2023 như Jordan hay Tajikistan chính là dẫn chứng cụ thể.

Đó cũng là gợi ý thứ 3 từ góc nhìn của ESPN. Và có thể, là một bài học cho bóng đá Việt Nam. Sau vòng loại cuối cùng của World Cup 2022, chúng ta đã có ý tưởng chuyển đổi lối chơi bằng cách thuê HLV Philippe Troussier để có một cách tiếp cận trận đấu theo hướng cân bằng hơn với các đội bóng mạnh hơn rõ rệt so với mình. Nhưng sau một năm cầm quân của ông Troussier, cuộc trải nghiệm tại Asian Cup cho thấy, kết quả thi đấu của đội tuyển Việt Nam vẫn không được như ý và đã có những hoài nghi nhất định về sự lựa chọn có khá ít nền tảng thành công này.

Nói cách khác, điều quan trọng nhất là phải xác định chúng ta muốn gì? Một trận đấu ngang ngửa với Big 5 hay một kết quả đúng mục tiêu? 


Long Khang

Link gốc: TTVH