Góc nhìn 365: Chờ di sản mang tên… phở

Được tổ chức tại thành phố Nam Định cuối tuần qua, Festival Phở 2024 lập tức thu hút hàng ngàn du khách. Chỉ trong hơn 2 ngày, khoảng 5 vạn bát phở đã được bán ra tại đây, với đủ thương hiệu phở đa dạng của các vùng miền.

Đây là lần đầu tiên, một Festival Phở được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn. Và, sự kiện này là một trong những bước đi để hướng tới cái đích xa hơn: Xây dựng hồ sơ đưa phở Việt Nam vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Có thể, nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu nói tới câu chuyện đưa phở Việt Nam thành Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới. Trong nhận thức chung, đó là món ăn hàng ngày, rất đỗi phổ biến, quen thuộc và có phần nào "mộc mạc" nếu gắn cùng một khái niệm đòi hỏi chiều sâu như di sản văn hóa.

Góc nhìn 365: Chờ di sản mang tên… phở - Ảnh 1.

Phở Việt Nam. Ảnh: Internet

Dù vậy, như đánh giá của nhiều chuyên gia, chính sự phổ quát của phở đã biến nó thành một món ăn mang tính định danh cho người Việt Nam. Và bởi thế, phở có thể xuất hiện ở những quán bình dân vỉa hè, các nhà hàng sang trọng, yến tiệc chiêu đãi các vị thượng khách.

Câu chuyện ấy giống một lời khẳng định từng được phía tổ chức đưa ra trong Festival Phở vừa qua:"Ở đâu có phở, ở đó thấy Việt Nam". Hoặc, như cách nói của nhiều người, việc ăn phở đối với chúng ta là đương nhiên như cần không khí để thở hàng ngày.

Nhìn rộng hơn, tự thân câu chuyện về phở đã mang theo những nét đặc thù của văn hóa và xã hội Việt Nam.

Góc nhìn 365: Chờ di sản mang tên… phở - Ảnh 2.

Phục vụ phở cho nhân dân và du khách. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Đơn cử, khi nói về nguồn gốc của phở, nhà sử học Dương Trung Quốc từng dẫn lại nhận định của một học giả Pháp. Rằng, phở luôn được làm từ các thành phần bánh phở, nước dùng - trong đó có thịt bò và nước mắm. Vậy nhưng truy nguyên ra thì dùng thịt bò là cách ăn của người Pháp, còn nước mắm là sản phẩm của cả khu vực Đông Nam Á... Từ những nguyên liệu chung ấy, người Việt chế biến nên thương hiệu phở của riêng mình. Giống như nhờ đặc điểm địa lý, Việt Nam cũng luôn biết cách tích hợp tinh hoa của các nước khác để sáng tạo nên một nền văn hóa riêng trong dòng chảy lịch sử…

***

Trên lý thuyết, việc được vinh danh ở cấp thế giới sẽ mở ra một bước ngoặt mới với món phở  - và mọi khía cạnh quanh nó - của Việt Nam. Bởi, đó không chỉ là danh hiệu gắn với một món ăn truyền thống, mà còn là sự thừa nhận ở góc độ văn hóa, với những gì mà phở đóng góp cho cuộc sống và thói quen hàng ngày của mỗi người.

Nhưng để phở Việt Nam "chạm tới" danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO  - điều mà những món ăn truyền thống nổi tiếng như pizza Ý, bia Bỉ, kim chi Hàn Quốc… từng làm được - mọi thứ sẽ phải là một chặng đường dài. Và ở đó, trước tiên, món ăn này cần được công nhận là di sản cấp quốc gia như một điều kiện tiên quyết.

Như lời các chuyên gia, để thực hiện điều ấy, câu chuyện không dừng ở việc khảo sát, thống kê và xây dựng hồ sơ về nguồn gốc - hay định nghĩa - của phở. Xa hơn, đó còn là những khó khăn cần phải giải quyết trong việc thẩm định một món ăn đã liên tục biến đổi - thậm chí tiếp nhận nhiều yếu tố mới - tại từng cộng đồng, từng địa phương, thậm chí là từng khu vực nhỏ. Trong câu chuyện ấy, ngoài vai trò của cơ quan quản lý hay các chuyên gia, sự nhiệt tình của các nghệ nhân nấu phở, cũng như cộng đồng những người yêu mến món ăn này, sẽ chiếm một phần không ít.

Trước Festival Phở vừa qua, vào năm 2019, ngành văn hóa Hà Nội đã lên kế hoạch thống kê và thu thập tư liệu về phở Việt Nam để dự kiến cùng tỉnh Nam Định đề xuất xây dựng hồ sơ đưa phở vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dù sao, đó vẫn là những tín hiệu vui để chúng ta chờ đợi.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH