Văn học, nghệ thuật bám sát hơi thở của cuộc sống qua dịch Covid-19
Trong 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật phải tạm ngưng.
Thế nhưng, việc sáng tác của văn, nghệ sỹ vẫn luôn bám sát, phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó không thể không thể kể đến vai trò của các nhà văn, nhà thơ, nhiếp ảnh gia phản ánh hiện thực thời điểm ấy.
*Những bức ảnh theo dấu chân tình nguyện
"Sài Gòn COVID-19, 2021" là chủ đề của triển lãm ảnh và cũng là tên cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt vào tháng 4/2022, thu hút sự chú ý của cộng đồng bởi chứa đựng nhiều cảm xúc đong đầy.
Theo tác giả Trần Thế Phong, bộ sách như một định mệnh, cơ duyên giúp cho anh được hòa mình, chứng kiến và ghi lại các hình ảnh thực tế của Thành phố Hồ Chí Minh oằn mình vượt qua thử thách trong tâm điểm đại dịch COVID-19.
Chỉ bằng các chú thích ảnh ngắn gọn, tác giả Trần Thế Phong giúp độc giả hình dung lại không khí của Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Mỗi bức ảnh như có sức nặng vì nó chứa đựng cả một câu chuyện dài. Đó là những con phố vắng tanh chưa từng có trong lịch sử kể từ khi mảnh đất này trở thành đô thị, những rào chắn quanh các khu phố, nhiều cửa hàng lớn lần lượt phải đóng cửa hàng loạt. Đó còn là câu chuyện muôn hình vạn trạng giữa người với người, sự tương thân, tương ái giúp đỡ nhau, những khoảnh khắc sinh tử trong các bệnh viện điều trị COVID-19 và cả giây phút thả mình xuống sàn, mặt ghế, góc phòng... của đội ngũ y, bác sỹ.
Anh Trần Thế Phong cho biết, mỗi bức ảnh không chỉ tự nói lên câu chuyện được lưu giữ mà còn được kết nối với nhiều người cũng từng chứng kiến một Thành phố Hồ Chí Minh trong tâm dịch như anh. Do đó, tập sách có nhiều trích đoạn chứa ý kiến từ nhiều người, nhiều giới. Không đơn giản chỉ là phản ánh thực trạng, truyền tải cảm xúc đến người đọc, mỗi ý kiến còn hiện diện cho các nhà báo, nghệ sỹ, nhà văn, nhân viên y tế, tình nguyện viên từ tỉnh xa đến chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh hay đơn cử chỉ là những người dân bình thường..
Còn đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hiền, 4 tháng tham gia đội tình nguyện viên nghệ sỹ Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh là quãng thời gian nhiều cảm xúc. Xuất phát từ tinh thần tình nguyện, muốn đóng góp chút sức lực trong cuộc chiến phòng, chống dịch chung, anh đăng ký tham gia và đảm nhận vai trò chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc của đội tình nguyện trên mọi hành trình.
Anh Nguyễn Hiền nhớ lại, trong thời điểm tác nghiệp, nhiều khoảnh khắc khiến anh không thể nào quên, đó là lần một bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 4 đưa tay qua khe cửa sổ phòng bệnh, tặng một bông hồng cho các y bác sỹ và các ca sỹ, hay các bệnh nhân đứng trên hành lang tại khu điều trị cho bệnh nhân COVID (Bệnh viện Hóc Môn) tạo hình trái tim tri ân đến đội ngũ y tế…. Những khoảnh khắc đó sẽ là những hình ảnh tư liệu quý minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Hiền cho hay, bản thân cảm thấy may mắn khi được đồng hành cùng đội tình nguyện viên nghệ sỹ, được đi để thấy, để hiểu và thương nhiều hơn. Đây là một vinh dự, kỷ niệm khó có thể quên trong đời. "Mỗi tấm ảnh hơn vạn lời nói. Những bức ảnh không chỉ kể lại những câu chuyện mà đó còn là những thông điệp ý nghĩa, nhân đạo tôi muốn truyền tải mỗi khi bấm máy", anh Hiền bày tỏ.
*Nghĩa tình của người cầm bút
Dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội nhưng các nhà văn không đứng bên lề cuộc sống mà với nhiệm vụ là "sử gia" ghi chép lại biến động của thời đại. Những tác phẩm đầy ắp cảm xúc ra đời như "Những ngày cách ly" (tiểu thuyết, Bùi Quang Thắng), "Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái" (nhật ký y tá, Iris Lê), "Mắc kẹt - 122+ ngày mắc kẹt ở Mỹ vì COVID-19" (ghi chép của Phương Thu Thủy), Tình người cách ly (tạp văn, Từ Nguyên Thạch), "Cô Vy tự sự - Gió và tình yêu vẫn thổi" (nhiều tác giả)… đánh dấu một giai đoạn khó khăn nhất mà con người đã vượt qua.
Viết về người trẻ, đặc biệt là người tại Thành phố trong cơn đại dịch vừa qua, tập truyện ngắn "Phù sa châu thổ" của nhà văn Hoài Hương là những trang viết hiện thực vô cùng độc đáo. Truyện ngắn của chị tập trung vào các vấn đề thời sự, những đề tài gần gũi với con người; đặc biệt là các nhân vật đều đẹp, họ đầy ý chí để vượt qua khó khăn, cống hiến, đóng góp cho cuộc đời.
Với nhà văn Hoài Hương, đại dịch COVID-19 là chất xúc tác quan trọng để chị hoàn thành tập truyện này. Bởi nó chứa đựng những trang viết từ thực tế trải nghiệm của chị trong khi tham gia làm tình nguyện các chương trình của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh khi thành phố giãn cách nghiêm ngặt."Sứ mệnh của nhà văn là phải viết và chiến thắng bằng ngòi bút. Những tác phẩm là minh chứng sống phản ánh hiện thực rằng chúng tôi không đầu hàng nghịch cảnh mà đã biến nó thành động lực sáng tác", nhà văn Hoài Hương nhấn mạnh.
Sống tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, hơn ai hết, nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh hiểu rất rõ những khó khăn của người dân từ khắp mọi miền đất nước khi đang sinh sống tại thành phố. Trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, trực tiếp là người đi trao tặng những phần quà, phần cơm cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhà văn Bích Ngân cảm nhận rõ hơn sức nặng nghĩa tình của người cầm bút có trái tim mà nhịp đập không chỉ cho riêng mình. Chị tâm niệm, chỉ khi trái tim biết đau cùng nỗi đau của đồng loại, thì trang viết của họ mới có thể chạm tới được trái tim người đọc.
Theo nhà văn Bích Ngân, văn nghệ sỹ nói chung người cầm bút nói riêng không thể tách rời đời sống đương đại. Và đời sống nhân dân luôn là mạch nguồn sáng tạo của người làm thơ, viết văn cho dù đó có là mất mát hay đau thương.
"COVID-19 khiến mọi thứ bị đảo lộn và khiến chúng ta thay đổi nhiều cách nhìn về xã hội, đời sống, con người và chính bản thân chúng ta. Với các nhà văn, đặc biệt là nữ nhà văn có nhiều thứ mà bình thường dẫu trí tưởng tượng có phong phú bao nhiêu họ cũng không thể hình dung ra được, chỉ khi họ trải nghiệm thực tế, trực tiếp đối mặt với hiểm nguy họ mới tỏ tường. Đó chính là chất liệu quý để họ cho ra đời những tác phẩm lớn trong tương lai", nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Có thể nói, các văn nghệ sỹ, những nhà văn, nhiếp ảnh gia muốn nhắc mình, nhắc người, mai này không được phép quên những ngày tháng đã qua với biết bao hy sinh, yêu thương thầm lặng… Chính những người như họ - bằng sự nhiệt tâm và lòng dũng cảm, sẵn sàng lao vào hiện thực cuộc sống cho dù đó là thời khắc nguy hiểm, khắc nghiệt nhất. Bởi chỉ có làm như vậy mới có thể mang lại cho cộng đồng, hậu thế những tác phẩm giá trị, mang nhiều tầng ý nghĩa vượt khỏi khuôn khổ của một tác phẩm.