Góc nhìn 365: Sức hút của 'công trình phụ'

Diễn ra ít ngày trước, vòng chung khảo của cuộc thi "PSP 01 2023: Không gian công cộng cho mọi người - cảnh quan & nhà vệ sinh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm" đã kết thúc với việc chọn ra 7 giải thưởng chính thức và 11 giải mở rộng.

Dù chỉ dành cho khối sinh viên kiến trúc toàn quốc, (do quỹ AIF, Đại học Xây dựng Hà Nội, phát động), nhưng đề tài mà cuộc thi hướng tới lại giàu tính thực tế và có sức hút cao với dư luận, đặc biệt là ở phần thiết kế các nhà vệ sinh tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm.

Chẳng hạn, mang tênThe Extentision Of The Lake (sự mở rộng của hồ), đồ án giành giải Nhất tập trung vào bản chất của Hồ Gươm - một hồ nước soi chiếu bối cảnh xung quanh - để bố trí một cụm 4 nhà vệ sinh đa năng hình tam giác, phân cách bởi các lối đi được tính toán rất kỹ về điểm nhìn và hướng tiếp cận. Đặc biệt, các nhà vệ sinh này đều có bề mặt sáng, với kỳ vọng biến công trình trở thành một phần của mặt hồ, vừa phản chiếu dòng chảy đô thị sôi động xung quanh vừa soi chiếu lại chính mặt hồ Gươm.

Góc nhìn 365: Sức hút của 'công trình phụ' - Ảnh 1.

Phối cảnh đồ án “The extentision of the lake" (giải Nhất)

Trong khi đó, đồ án The Harmony Of Brick (giải Nhì) lại sử dụng chất liệu gạch truyền thống với thiết kế thông thoáng, nhiều khoảng hở để tạo cảm giác thân thiện gần gũi. Tại đây, hệ thống bồn rửa mặt được đưa ra ngoài, kết hợp cùng các ghế ngồi, lối đi rải sỏi… tạo thành một không gian chờ đặc biệt, vừa tăng kết nối cộng đồng vừa xóa bỏ tâm lý ngần ngại,e dè khi bước vào một nơi như nhà vệ sinh chung. Như nhận xét từ phía giám khảo, đồ án này có thiết kế khéo léo và hợp lý với bối cảnh xung quanh,từ đó tạo ra dòng chảy uyển chuyển trong một không gian đa hướng.

Góc nhìn 365: Sức hút của 'công trình phụ' - Ảnh 2.

Phối cảnh đồ án “The harmony of brick” (giải Nhì)

Hoặc, ở giải Ba, đồ án Quyện đặt vấn đề: Từ việc đáp ứng nhu cầu và tiện ích cho cộng đồng, nhà vệ sinh cần được biến thành các điểm kết nối xã hội, tạo cơ hội giao tiếp và tương tác. Bởi thế, đồ án chọn cách tiếp cận đa hướng, đan xen công trình cùng các khoảng nghỉ và cảnh quan tự nhiên.

Góc nhìn 365: Sức hút của 'công trình phụ' - Ảnh 3.

Phối cảnh đồ án “Quyện” (giải Ba)

Rồi, đúng như tên gọi, đồ án Nón (giải Khuyến khích) chọn thiết kế cách điệu từ hình dạng của chiếc nón lá truyền thống, sử dụng các công nghệ và chất liệu hiện đại như đèn LED, bê tông sợi thủy tinh, kính thông minh… và dẫn lời của Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong trong phần thuyết minh: "Tình trạng nhà vệ sinh công cộng của đất nước là thước đo văn hóa của người dân"…

Góc nhìn 365: Sức hút của 'công trình phụ' - Ảnh 4.

Phối cảnh đồ án “Nón” (giải Khuyến khích)

Như chia sẻ từ quỹ AIF, từ trước tới nay, nhà vệ sinh vẫn được quan niệm là "công trình phụ" và ít được quan tâm chú ý. Dù vậy, chất lượng của loại công trình này luôn tác động trực tiếp tới sức khỏe và tâm lý người sử dụng, đặc biệt là trong ấn tượng của du khách khi tới thăm các địa phương khác. Đặc biệt, đầu năm nay, trong một khảo sát về nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới, báo Nikkei Asia (Nhật Bản) đã lần lượt đặt 2 đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM ở các vị trí 66 và 67 về chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế.

Đáng nói, song song với cuộc thi của AIF, một cuộc thi tương tự về thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại hồ Gươm nhưng ở quy mô lớn hơn (mở rộng tới các KTS chuyên nghiệp) do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và đối tác tổ chức, cũng đang trên đường về đích. Điều đó cho thấy một tín hiệu đáng mừng: Ngoài các yếu tố cần cải thiện về mật độ hay khâu vận hành, vấn đề thẩm mỹ và dấu ấn riêng của các nhà vệ sinh công cộng cũng bắt đầu được đặt ra trong đời sống đô thị.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH