NTK Trịnh Bích Thủy: 'Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người'

Không phải lần đầu trình làng những thiết kế về áo chần bông, nhưng một lần nữa, nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy, chủ nhân của thương hiệu Trịnh Fashion, lại khiến công chúng vô cùng thích thú khi đến thưởng lãm bộ sưu tập áo chần bông mới nhất của mình mang tên Chín tầng mây diễn ra vào cuối năm 2023 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chín tầng mây cũng chính là sự bay bổng của nhà thiết kế sau 20 năm gắn bó với sự nghiệp.

"Về chất liệu của triển lãm năm nay, tôi đã sử dụng những mảnh lụa và những miếng bông nhỏ được giữ trong nhiều năm để làm nên một chiếc áo" - nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy mở đầu câu chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

* Tại sao chị lại lấy tên BST là "Chín tầng mây"?

- Sau khi đã làm rất nhiều bộ sưu tập về áo chần bông, tôi nghĩ đến những áng mây và nhìn chỗ lụa nhiều màu sắc còn thừa lại, thêm cảm giác những cục bông tựa như những áng mây trắng. Tôi muốn biến mây thành mây ngũ sắc nên đã gom mây về kết hợp với những sắc màu của lụa và tạo nên BST Chín tầng mây.

NTK Trịnh Bích Thủy:  “Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người” - Ảnh 2.

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy bên các thiết kế áo chần bông

* Sử dụng các nguyên liệu cũ và tạo ra những sản phẩm bền vững như chị vừa giới thiệu là hành trình khó hay dễ?

- Khó chứ. Đầu tiên, mình phải có nguồn nguyên liệu bền vững, sau đó mình cũng không thể làm một mình mà còn cần sự hỗ trợ từ các làng nghề. Như bộ sưu tập lần này, cũng phải sau 20 năm làm nghề tôi mới hiện thực hóa được mong muốn, và mất thêm 3 năm mới tìm ra cách làm, dù chưa thật hoàn hảo.

BÀI TẾT - NTK Trịnh Bích Thủy: 'Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người' - Ảnh 2.

NTK Trịnh Bích Thủy và Á hậu Miss World Tường San

* Chị đã gắn bó với các làng nghề trong lĩnh vực này như thế nào? Chị nghĩ sao khi những làng nghề truyền thống nói chung đang ngày một thu hẹp trước sự thay đổi đang rất công nghiệp hiện nay?

Dù đã có dịp được đi nhiều các làng nghề trên thế giới, thấy họ lưu giữ văn hóa xưa tốt, biết nâng chất lượng, giá trị của các sản phẩm làng nghề lên tầm nghệ thuật…, thế nhưng, tôi vẫn rất yêu các làng nghề của Việt Nam. Tôi yêu tiếng máy dệt, tiếng quay sợi, người phơi vải… Đó cũng là lý do mà tôi lựa chọn các sản phẩm từ làng nghề cho các thiết kế của mình. Bản thân tôi nghĩ rằng, nếu những người như mình không dùng đến thì sẽ không tạo ra những sản phẩm gắn bó với làng nghề được biết đến, đương nhiên, sự phát triển của họ ngày càng thu hẹp.

Thực tế, công nghiệp hóa cũng có mặt tích cực khi nhiều loại lụa được sản xuất với khổ rộng hơn, dễ dùng hơn, chất lượng cũng tốt hơn về mật độ sợi hay màu sắc. Nhưng mặt trái chính là sản xuất như vậy sẽ không còn là sản phẩm của làng nghề. Sự khó khăn của các làng nghề hiện nay cũng chính là việc sản xuất mất nhiều quy trình, thời gian mà nếu làm thủ công thì ai sẽ theo nghề? Làm ra sản phẩm thì ai sẽ tiêu dùng? Cái khó đấy, ai cũng thấy rõ.

Nhưng tôi nghĩ rằng, chỉ cần đưa thêm giá trị nghệ thuật vào các làng nghề vốn đã có những sản phẩm đặc biệt như Hà Đông, Nha Xá… chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các làng nghề hơn.

NTK Trịnh Bích Thủy:  “Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người” - Ảnh 5.

Các mẫu thiết kế trong BST "Chín tầng mây" do Á hậu Tường San thể hiện

* Và đó cũng là lý do các BST của chị không chỉ có yếu tố truyền thống mà còn rất đương đại?

- Đúng vậy. Ngay trong bộ sưu tập lần này, cùng với yếu tố truyền thống như tên gọi "áo chần bông", các thiết kế được đặt tên theo từ tự nhiên như hạt gạo, thọ hay cách làm cũng rất truyền thống. Đặc biệt, ở kỹ thuật làm bằng tay thì yếu tố hiện đại chính là ở kiểu dáng, sắc màu được thiết kế từ vải.

Mỗi năm, mỗi mùa, tôi đều cập nhật xu hướng về đường nét, phong cách nhưng kỹ thuật may áo chần bông với tôi chính là di sản nên buộc phải làm bằng tay. Người chần bông trong thời đại này càng ngày càng hiếm, nhưng mình sẽ vẫn chọn yếu tố truyền thống đặc trưng nhất trong sản xuất để giữ gìn nét văn hóa đẹp này của người xưa.

NTK Trịnh Bích Thủy:  “Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người” - Ảnh 6.

"Từ bé, tôi chịu ảnh hưởng từ bố - nhà nghiên cứu lịch sử Trịnh Xuân Tiến. Trong suốt thời gian ông viết sách về thời vua Lê, chúa Trịnh, tôi có dịp vẽ minh họa sách cho ông. Ông cũng là người sưu tập đồ cổ nên đã chỉ cho tôi khá nhiều điều thú vị về thẩm mỹ từ đường nét, hoa văn, họa tiết từ các sưu tầm. Tôi rất thần tượng bố mình nên bộ sưu tập thời trang đầu tiên mà tôi thực hiện đã chịu nhiều sự thừa hưởng văn hóa từ ông" - NTK Trịnh Bích Thủy.

* Chị có thể cho biết vì sao mình lại "kết" chiếc áo này đến vậy?

Vì những kí ức của tuổi thơ về chiếc áo này đã theo đuổi tôi trong trí nhớ quá lâu. Đó là ký ức hồi nhỏ, khi theo mẹ đi may áo dài trên phố, tôi đã bị thu hút bởi một chiếc áo chần bông được bày ở tủ kính. Điều khiến tôi thắc mắc là nhiều năm sau đó, tôi vẫn thấy chiếc áo này mỗi khi đến đây. Nhưng chiếc áo không có gì thay đổi, thậm chí có lúc còn bụi bạc. Sau đó về quê, gặp các cụ già nhiều tuổi cũng mặc chiếc áo này, dần dần tôi nhận ra đây là chiếc áo dành cho mùa Đông.

Lớn hơn, tôi được mẹ cho mặc mỗi khi trời lạnh và Tết. Thời đó, mỗi người chỉ có một chiếc áo là quý lắm. Nhà giàu thì áo may bằng lụa, nhung, bên trong là bông. Nhà bình thường thì may áo bằng vải thường, bên trong có khi chỉ là vải vụn, chỉ vụn, miễn là có đủ 3 lớp là ấm rồi.

Cũng trong kí ức của mình, tôi thấy có những người mẹ ngồi khâu áo cho con, cũng có khi là người bà làm cho cháu nên có những chiếc áo được làm từ mùa này sang mùa khác mới xong. Nên với tôi, áo chần bông không chỉ có giá trị ứng dụng mà còn là chiếc áo nối tiếp giữa các thế hệ, là sự kết nối những sợi dây tình cảm của con người. Nhờ đó, mọi người cũng muốn lưu giữ chiếc áo này lâu hơn, tuổi thọ chiếc áo được tăng lên, nên một chiếc áo có thể đi theo cả đời người.

Khi theo đuổi thiết kế thời trang và gắn bó với chiếc áo này, tôi lại nhận ra, đây là chiếc áo không bị lỗi mốt, lỗi thời trong bất cứ dịp nào vào mùa Đông. Không chỉ vậy, những ai đã yêu thích chiếc áo này, càng mặc lại càng… nghiện vì đều cảm thấy phấn chấn, vui vẻ khi khoác áo lên mình và luôn muốn mặc lại.

NTK Trịnh Bích Thủy:  “Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người” - Ảnh 7.

* Vậy không biết trong tương lai, đâu sẽ là sản phẩm thời trang truyền thống mà chị muốn khai thác như áo chần bông?

- Tôi thích áo yếm, áo cánh (áo bà ba), áo dài và đặc biệt là áo chần bông. Trong đó, tôi nghĩ áo yếm với tạo hình hiện đại, không chỉ mang sự gợi cảm của người phụ nữ mà còn là chiếc áo được ưa chuộng theo dòng chảy thời gian nên có thể trong tương lai, đây sẽ là loại áo mà tôi muốn tìm hiểu để tiếp tục sáng tạo.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

BÀI TẾT - NTK Trịnh Bích Thủy: 'Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người' - Ảnh 8.

BÀI TẾT - NTK Trịnh Bích Thủy: 'Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người' - Ảnh 9.

BÀI TẾT - NTK Trịnh Bích Thủy: 'Áo chần bông - chiếc áo đi theo cả đời người' - Ảnh 10.

Vài nét về Trịnh Bích Thủ

Nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, Ngành công nghệ Dệt May và là cử nhân trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Thiết kế Thời trang. Chị theo đuổi thời trang với lý tưởng: "Nét văn hóa truyền thống là ngôn ngữ thời trang tinh tế và đặc sắc nhất để tạo nên phong cách".

Năm 2004, NTK Trịnh Bích Thủy nhận giải thưởng danh giá ASIAN FASHION AWARD VIETNAM do Mercedes - Benz tổ chức. Năm 2005, chị đạt giải Nhì trong cuộc thi Thiết kế thời trang Xuân - Hè ĐẸP fair 2015 trong Triển lãm quốc tế và mỹ phẩm, thời trang và quà tặng do Tạp chí Đẹp tổ chức. Năm 2011, chị tổ chức triển lãm đầu tiên các thiết kế của mình.

Lam Anh

Link gốc: TTVH