Ca khúc 'Heart of Glass' của Blondie: Nổi loạn cưỡi trên làn sóng mới

Ban nhạc rock lừng danh Blondie đã viết Heart of Glass vào những ngày họ còn chơi punk khi mới bắt đầu sự nghiệp. Họ gọi ca khúc bằng nhiều cái tên như The Disco Song hay Once I Had a Love nhưng loay hoay trong một thời gian dài, tới tận phiên thu album Parallel Lines năm 1979, mới biết chính xác phải hoàn thiện nó thế nào.

Cần không ít dũng cảm để Heart of Glass ra đời. Sự đổi mới táo bạo của ca khúc đã mang tới thành tựu bước ngoặt cho Blondie nhưng đồng thời cũng khiến họ bị một số bạn bè quay lưng.

Khởi đầu thô mộc

Vào tháng 2/1979, Blondie cuối cùng cũng vươn lên dẫn đầu BXH khi Heart of Glass trở thành quán quân đầu tiên của họ tại Anh. Ca khúc cũng đứng đầu tại một số quốc gia khác, bao gồm Mỹ. Tất cả làm nổi bật vị trí xứng đáng của giọng ca Debbie Harry và tay guitar Chris Stein của nhóm trên đỉnh của làn sóng mới và là bằng chứng về chặng thám hiểm mạo hiểm và rời xa punk của họ.

Heart of Glass là giai điệu đại điện cho Blondie và là bước chuyển quan trọng của họ từ sân khấu punk New York lên vị trí hàng đầu phong trào làn sóng mới và hơn thế. Đó là ca khúc chứng kiến họ leo vũ bão trên các BXH, khẳng định vị trí của họ trong biên niên sử nhạc rock and roll - dù kèm theo đó là sứt mẻ tình cảm.

Ca khúc 'Heart of Glass' của Blondie: Nổi loạn cưỡi trên làn sóng mới - Ảnh 1.

Các thành viên nhóm Blondie

Phát hành dưới dạng đĩa đơn thứ 3 cho album năm 1978 Parallel Lines, Heart of Glass là tác phẩm kinh điển được các đài phát thanh chào đón tức thì. Đó là bước đột phá đầu tiên vào ý thức hệ đám đông khi ca khúc giúp Blondie, mà nhất là giọng ca chính Harry, trở thành biểu tượng của thập kỷ mới sắp tới gần.

Sức mạnh punk nhức nhối phát ra từ phiên giai điệu của tay trống Clem Burke tạo ra nhiều rung cảm nhưng chính giọng của Harry cùng những đoạn solo đậm chất disco của Stein mới là điều tạo ra bước vọt của Blondie. Ca khúc báo hiệu một tương lai tươi sáng cho nhóm nhưng nó thật sự sinh ra từ quá khứ xa xưa.

Harry và Stein viết phiên bản Heart of Glass đầu tiên vào quãng năm 1974 - 1975, trong những ngày đầu thành lập nhóm, và gọi nó là Once I Had a Love. Phiên bản này lần đầu được thu âm bản demo vào năm 1975. Khi đó, ca khúc có âm thanh chậm hơn, nhộn hơn với nhịp disco cơ bản. Đó là lý do họ còn gọi nó là The Disco Song (Ca khúc disco).

Trong một lần phỏng vấn, Harry tiết lộ rằng nền tảng của Heart of Glass ngay từ đầu đã khá tốt, "nó vẫn được giữ theo cách đó tới năm 1875 khi chúng tôi bắt đầu thu âm". Tuy nhiên, giọng ca cũng cho biết ca khúc suýt không được ra lò vì: "Mọi người khó chịu khi tôi hát chữ "ass" (mông). Có thể bởi nó là từ 3 âm tiết chứ không phải 4? Tôi nghĩ chúng tôi bị cấm ở vài nơi là vì thế. Lúc đó chúng tôi rất thô mộc và tối giản".

Ca khúc “Heart of Glass” của Blondie

"Chúng tôi đang sống trong một căn gác xép ở khu Bowery khét tiếng hồi đó ở New York, tập luyện vào ban đêm trong căn phòng lạnh tới mức chúng tôi phải mang găng tay" - Harry nói thêm - "Heart of Glass là một trong những ca khúc đầu tiên mà Blondie viết, nhưng phải mất rất nhiều năm trước chúng tôi thu âm nó thích hợp. Chúng tôi đã thử ghi theo phong cách ballad, rồi reggae nhưng không đạt hiệu quả. Thời điểm đó, nó còn không có tiêu đề. Chúng tôi đơn giản gọi nó là "ca khúc disco"".

"Ca từ chẳng về ai cụ thể cả" - cô tiếp tục - "Chỉ là những tiếng rên rỉ ai oán về tình yêu đã mất. Lúc đầu, ca khúc là: "Khi tôi có được một tình yêu, nó như là khí. Chẳng mấy chốc, nó hóa thành nỗi đau trên mông". Nhưng chúng tôi không thể hát vậy mãi được, nên đổi thành: "Chẳng mấy chốc, nó hóa thành trái tim thủy tinh"".  Dù đã thay đổi như vậy nhưng Heart of Glass sẽ vẫn gây tranh cãi lớn khi ra mắt.

"Rất nhiều người chúng tôi chơi cùng và thân thiết trong giới nhiều năm nói rằng chúng tôi là kẻ phản bội khi làm một ca khúc disco" - Debbie Harry, thành viên Blondie.

Nhiều bước đi can đảm

Trong các buổi tập trung thu âm album Parallel Lines vào cuối năm 1977, Blondie - khi đó gồm Harry, Stein, trống Clem Burke, keyboard Jimmy Destri, guitar Frank Infante và bass Nigel Harrison - đã trình diễn cho nhà sản xuất Mike Chapman mọi ca khúc mà họ có.

"Hầu hết ý tưởng là các ca khúc chưa hoàn thiện mà tôi cần phải giúp họ cải biên và hoàn thiện cơ bản" - Chapman cho biết.

Ông nói tiếp: "Một trong những bản demo là ca khúc có tên Once I Had a Love. Nó mang âm hưởng reggae. Tôi nói với họ rằng tựa đề quá dài và gợi ý họ gọi nó là Heart of Glass, vốn là 1 dòng trong điệp khúc. Tôi nghĩ ca khúc rõ ràng sẽ thành hit nếu được cải biên đúng đắn. Chúng tôi dành ngày đầu buổi tập để cải biên lại nó và tôi quyết định nó nên mang rung động Donna Summer, điều mà Debbie (Harry) hài lòng. Cô ấy hâm mộ Donna Summer".

Hoan nghênh Blondie khi dám mạo hiểm vượt ra ngoài ranh giới nhạc punk!

Ca khúc 'Heart of Glass' của Blondie: Nổi loạn cưỡi trên làn sóng mới - Ảnh 4.

Debbie Harry (phải) và Chris Stein

Có thể là ca khúc tới từ ký ức về những ngày đầu nhưng Heart of Glass với âm thanh disco đặc trưng sẽ không bao giờ thành công nếu thiếu vài năm kinh nghiêm với nhạc điện tử sau này của nhóm. Đó là khi bộ tổng hợp vào cuộc, với tất cả những thiết bị nhỏ và máy nhịp, như Harry nói.

"Việc đồng bộ hóa (bộ tổng hợp và trống máy) là vấn đề lớn khi đó" - Stein cho biết - "Tất cả đều phải làm thủ công, từng nốt và nhịp phải chơi thật chứ không phải được nhân lên. Trên các bản disco cũ, trống bass luôn phải thu âm riêng, nên Clem đã phải đạp chân liên tục trong 3 tiếng cho tới khi có được bản thu hài lòng".  

Thêm một bước tiến lớn khi Heart of Glass đưa bộ tổng hợp vào giới underground!

Với tất cả những điều trên - bước đi mới trong quá trình sáng tác của Blondie, nhịp disco, thay đổi mô hình guitar, nhạc cụ mới, sự chau chuốt của Mike Chapman, giọng hát tuyệt vời của Harry - đã khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Heart of Glass là một giai điệu đẹp đẽ và thanh tao, pha trộn giữa underground với chính thống và đưa Blondie trở thành cái tên quen thuộc với công chúng nói chung.

Nhưng những người mê punk thuần túy không hài lòng. Trong cuốn sách năm 1982, Making Tracks, viết cùng Stein và Victor Bockris, Harry chỉ thẳng ra: "Khi chúng tôi thực hiện Heart of Glass, chơi disco không phải chuyện ngầu trong giới của chúng tôi, nhưng chúng tôi làm vậy vì chúng tôi không muốn ngầu. Rất nhiều người chúng tôi chơi cùng và thân thiết trong giới nhiều năm nói rằng chúng tôi là kẻ phản bội khi làm một ca khúc disco".

Bất chấp, Harry nói tiếp: "Thật lố bịch hết sức. Tôi luôn bực mình khi mọi người cả gan giả vờ ngu ngốc như vậy. Chúng tôi đã có ý thức tìm kiếm kiểu âm thanh có thể tiến vào đài phát thanh Mỹ, và Heart of Glass là một trong những bản thu sáng tạo nhất của Blondie. Lý do nó trở thành hit là bởi nó là một ca khúc hay".

Và lịch sử đã chứng minh điều Debbie Harry nói là hoàn toàn đúng!

Vài nét về Blondie và "Heart of Glass"

là ban nhạc rock thành lập tại New York, Mỹ năm 1974. Họ là những người tiên phong trong bối cảnh làn sóng mới tại Mỹ vào giữa thập niên 1970 ở New York. Hai album đầu nặng yếu tố punk và làn sóng mới nên dù thành công ở Anh và Mỹ, Blondie vẫn được là ban nhạc underground. Tất cả chỉ thay đổi khi Parallele Lines ra mắt. Blondie từng tan rã vào năm 1982 nhưng đã tái hợp vào năm 1997 và hiện vẫn hoạt động. Họ đã bán được hơn 40 triệu đĩa trên thế giới. Album mới nhất của nhóm là Pollinator, phát hành năm 2017.

Riêng Heart of Glass, tới nay, ca khúc vẫn chứng minh được tính bền vững của mình khi được Rolling Stone xếp thứ 138 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Slant Magazine xếp ca khúc đứng thứ 42 trong danh sách Những ca khúc dance vĩ đại nhất mọi thời đại còn Pitchfork cho đây là ca khúc hay thứ 18 của thập niên 1970. Trong danh sách những đĩa đơn bán chạy nhất nước Anh, Heart of Glass đứng thứ 66 khi bán được 1,32 triệu bản. Ca khúc cũng được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy năm 2015.

Link gốc: TTVH