Cà phê đầu tuần: Cây cầu vô dụng và V League trong nghi ngờ
Sau trận Nam Định thua Công An Hà Nội một cách bất thường ở V League, hội CĐV Nam Định phẫn nộ đến mức đã tuyên bố giải thể, vì cảm thấy tình yêu bị phản bội.
Cây cầu vô dụng và V League trong nghi ngờ
Tại khu vực sông Choluteca (Honduras), có một cây cầu khổng lồ từng là niềm tự hào của cả đất nước, nhưng giờ lại trở thành "cây cầu vô dụng nhất thế giới".
1. Khu vực này chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai, và năm 1996, chính quyền Honduras cho xây cây cầu với kỳ vọng rằng nó sẽ chống chọi lại được với thời tiết cực kỳ khắc nghiệt ở đây. Sau 2 năm, công trình được khánh thành và vào thời điểm ấy, nó được mệnh danh là một "kỳ quan công nghệ". Cây cầu là công trình được cho là hiện đại bậc nhất, có thiết kế đẹp và kỹ thuật tinh xảo.
Nhưng sau khi nó hoàn thiện, thì một cơn bão cấp 5 đã quét qua khu vực sông Choluteca. Nó khiến lượng mưa đổ xuống đây tăng khủng khiếp, chỉ trong 4 ngày đã tương đương với lượng nước sông Choluteca nhận được trong nửa năm. Trận bão khiến 11 ngàn người ở Honduras thiệt mạng, và điều đáng nói là nó làm thay đổi hoàn toàn dòng chảy của sông Choluteca.
Cây cầu, đúng như biệt danh của nó, quá vững chắc và không hề bị suy suyển, nhưng việc cơn bão nắn lại dòng chảy của sông Choluteca đã dẫn đến hậu quả là sau bão, cây cầu không còn bắc qua sông nữa. Chỗ nó đứng giờ bị cô lập: không có đường vào, chẳng dẫn đến đâu. Và từ một công trình vĩ đại, nó biến thành thứ vô dụng.
Câu chuyện này nổi tiếng đến nỗi thành ngữ tiếng Anh sau này có câu: "Don't be the Choluteca Bridge" (Đừng trở thành cầu Choluteca), ám chỉ rằng những thứ hoành tráng đến đâu cũng có thể trở thành vô dụng nếu không thích ứng với hoàn cảnh.
Nói cách khác, mọi nỗ lực có thể trở thành vô ích nếu thiếu đi một yếu tố quyết định. Cây cầu vững chắc, hiện đại đến đâu cũng có thể trở thành vật trang trí, nếu chỗ đứng của nó không còn nữa.
2. Sau trận Nam Định thua Công An Hà Nội một cách bất thường tháng Tám vừa qua, hội CĐV Nam Định phẫn nộ đến mức đã tuyên bố giải thể, vì cảm thấy tình yêu bị phản bội. "Suốt một tuần, chẳng có cuộc điện thoại giải thích nào.
Văn phòng công ty Cổ phần bóng đá Thép Xanh Nam Định và văn phòng hội CĐV bóng đá Nam Định cách nhau mấy trăm mét nhưng họ cũng không sang. Không một cuộc gặp, không lời giải thích" – một thành viên Ban chấp hành hội CĐV Nam Định nói trên tờ VTC.
Lý do là cánh tay đưa ra thừa thãi của cầu thủ Ngô Đức Huy, dẫn đến bàn thắng quyết định. Sau hơn hai thập kỷ lên chuyên, dù bao nhiêu tiền đã đổ vào và biết bao thay đổi đã đến, một câu hỏi rất cũ lại dấy lên: trận đấu ấy có tiêu cực không?
Ngay sau trận đấu đầy nghi vấn của Nam Định, trận Bình Dương – TP HCM cũng diễn ra với kịch bản đã được đoán trước: hai đội cù cưa giành một trận hòa để đẩy SHB.Đà Nẵng xuống hạng.
Nhưng vấn đề ở đây là niềm tin: bạn thử tưởng tượng nếu một sai lầm tương tự những gì diễn ra ở trận Nam Định mà xảy ra tại Premier League, các khán giả sẽ vô tư nghĩ rằng đó là một sai lầm. Nếu chuyện hai đội bắt tay nhau để cùng trụ hạng diễn ra tại nước Anh, người ta sẽ tặc lưỡi bàn về chuyện họ đã toan tính như thế nào để tránh xuống hạng.
Nhưng ở Việt Nam, mỗi khi chúng xảy ra, thì câu hỏi về tiêu cực lại lởn vởn trong đầu. Liệu bàn thua ấy là do trình độ của cầu thủ, hay thứ gì đó sâu xa hơn? Liệu hai đội hòa nhau trong một kịch bản đẹp cho cả hai, hay còn vướng mắc gì khác trong đó?
3. Nếu là một khán giả bình thường, bạn không thể xem V-League với sự vô tư đơn thuần nữa. Các CĐV Nam Định đã mệt mỏi với điều này, và họ chọn rút lui: không thể xem bóng đá mà cứ phải tự kỷ ám thị để xua đi ý tưởng rằng sai lầm này không phải vô tư, và đội bóng họ yêu không xem khán giả ra gì.
Suốt hơn 20 năm, rất nhiều người đã cố gắng xây dựng V-League, chăm chút phong cách, nâng cao đời sống cầu thủ, cho đến tuyên truyền về mặt hình ảnh. Cho đến giờ, chúng ta đã có những trận đấu quyết liệt, thu hút khán giả đến sân, và có chất lượng chuyên môn cao.
Nhưng những người xây cầu này có khả năng vẫn chỉ tạo ra một cây cầu Choluteca. Bất chấp mọi chi tiết có hoàn hảo đến đâu, thì vẫn có một thứ chưa bao giờ hoàn toàn biến mất: những nghi ngờ. Liệu trận đấu này có đơn thuần vì toan tính chuyên môn không? Liệu cầu thủ kia có đơn thuần là vừa phạm sai lầm không?
Cây cầu vẫn ở đó, nhưng nó chẳng dẫn đến đâu cả. Không có niềm tin của khán giả, đấy không thể là bóng đá chuyên nghiệp được.