Mạch ngầm văn hóa Việt trong nghệ thuật thư pháp sáng tạo của "Ông đồ 4.0": Nhiều lần phải bật khóc vì bán chữ và nỗi lo... lỗ vốn nhưng chưa một giây muốn từ bỏ!
Dành tình yêu trọn vẹn với thư pháp truyền thống, "ông đồ thời đại 4.0" Đỗ Nhật Thịnh hy vọng sẽ mang loại hình nghệ thuật này đến với nhiều người trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Thư pháp từ xưa đã là một thú chơi tao nhã đầy trí tuệ và nghệ thuật cao siêu, lắng đọng hồn cốt của con người. Thú chơi này lúc đầu mới chỉ lưu hành trong nội bộ các bậc túc nho “Văn hay chữ tốt”. Sau nghệ thuật Thư pháp ngày càng được nhiều người hiểu biết, càng đông người hâm mộ, thu hút khá nhiều các bậc văn sĩ và đông đảo những người yêu chữ nghĩa.
Ngày nay, nghệ thuật thư pháp thường được tái hiện vào các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc với hình ảnh ông Đồ bên bút lông và giấy đỏ. Có lẽ ai cũng từng được nghe qua bốn câu thơ nổi tiếng về "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên:
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua"
Là một người có niềm đam mê to lớn với thư pháp, yêu văn hóa và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Đỗ Nhật Thịnh (24 tuổi, quê Đà Nẵng, ngụ tại TPHCM) đã theo đuổi thư pháp Việt hơn 14 năm và trở thành gương mặt nổi bật, có tiếng tăm trong lĩnh vực này.
Anh Đỗ Nhật Thịnh - Hiện đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Cổ phần nghệ thuật Viet Art Group.
Bén duyên với thư pháp từ năm 6 tuổi, mong muốn khôi phục một nét đẹp văn hóa Việt trước sự mai một của thời gian
Niềm đam mê với thư pháp bắt đầu nhen nhóm từ khi Đỗ Nhật Thịnh học lớp 1, khi thấy những nét chữ Việt trên những tờ báo, tờ lịch được viết uốn lượn bằng bút lông, mực tàu vô cùng uyển chuyển, Thịnh đã vô cùng tò mò, muốn được tìm hiểu thử bộ môn nghệ thuật này. Càng tìm hiểu sâu, anh chàng càng thích thú và nhận ra được giá trị của những kiệt tác nghệ thuật truyền thống do ông cha ta để lại.
Nhớ lại quãng thời gian chập chững tập viết thư pháp, anh cho biết lúc bấy giờ bộ môn này chưa phổ biến, các dụng cụ như bút vẽ, màu mực còn thiếu thốn, nhưng với sự học hỏi nghiêm túc, Nhật Thịnh đã phải "tự chế" bút lông, mực vẽ để tập viết.
Nhật Thịnh dành niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật viết thư pháp.
"Hồi đó mình còn rất nhỏ, việc cầm bút còn chưa vững, nhưng hơn hết là mình gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính nên mình dùng lông của một số con vật để kết lại, dùng hồ dán gắn chúng lại. Sau đó, buộc vào thanh tre để tạo thành chiếc bút. Để có mực viết, mình hái những quả mồng tơi chín có màu tím để giã ra và hòa chung với nước tạo thành mực", Thịnh tâm sự.
Để theo đuổi niềm đam mê của mình, Nhật Thịnh bắt đầu tự học qua hình ảnh, nét chữ ở các trang lịch treo tường. Anh chủ động tìm tòi, góp nhặt kinh nghiệm từ người đi trước. Đồng thời luôn lắng nghe những chia sẻ từ mọi người để học hỏi cách phối màu, bố cục ra sao cho chắc chắn.
"Đối với mình, mỗi người chỉ dạy lại giúp nét bút của mình thêm phần sinh động và đặc sắc".
Quyết định theo học trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã giúp Nhật Thịnh trang bị được nền tảng vững chắc về mỹ thuật, định hình niềm đam mê mà anh đang theo đuổi. Cũng tại đây, anh chàng tôi luyện cho bản thân một cái tâm sáng, ấp ủ việc đưa thư pháp Việt Nam phát triển hơn trong tương lai.
"Nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật tạo hình con chữ bằng cách viết. Nét chữ thể hiện nết người. Rèn thư pháp chính là rèn nhân cách. Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn dũa tâm hồn.
Còn người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau chuốt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ngày ngày ra vào thấy chữ là ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng... đó là một trong nhiều cách học làm người. Đây cũng là một thú chơi tao nhã đáng trân trọng, thể hiện tâm, khí, ý, lực của người dụng bút vừa là cách tạo nên "cái hồn" của câu chữ, tôn vinh giá trị của tiếng Việt". Nhật Thịnh chia sẻ.
Ông đồ thời đại 4.0 với chất riêng trong sự sáng tạo các tác phẩm
Theo dòng chảy của thời gian, phong trào viết thư pháp chữ Việt dần trở nên ít phổ biến hơn. Một trong những lý do là chữ viết kiểu thư pháp không còn cuốn hút vì sự quan tâm của giới trẻ hiện nay đang hướng nhiều về sự đổi mới, khác lạ . Chính điều đó đã giúp Nhật Thịnh nhận ra rằng, phải thay đổi cách thể hiện của thư pháp gắn với sự phát triển của công nghệ, thì mới có thể thu hút người trẻ.
Không đơn thuần là vẽ thư pháp bằng mực tàu giấy đỏ, Nhật Thịnh đã sử dụng chất liệu mới như giấy bồi lụa, giấy bo cứng, gỗ, vải, đá, kính để tạo sự phong phú và đa dạng.
Để thu hút và phù hợp hơn với thời đại, anh chàng còn ứng dụng nghệ thuật thư pháp vào các loại hình biểu diễn có sự kết hợp với âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng LED để tăng sự mới mẻ, giúp thư pháp trở thành môn nghệ thuật để xem mà còn để nghe và hiểu bằng các giác quan, cảm đặc biệt hơn.
Anh chàng kết hợp thư pháp với nghệ thuật biểu diễn cùng hiệu ứng sân khấu, âm thanh, ánh sáng.
"Ngày xưa khi được học bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, mình cảm nhận được sự ngậm ngùi, tiếc nuối của tác giả về thực trạng của nghề Thư Pháp lúc bấy giờ. Hình ảnh đẹp đó dần dần biến mất. Ông đồ vẫn ở đó vào mỗi dịp Tết đến nhưng thay vào đó là sự thờ ơ của người đời vì người ta không còn sự mặn mà với nét đẹp nghệ thuật này nữa.
Đó có thể gọi là sự thất thế của những ông đồ trước sự thay đổi của thời đại. Điều này đã cho mình một bài học rằng cần phải đứng lên bảo vệ những giá trị tốt đẹp của văn hoá, truyền thống để viễn cảnh đó không còn phải lặp lại, để chúng ta không còn luyến tiếc nữa".
Nhật Thịnh từng có cơ hội học hỏi tại các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Pháp, Australia… Anh chàng tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn thư pháp, các chương trình, triển lãm tặng chữ trong nước và ở nước ngoài. Một số tác phẩm nghệ thuật thư pháp của Thịnh được lưu giữ, để lại hình ảnh văn hóa Việt Nam tại nước bạn. Nhật Thịnh cho biết đây là động lực rất lớn giúp bản thân không ngừng học hỏi, chia sẻ những giá trị truyền thống, những cái hay của nền thư pháp Việt đến với công chúng.
Sau nhiều năm tôi luyện, anh cho rằng thư pháp là một môn nghệ thuật cần thời gian dài để rèn luyện và có niềm đam mê mãnh liệt.
"Tuỳ vào cảm nhận của mỗi người sẽ có cảm xúc, suy nghĩ và nhìn nhận khác nhau, là một người yêu chữ, mình sẽ luôn cố gắng hướng con chữ của mình đến cái tính Chân - Thiện - Mỹ.
'Chân' là chân thực, tức là những con chữ đầu tiên nó phải đúng trước đã. Sau đó mới đến 'Thiện' là những lời hay ý đẹp, những điều răn dạy của ông cha mình. Rồi mới đến cái 'Mỹ', đó chính là những nét đẹp, bố cục, nói lên khả năng hội hoạ và nét bút của người viết.
Đối với Thư Pháp Nhật Thịnh, mỗi con chữ mình viết ra dù đơn giản hay kì công thì mình đều đặt vào đó cái tâm của người cầm bút, người yêu chữ, người yêu cái nét đẹp truyền thống của văn hoá Việt". Nhật Thịnh tâm sự.
Chuyện giữ nghề: Nhiều lần phải bật khóc vì bán chữ và nỗi lo... lỗ vốn
Mỗi dịp lễ Tết, Nhật Thịnh đều tham gia viết thư pháp chữ Việt tại những nơi dành riêng cho các ông đồ. Anh không ngừng học hỏi để mang thư pháp đến với công chúng theo những cách riêng, qua những sự kiện lễ hội lớn và chương trình cho tặng chữ.
Sử dụng chủ đề chính là "Phúc" và "An" xuyên suốt các tác phẩm trong dịp Tết Quý Mão 2023, Nhật Thịnh đã thiết kế những chiếc lộc duyên, bao lì xì đỏ được vẽ tay từ nhũ vàng, các món đồ lưu niệm được vẽ thủ công trên vải lụa bồi gấm để thêm phần đa dạng. Ngoài ra, những sản phẩm thư pháp khác như móc khóa, vòng tay… cũng được nhiều người chọn mua làm vật cầu may dịp năm mới.
"Năm nay mình làm gần 100 bức tranh nhưng dường như nhu cầu của người tiêu dùng không nhiều. Điều này cũng làm mình khá lo lắng, nhưng dù vậy, mình vẫn cố gắng sáng tác hết mình, đặt tất cả niềm đam mê, tâm huyết vào từng tác phẩm để mang đến giá trị tốt đẹp cho mọi người".
"Phúc" và "An" là chủ đề Nhật Thịnh sử dụng xuyên suốt các tác phẩm trong dịp Tết Quỹ Mão 2023.
Những tác phẩm của anh không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm đưa nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với giới trẻ.
Miệt mài theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần mai một trong đời sống hiện đại không phải là điều dễ dàng bởi công việc chính của Nhật Thịnh là họa sĩ thiết kế, nhiếp ảnh gia. Vì thế, trước câu hỏi đã từng nghĩ đến việc dừng lại, Nhật Thịnh không kiềm được sự xúc động.
"Thư pháp không phải là công việc chính để mình nuôi sống bản thân nhưng cũng giúp mình có thêm chi phí trang trải một phần cuộc sống. Có nhiều lúc mình cảm thấy khá mệt mỏi, khó khăn và bế tắc vì công việc, tài chính và nhân lực. Tuy nhiên, quan trọng nhất, thư pháp là đam mê nên mình luôn cố gắng để duy trì điều này".
Thư pháp Việt đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt tinh thần cần được phát huy, bởi nếu biết khai thác và sáng tạo thì chữ Việt rất đẹp và rất có hồn. Nhật Thịnh hy vọng rằng việc chơi thư pháp, thưởng ngoạn thư pháp chữ Việt không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà còn là sự hiện diện có ý nghĩa của một môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Sang năm 2023, Nhật Thịnh hy vọng có thể kết hợp thư pháp với các hợp loại hình biểu diễn khác mới mẻ và đa dạng hơn, đáp ứng được thị hiếu của công chúng Việt cũng như lan tỏa thư pháp Việt Nam đi xa hơn nữa.