Hoạt động nổi bật của đoàn Việt Nam tại Phiên họp lần thứ 64 của Đại hội đồng WIPO
Từ ngày 6 - 14/7, tại Geneva, Thụy Sĩ, Phiên họp lần thứ 64 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã diễn ra trọng thể tại Trụ sở WIPO và đây là hoạt động quan trọng nhất của WIPO trong năm với nhiều nội dung quan trọng.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang làm Trưởng đoàn đã tham dự Khóa họp lần thứ 64 Đại hội đồng thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva, Thụy Sỹ.
Khóa họp năm nay của Đại hội đồng WIPO ghi nhận sự tham dự của một số Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ Trưởng Phái đoàn đại diện các nước tại Geneva, và Ban Lãnh đạo WIPO, đại diện của các quốc gia thành viên WIPO. Ngoài ra, tham dự Phiên họp còn có đại diện một số tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quan sát viên. Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO do ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn, với các thành viên gồm Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, lãnh đạo và cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại hội đồng năm nay diễn ra dưới sự chủ trì của bà Tatiana Molcean, Trưởng phái đoàn đại diện Moldova tại Geneva. Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Phiên khai mạc có Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva; ông Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và một số cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ.
Phát biểu chào mừng tại Phiên khai mạc, ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO hoan nghênh sự tham dự của tất cả đoàn đại biểu quốc gia thành viên và các quan sát viên. Ông cho biết, theo thống kê của Ban thư ký WIPO, Phiên họp năm nay ghi nhận sự tham dự của khoảng 1.200 đại biểu từ 193 quốc gia thành viên của WIPO, con số cao nhất trong lịch sử của WIPO.
Ông Daren Tang cũng nhấn mạnh việc Bản Kế hoạch Chiến lược trung hạn giai đoạn 2022-2026 (MTSP 2022-2026) của WIPO tiếp tục hướng tới triển khai các dự án nhằm kết nối sở hữu trí tuệ với tất cả các đối tượng trên khắp thế giới, đồng thời hướng tới việc giải quyết các thách thức toàn cầu và Mục tiêu Phát triển Chiến lược của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Ngoài ra, Tổng Giám đốc WIPO cũng kêu gọi nỗ lực của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy các vòng đàm phán của hai văn kiện quốc tế là Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp (DLT) và văn kiện về nguồn gen và tri thức truyền thống để có thể đi đến việc triệu tập Hội nghị ngoại giao trong giai đoạn 2024-2025 như Đại hội đồng WIPO 2022 đã quyết định.
Tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam có bài phát biểu trong phiên khai mạc và chia sẻ những kết quả tích cực của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam thời gian qua, như đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26.4.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gia nhập 4 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trong giai đoạn 2021-2023 (tính đến nay Việt Nam đã gia nhập 15 điều ước quốc tế do WIPO quản lý).
Những kết quả trên có được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đồng thời là sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả, tích cực của WIPO. Đoàn Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với WIPO cũng như với các quốc gia thành viên khác nhằm thúc đẩy việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một công cụ để tạo ra việc làm, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh doanh và phát triển kinh tế.
Trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng WIPO có các điểm nhấn quan trọng như sửa đổi quy tắc chung về thủ tục của WIPO và quy tắc đặc biệt về thủ tục của các cơ quan chủ quản WIPO, thông qua báo cáo kiểm toán, giám sát, thông qua báo cáo của các ủy ban WIPO… và nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong khuôn khổ hoạt động của Đoàn công tác, ngoài việc tham dự một số Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng WIPO, Đoàn có các hoạt động tiếp xúc song phương, có buổi làm việc với Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, WIPO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva và tham quan một số mô hình bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý tại Thuỵ Sỹ.
Trong thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng WIPO, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã có các buổi tiếp xúc và làm việc với các các lãnh đạo cấp cao của WIPO gồm ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO vào ngày 11/7 để thông tin về kết quả đã đạt được của Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, công tác quản lý, thực thi chính sách pháp luật, đồng thời cũng bày tỏ sự sẵn sàng đón tiếp ông Daren Tang, khi ông có kế hoạch đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2024; tiếp và làm việc với bà Gao Hang, Giám đốc bộ phận phát triển bản quyền lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và bản quyền vào ngày 12/7 và có đề nghị tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Cục Bản quyền tác giả trong việc truyền thông chính sách, hợp tác tổ chức các diễn đàn, hội thảo, hội nghị quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; quan tâm tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, quan tâm thúc đẩy các chương trình phát triển sáng tạo công nghiệp văn hóa tại Việt Nam…; tiếp và làm việc với đội ngũ chuyên gia "Dự án nghiên cứu các phương pháp quản lý tập thể tốt nhất" của WIPO vào ngày 13.7.2023 và tiếp xúc, làm việc với ông Andrew Michael Ong, Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của WIPO vào ngày 14/7
Sau chín ngày làm việc liên tục, phiên họp Đại hội đồng WIPO đã thông qua nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng cho hoạt động của WIPO nói chung và các quốc gia thành viên của WIPO trên toàn thế giới. Chương trình nghị sự lần thứ 64 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã thành công tốt đẹp và mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phối hợp giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên với WIPO trong thời gian tới.