Chuyện chưa kể về 100 năm mỹ thuật Đông Dương
Cuốn sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương (L'Art Moderne En Indochine) của nhà nghiên cứu người Pháp Charlotte Aguttes-Reynier (Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris) đã mang tới những hình dung toàn cảnh về lịch sử Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 đến 1945. Buổi ra mắt cuốn sách đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 11/1 và dự kiến tiếp tục diễn ra tại TP.HCM vào ngày 16/1 tới.
Ngoài thể hiện quá trình thành lập trường, sự hoạt động, thành tựu cho đến thế hệ các giảng viên, sinh viên ưu tú, cuốn sách còn gây chú ý khi hé lộ một phần tiểu sử và những tác phẩm hiếm có của các danh họa Việt Nam như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh…
Từ "Thưởng trà" của Lê Phổ…
Chia sẻ tại lễ ra mắt sách tại Hà Nội mới đây, tác giả Charlotte Aguttes-Reynier cho biết cơ duyên để bà có những nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể về mỹ thuật thời kỳ Đông Dương bắt đầu từ việc khám phá một kiệt tác nghệ thuật bị lãng quên vào thời điểm cách đây 10 năm.
Bà Charlotte kể: "Năm 2014, trong một lần gặp gỡ tình cờ vào một buổi tối mưa gió tại quận 17, thành phố Paris, tôi thấy mình đứng trước tác phẩm Thưởng trà của Lê Phổ, một bức tranh lụa tuyệt đẹp, với chất lượng rất cao. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về bức tranh này, về họa sĩ, sự nghiệp của ông… và tìm thấy niềm đam mê trong đó".
"Công việc nghiên cứu dẫn dắt tôi tìm kiếm, sau đó tiết lộ công khai những bằng chứng khó tin về tài năng của những nghệ sĩ đã từ rất lâu không được biết tới. Tôi yêu thích khám phá những tác phẩm bị lãng quên và mất dấu trong các bộ sưu tập tư nhân tại Pháp hoặc tại châu Âu. Những tác phẩm này đều mang một tâm hồn, một câu chuyện đáng kể" - bà Charlotte chia sẻ thêm - "Thông thường, chủ nhân của chúng đều có giao thiệp với các họa sĩ. Họ chào đón tôi đến với tư gia của họ và chia sẻ cho tôi những kỷ niệm mà tôi cố gắng truyền tải một cách trung thực nhất có thể".
Kể từ năm 1995 đến nay, Charlotte đã có gần 30 năm làm việc tại công ty của cha mình - ông Aguttes, người sáng lập nhà đấu giá Aguttes - 1 trong những nhà đấu giá lớn tại Pháp hiện nay.
Bà cho biết: "Trong 9 năm qua, tại Aguttes đã có khoảng hơn 150 tác phẩm của Lê Phổ, hơn 150 tác phẩm của Mai Trung Thứ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm được mang tới cho tôi giám định và bán đấu giá. Một cách tự nhiên, qua những phiên đấu giá và qua những cuộc gặp gỡ với các mối quan hệ thân thiết, hoặc với gia đình của các nghệ sĩ, tôi đã tích lũy được thêm nhiều kiến thức về sự nghiệp của họ".
Năm 2019, Charlotte sáng lập Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris. Đây là một hội học thuật nhằm mục đích làm sáng tỏ và thúc đẩy tri thức về sự nghiệp của những nghệ sĩ mang trong mình 2 nền văn hóa phương Đông và phương Tây.
Dấu mốc này đã thôi thúc Charlotte thực hiện một tác phẩm viết về Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945 với hy vọng chiếu sáng 20 năm then chốt của lịch sử nghệ thuật Đông Dương. Đó là lý do để Nghệ thuật hiện đại Đông Dương ra đời.
Charlotte bắt đầu soạn thảo danh mục tổng hợp các tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, 3 nghệ sĩ đã tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sáng tác hầu hết các tác phẩm của mình tại Pháp. Bà thu thập tất cả thông tin về những bức tranh của các nghệ sĩ và đặt vào 3 thư mục riêng biệt. Sau khi các tác phẩm được chọn lọc để xuất bản, bà tiếp tục tiến hành mô tả, đặt chúng vào bối cảnh, phân loại và lưu lại những bức ảnh chi tiết.
Theo Charlotte, đây là một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng trên hết là một công việc thú vị và có tổ chức. "Tôi mong muốn tập hợp ở đây những câu chuyện, những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc, và cả những nhân vật. Đó là những cuộc hạnh ngộ tuyệt vời tại Pháp, Việt Nam, tại châu Âu hoặc tại Mỹ".
Kể từ năm 2013, Charlotte Aguttes-Reynier đã nghiên cứu, thúc đẩy, mua bán các tác phẩm của những nghệ sĩ đến từ châu Á. Bà góp phần vinh danh khoảng 70 nghệ sĩ, giám định và bán đấu giá khoảng 1.000 tác phẩm hội họa, sơn mài và điêu khắc (trong đó có hơn 115 tác phẩm của Mai Trung Thứ, khoảng 150 tác phẩm của Lê Phổ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm).
"Giải mã" những tài năng
Sử dụng 319 hình ảnh minh họa, phần nhiều là ảnh chụp các tác phẩm hội họa hiếm thấy, Nghệ thuật hiện đại Đông Dương còn hé lộ một phần sự nghiệp của những danh họa Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.
Thông qua những tác phẩm hội họa được giới thiệu và phân tích, tác giả Charlotte giúp độc giả có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm xuất sắc của giảng viên và sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà ít nhiều trong số đó chưa từng được công bố rộng rãi.
Như tác phẩm Chiếc lược trắng của Lê Phổ, Charlotte phân tích: "Nếu như hình tượng người phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của Lê Phổ, thì bức Chiếc lược trắng là một ngoại lệ. Chân dung người phụ nữ được vẽ bán diện, rất hiếm thấy trong các tác phẩm của ông, là minh chứng rõ ràng cho ảnh hưởng của phong cách phục hưng Ý đối với họa sĩ, sau chuyến du lịch đến thăm đất nước này của ông vào đầu những năm 1930".
Theo Charlotte, "Linh động cùng bề mặt chất liệu, Lê Phổ đã cho ra đời một kiệt tác của sự thanh lịch và tinh tế: Tấm lụa trong suốt choàng trên tay người phụ nữ tương phản với sắc đỏ trên trang phục của cô. Là điểm nhấn chói sáng không tỳ vết, chiếc lược được trang trí tỉ mỉ như một món đồ trang sức quý giá, chiếm vị trí trung tâm của bức tranh. Là tâm điểm của bố cục, chiếc lược tô điểm trọn vẹn làn tóc mây đen bóng của một vẻ đẹp ma mị, hoàn hảo và trường tồn cùng thời gian".
Cùng với đó, Charlotte đưa ra những "giải mã" về đề tài, phong cách với những diễn giải chi tiết thông qua tác phẩm cụ thể như những dẫn gợi cần thiết để người xem dễ dàng bước vào thế giới nghệ thuật của từng họa sĩ.
Cụ thể, khi nói về Lê Thị Lựu, Charlotte nhận xét: "Bà đặc biệt gắn bó chủ đề liên quan đến hình tượng người phụ nữ và những đứa trẻ cùng phong cảnh. Phong cách của bà rất riêng tư và khá cổ điển trong những năm đầu tiên, được ghi dấu bằng trường phái ấn tượng ở giai đoạn sau. Cảm xúc mạnh mẽ toát lên từ tác phẩm, nổi bật bởi sự dịu dàng của đường nét và màu sắc".
"Khác với những người đồng môn luôn thể hiện hình ảnh người phụ nữ trong vai trò truyền thống thường thấy - hình tượng người mẹ hoặc người thiếu nữ thanh lịch đang chơi nhạc, đọc sách - bà mang tới dấu ấn cá nhân khi vẽ họ trong khung cảnh mùa Xuân hoặc khi đang làm những công việc đồng áng".
"Dựa trên chất liệu sáng tác truyền thống của châu Á là lụa, Lê Thị Lựu sử dụng bột màu với những nét chấm phá nhẹ nhàng, đầy ngẫu hứng. Những sắc màu rực rỡ hiện lên dưới nét phẩy của cây cọ nhỏ và mảnh, mang âm hưởng của trường phái ấn tượng. Bảng màu phấn trong tranh của bà rất khác biệt so với tranh vẽ bởi các họa sĩ nam. Với các sắc độ khác nhau của xanh dương, xanh lá và hồng nhạt, Lê Thị Lựu đem lại sự dịu dàng và nhạy cảm độc đáo cho các tác phẩm của mình" - Charlotte nhận định.
Hoặc với họa sĩ Lương Xuân Nhị, Charlotte đánh giá: "Ông thường thể hiện trong các tác phẩm của mình một khung cảnh nông thôn và truyền thống với chủ nghĩa hiện thực mang đậm chất thơ. Kết hợp khéo léo giữa các kỹ thuật truyền thống của phương Đông và phương Tây, ông thường sử dụng tông màu nhẹ nhàng".
"Với nét vẽ tinh tế, ông tạo ra chiều sâu tuyệt vời cho các tác phẩm của mình. Đôi khi được gọi là "bậc thầy của màu xanh lá" vì cách thức ông sử dụng màu sắc này trong các bức tranh phong cảnh của mình, nhưng cũng có đôi khi là "họa sĩ của sắc đẹp" bởi tài năng vẽ chân dung những thiếu nữ trẻ đẹp, mà qua đó ông thể hiện sự gắn bó với các giá trị cổ điển của hội họa".
Cứ như vậy, trong Nghệ thuật hiện đại Đông Dương, Charlotte Aguttes-Reynier lần lượt đưa ra ánh sáng những nghệ sĩ đã bị lãng quên hoặc ít được biết đến trong một khoảng thời gian dài. Để rồi qua nghiên cứu của mình, Charlotte thực sự trả lại vinh dự xứng đáng cho từng nghệ sĩ, soi rọi nhiều khoảng tối đã che lấp sự phong phú và tầm quan trọng của họ trong giai đoạn 1925 - 1945 tại Đông Dương.
Một chuyên gia về "bộ tứ Paris"
Charlotte Aguttes-Reynier là chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á, giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP) kể từ năm 2019. Tại hiệp hội này, bà tập trung nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, về "bộ tứ Paris", đặc biệt là tác phẩm của Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.
Tại nhà đấu giá Aguttes, bà đã dành 10 năm cống hiến cho sự nghiệp của những nghệ sĩ thụ hưởng 2 nền giáo dục Trung Quốc/Pháp, hoặc Việt Nam/Pháp. Bắt đầu gia nhập công ty gia đình vào năm 1996, bà tập trung chuyên môn vào nghệ thuật hiện đại kể từ những năm 2000 và song hành cùng sự phát triển của ban nghệ thuật cổ điển.