'Dốc im lặng' - thơ của một họa sĩ
Gồm 55 bài thơ và 32 phụ bản tranh, Dốc im lặng (NXB Hội nhà văn ấn hành) là tác phẩm vừa ra mắt của họa sĩ - nhà thơ Trần Thắng. Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu cùng độc giả về bài viết của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về tác giả Trần Thắng và tập thơ này.
1. Nhiều năm trước, có một chàng họa sĩ trẻ đến văn phòng tôi uống rượu và nói chuyện về thơ. Thật không ngờ về tình yêu thơ và hiểu biết về thơ của chàng. Chàng họa sĩ ấy là Trần Thắng.
Trần Thắng học trường Mỹ thuật Công nghiệp nên nghiệp chính của chàng là thiết kế sách và vẽ bìa. Nghiệp ấy là nguồn sống của chàng và gia đình. Năm 2017, một tay chàng thiết kế và vẽ bìa 13 cuốn sách của tôi từ đơn đặt hàng của nhà sách Thăng Long. Có lẽ đấy là một kỷ lục. Nhờ kỷ lục này mà bộ sách lại có thêm một kỷ lục nữa là được ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào giữa năm ấy.
Vẽ bìa sách đã thành danh, nhưng Trần Thắng còn vẽ tranh. Những bức sơn dầu khổ lớn của Thắng đậm chất trừu tượng và biểu hiện trong sự biến ảo của màu và nét đã làm "bắt mắt" khá nhiều người chơi và sưu tập tranh.
Nhưng điều bất ngờ nhất ở Trần Thắng chính là năng lực thơ. Chơi và uống rượu với nhau đến độ thân quen, Trần Thắng mới đưa cho tôi một chùm thơ để chia sẻ. Tôi thật bất ngờ với sự bất ngờ này. Thơ chàng thấm đẫm chất quê nhưng giọng điệu lại rất phố, rất mới lạ. Tôi đã có cảm xúc với một trong những bài của chùm thơ là Tháng Mười quê để phổ nhạc. Ca khúc được phổ theo dòng dân gian đương đại và được ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện hết mình qua bản thu âm như một kỷ niệm giữa tôi và chàng.
Thấy được năng lực thơ của Thắng, tôi giục Thắng nên làm tiếp và đến lúc nào đó sẽ trình làng tập thơ của mình bên cạnh việc trình làng những bìa sách, những bức tranh. Nhưng Thắng lại rất dè dặt. Mãi đến khi đã qua "ngũ thập tri thiên mệnh", Thắng mới đưa cho tôi tập thơ của mình. Tập thơ khiến tôi đọc mê mải, đọc kỹ càng như một tri kỷ.
2. Đọc thơ Trần Thắng mới thấy chàng đi vào thơ thật dè dặt, khiêm nhường. Nếu thơ là một tổng phổ âm nhạc thì với tổng phổ này ở Trần Thắng, bộ gõ được tiết chế tối đa. Nếu dùng đến bộ đồng thì các cây kèn phải cắm giảm thanh. Chủ yếu là sự da diết của bộ dây và sự dìu dặt của bộ gỗ. Giọng điệu này rất thuận khi cảm xúc của Thắng thường hướng về quê hương, bản quán.
Đấy là tâm trạng của một cô lữ tìm về làng xưa ngày tất niên, muốn thốt lên một thương nhớ thật lòng mà cũng không thể thốt nổi vì đã trót mất đi "hương đồng gió nội" ở chốn thị thành. Đành da diết, dìu dặt bằng thành thực của mình: "Khói hương đẫm ướt vạt đê/ Nồi bánh chưng ủ bốn bề nhớ thương/ Củi lửa ấm chuyện cố hương/ Hơ tay chằng chịt những đường liêu xiêu…".
Đấy là "Tuổi thơ lặn ngụp phù du giỡn sóng/ đuổi nhau lăn lóc cải vàng/ thuyền giấy thả nhái xanh thủy thủ/ ngỡ chân trời thật gần…". Một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên "giàu trí tưởng bở" cho đến khi tuổi thơ chìm khuất sau tuổi tác mới "chợt ngộ chân trời là khát vọng/ đang cuộn sóng trong tôi".
Đấy là lúc nghẹn lòng áo cũ ở độ "tóc mây lẫn nhớ cửa đình góc rơm", mới thấy tất cả ham hố đều vô nghĩa "Tham vọng gục dưới chân/ gối mỏi phận người mỏng/ có lần ngã trên vạt cỏ này", mới nhận ra sự bao dung của quê hương, của người mẹ đầy thân phận, nỗi niềm: "Tóc in tuổi trắng mong manh/ Một đời quanh bếp tay thành củi khô/ Hoa cau rụng trắng giấc mơ/ Đêm qua mẹ khóc bơ vơ cha về".
Viết về quê, Trần Thắng có những câu thơ hay đến mức như không:"Người về mua lại nhỡ nhàng tuổi xuân" hay "Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người". Hoặc "Thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực/ dụ trai làng thiêu thân".
Thật hiếm ai tả vụ mùa quê sinh động như thế này: "Thóc tràn qua kẽ tay chảy trên vai trên tóc/ những trầy xước nhôn nhốt làn da/ những cánh đồng phơi lưng lột xác/ mong cơn mưa hồi sinh". Chính vì thế nên mới phẫn nộ, mới cám cảnh thực trạng quê đang dần mất: "Chuyển dịch đất sản xuất nông nghiệp/ nông dân chuyển nghề chưa phù hợp/ tái định cư cạn sạch tiền đền bù…". Thật xót xa nhân tình thế thái: "Ô-sin rên tình trên giường mợ chủ/ đêm đầy sao vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, nhà nghỉ/ ngày nhan nhản ngửa tay…" Và cuối cùng thật thê thảm: "Văng vẳng nhạc chế dỗ con vào giấc ngủ/ người mẹ gật gà quên mất lời ru".
Trần Thắng có những bài thơ tình khác biệt một giọng điệu riêng. Giọng điệu ấy hực lên một si mê ngỡ vô biên, ngỡ khôn cùng. Và bất cần: "Phanh ngực áo cạn chén đầy/ Cứ ngỡ môi em vùi lửa/ Ta dốc cạn im lặng/ Sao thịt da muốn thét muốn gào".
Ai đó nói: "Muốn biết người đàn ông ấy thế nào hãy ném anh ta vào một cuộc tình". Đúng thế. Trong trạng thái cực điểm của si mê, người đàn ông Trần Thắng đã bật ra thơ đúng với cái trạng thái không thể nào định nghĩa nổi. "Ta dốc cạn im lặng/ Sao thịt da muốn thét muốn gào". Trong trạng thái kìm nén tột bậc để không bị quyến rũ, không bị cuốn vào cơn lũ tình, thì chính sự kìm nén ấy đã càng bộc lộ ra khát thèm cùng cực của bản năng. Một bản năng gốc đáng trân trọng, đáng tôn vinh. Có lẽ vì những câu thơ bật ra này, Trần Thắng đã chọn được cái tên Dốc im lặng, khai sinh cho tập thơ.
Dốc im lặng mang ý nghĩa của một thử thách mà con người phải mất cả đời để đạt tới độ trầm tĩnh. Các cụ ta nói: "Im lặng là vàng". Còn nhà tiên tri Abutalib Gafurov của xứ Dagestan thì bảo: "Người ta chỉ mất hai năm để tập nói nhưng phải mất sáu mươi năm để tập im lặng". Dốc im lặng còn mang ý nghĩa uống hết im lặng vào mình để "cực tĩnh" đến mức có thể cảm nhận được hết cái "cực động" trong nhân gian, nhất là trong thời hôm nay.
Còn nữa, Dốc im lặng còn chứa đựng một bản nhạc rock của sự im lặng đang truyền vào ta để cảm nhận "Sao thịt da muốn thét muốn gào". Lạ. Thơ Trần Thắng trần tục mà thanh biết nhường nào.
Hơ đôi tay nhức căng mạch máu
Còn lại gì sau lửa tàn tro
Muốn ghì siết tiếng cười em trốn chạy
Gặp bóng ta oằn oại chơ vơ.
"Muốn ghì siết tiếng cười em trốn chạy". Câu thơ siêu thực vút lên si mê. Một câu thơ tình để lại bao ám ảnh, bao dư vang và dẫn tới sự phong vương: "Ngọc-ngà-em xứ lạ lên ngôi".
Đã có bao nhiêu lời hay, ý đẹp để tả vẻ đẹp của các nàng sơn nữ. Nhưng vẫn là chưa đủ. Và Trần Thắng lại tấu lên giai điệu ngợi ca của riêng mình:
Trăng tròn tàng núi rừng vào da thịt
ngón bấn loạn thêu dệt khăn piêu
hơi thở gấp non mùi ngô nếp
hoa chuối lan man bầu thơm.
Gợi tình cùng cực mà cũng thanh cùng cực. Điều đó đã dẫn đến một tu từ chưa xuôi sao nhớ ngược.
Mạch tình Trần Thắng cứ thế lai láng chảy qua siêu thực ở Mùa sen với câu thơ "Tu mình dưới bùn đen" găm vào trí nhớ; ấn tượng ở Xuân gọi với câu thơ "Gót em đi rũ rượi áo nâu" cắm phập vào vô thức; cổ điển trộn siêu thực ở Đoản khúc nhớ với câu thơ "Em trở về xăm nốt nhạc lên tôi"; nhức nhói trong cảm giác lãng mạn ở Chia tay phương Nam với câu thơ "Da đen giòn cong gánh hàng rong"; mang mang nhiều trắc ẩn, rồi lại ấn tượng ở Gọi Giêng Hai với câu thơ "Em thoát áo tan vào nắng sớm/ tôi gọi đến rồ dại Giêng Hai"; cuồng bức và tâm tưởng, trữ tình ở Khoảnh khắc thành Tuyên với câu thơ "Tóc ngắn ơi! Yêu như máu thịt mình"...
Không cố ý tỏ ra mình là họa sĩ làm thơ, nhưng do cái nghiệp cầm cọ nên màu sắc đã ám vào thơ Trần Thắng rất đỗi tự nhiên. Xưa Nguyễn Mỹ đã từng có vệt thơ màu sắc như Cuộc chia ly màu đỏ, Bông cúc tím, … nay Trần Thắng lại có Hoa trắng, Hoa đỏ, Hoa vàng, Hoa tím. Bài nào cũng có những câu điển hình gợi về màu ấy.
Ở Hoa trắng là "lặng lẽ trắng trong giữa ồn ào" hay "ngỡ mình nở trắng như hoa". Ở "Hoa đỏ" là "đỏ hực máu hiến dâng vô ngã" hay "đỏ rưng rức ngón tay". Ở Hoa vàng là "nhìn nhau vàng/ ký ức đau hơn" hay "ngây ngất lịm sắc vàng bất tử". Ở Hoa tím là "lay phay tuổi hoa bay ngang mặt/ định mệnh áo tím thuở thiếu thời" hay "khóc tím nhòe hai tay".
3. Có một cuối Thu trước đại dịch, tôi cùng Trần Thắng và mấy anh em rủ nhau vào Đất Mũi, Cà Mau. Chuyến đi ăm ắp ấn tượng, ăm ắp cảm xúc. Nhất là khi lênh đênh trên cái chòi giữa biển để ngắm nhìn nắng từ biển Đông chuyển dần sang biển Tây trong hoàng hôn Đất Mũi.
Sau về Hà Nội, tôi chọn ngay con số cột mốc cuối cùng đất nước 2436 km làm chủ đề "rề-pha-mì-lá" để viết ca khúc Chiều Đất Mũi.
Còn Thắng thì cứ im im như chẳng có chuyện gì. Vậy mà hai, ba năm sau đã hoàn chỉnh bài thơ Đất Mũi đầy ấn tượng. Dù có chung một quan sát hoàng hôn Đất Mũi, nhưng thể hiện thì lại khác nhau. Ở ca từ của tôi là "Nắng chuyển dần biển Đông sang biển Tây". Còn ở thơ Trần Thắng là "Thức dậy biển Đông chìm giấc biển Tây". Bài thơ còn cho thấy khả năng nắm bắt hiện thực tinh tế rất chi tiết của một người làm thơ chuyên nghiệp trong từng thao tác thơ. Tôi đọc lên thấy sống lại những ngày đắm chìm ấy đến mức nhớ da diết.
"Cá thòi lòi leo đâu cũng sống
Cà na chát vội chua vàng nước nổi
Tim bình bát hút đất phèn chín đỏ
Dừa nước chen ngang dựng tóc bốn mùa
Cua, ngát, vọp, mốp cạn dăm xị đế
Mắm ba khía nhường nhau lúc mưa già
Khô cá sặc bướm qua mùa nước đuổi
Dưa bồn bồn xào tép nỗi mênh mang
Những gì không đưa được vào ca từ thì Trần Thắng đưa hết vào thơ, thổi vào những hiện thực ấy một hồn thơ chân chất. Một lối đi của diễn dịch, ngược với lối đi quy nạp của Xuân Diệu: "Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau". Đất Mũi của Trần Thắng là dành để dâng tặng cho tất cả những người trên thế giới có tình yêu Việt Nam.
Chầm chậm. Lặng lẽ. Chiêm nghiệm. Thơ Trần Thắng cứ thế thấm vào ta như một hơi rượu nồng thơm nức chân thành. Sự chân thành mà Trần Thắng tự trào là Lời người dở hơi:
Kiếp người mắc nợ đồng lần
Xác xơ cũng trả lại phần cõi dương
Oan hồn vảng vất mù sương
Đắng cay là thực thiên đường là mơ.
Đấy! Lời người dở hơi đã bày ra tất cả trong Dốc im lặng. Hãy âm thầm một hành trình vượt dốc và càng lên, càng thấy buông bỏ. Càng lên càng nhập an nhiên.
Trần Thắng sinh năm 1971, quê Nam Định, hiện là họa sĩ của Báo Ảnh Dân tộc Miền núi (TTXVN). Các tác phẩm đã xuất bản: Kẻ Bắc người Nam (thơ - NXB Thanh Niên), Thơ Chọn lọc Quán Chiêu Văn (Thơ in chung - NXB Văn học), Ngày qua còn mãi (Thơ in chung- NXB Văn học).