Thư robot: Nghĩ từ một trào lưu 'mua vui'
Sophia thân mến! Sophia thử đếm xem mỗi năm có bao nhiêu trend (trào lưu) được tạo ra trên mạng xã hội và bao nhiêu trào lưu trong số đó tồn tại dài lâu?
Một trào lưu tạo ra chủ yếu để "mua vui cũng được một vài trống canh". Nhưng không phải chuyện gì cũng cứ "mua" là "vui" được.
Mới đây, trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) "hoạt hình hóa" hình ảnh chụp đã vấp phải phản ứng không tốt từ giới mỹ thuật, khơi lại những tranh cãi cố hữu về câu chuyện bản quyền trong thời đại AI can thiệp vào nhiều việc, từ chuyện viết kịch bản, sáng tác văn học, đến vẽ tranh...
Sophia có thấy không? Rõ ràng, con người không thể cản được bước tiến của công nghệ. Dù vậy, trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ vẫn tạo ra một lằn ranh, để giữ tính nhân bản trong tác phẩm, vào thời điểm xã hội bị chi phối bởi công nghệ, máy móc. Đó nhiều khi là biên giới cuối cùng, để phân biệt giữa người và máy, để tôn vinh công sức và tâm hồn con người, để biết vì sao ta cần nghệ thuật.
Dùng tạo AI "hoạt hình hóa" hình thật có thể là một trò vui, nhưng không phải ai cũng vui với trò đó, nhất là khi hình ảnh của chính mình bị sử dụng là "chất liệu" cho AI mà không xin phép.
Phản ứng của họa sĩ, những người yêu mỹ thuật là điều dễ hiểu, một khi hình ảnh cá nhân của họ bị sử dụng và nhất là, từ trước giờ, họ luôn bảo vệ tính sáng tạo trong sản phẩm mỹ thuật.
Nhìn chung, các hình ảnh do AI tạo ra thường bị nhận xét là thiếu cảm xúc, thậm chí là vô cảm. Nó chỉ được đánh giá cao ở khoản dễ dàng và tiện dụng. Nhưng chính ở điểm này, việc sử dụng AI mâu thuẫn với công sức lao động mà nghệ sĩ bỏ ra để tạo nên tác phẩm, và làm tổn thương nghệ sĩ, những người nghiêm cẩn, dụng công để rồi biết đâu một ứng dụng AI có thể dễ dàng lấy sáng tạo của họ làm "chất liệu" xào nấu ra một thứ gì đó không-bao-giờ-là-nghệ-thuật.
Cho đến nay, ở nhiều nước trên thế giới, luật bản quyền chỉ bảo hộ những sản phẩm do con người tạo ra. Trong tương lai, luật có điều chỉnh đề phù hợp với sự lên ngôi của trí tuệ hay không, chúng ta vẫn chưa rõ. Chắc hẳn cần một lộ trình dài. Trên lộ trình đó, nhất định không thể thiếu ý kiến xây dựng từ chính giới nghệ thuật, những người đang phải chịu tác động trực tiếp từ việc AI can thiệp vào quá trình tạo ra tác phẩm.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!