Nhân sự nước ngoài trong đoàn phim Việt Nam (kỳ 1) - Aaron Toronto: Tôi thích câu 'nhập gia tùy tục' của Việt Nam
(LTS) Kể từ khi phim Kim Vân Kiều (đạo diễn: Paul Thierry) sản xuất tại Việt Nam và ra mắt vào năm 1924, một thế kỷ qua nhân sự người nước ngoài vẫn thỉnh thoảng hiện diện trong các đoàn phim Việt Nam, dù ít dù nhiều. Hơn 15 năm trở lại đây, kể từ phim Dòng máu anh hùng (đạo diễn: Charlie Nguyễn, 2007), nhân sự nước ngoài hiện diện thường xuyên hơn, giữ nhiều vai trò chính và có đóng góp với phim điện ảnh Việt Nam.
Với nhiều kinh nghiệm và thời gian gắn bó lâu dài, đạo diễn Aaron Toronto có một góc nhìn tường tận về cách mà một nhà làm phim nước ngoài làm việc với điện ảnh Việt Nam. Họ không chỉ vượt qua các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, mà còn phải hòa nhịp cùng nếp nghĩ, thói quen làm việc của đội ngũ làm phim Việt Nam.
Trước khi đạo diễn phim điện ảnh đầu tiên là Đêm tối rực rỡ!, Aaron Toronto đã đảm nhiệm nhiều vị trí ở các bộ phim khác, trong đó có diễn xuất. Ví dụ như quản lý sản xuất của Em chưa 18, biên kịch Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Thanh Sói, phó đạo diễn Để Mai tính, dựng phim cho Tèo Em và một số dự án phim khác.
Cho đến nay, hiếm có một nhà làm phim ngoại quốc nào gắn bó với Việt Nam lâu dài như Aaron Toronto. Gần 21 năm sinh sống và làm việc tại đây, anh đã có cơ hội học hỏi, cọ xát với các đoàn làm phim cũng như am hiểu thêm về văn hóa, con người và ngôn ngữ Việt Nam.
Tuy nhiên, Aaron Toronto cũng bắt đầu từ việc là một người ngoại quốc có nhiều điều bỡ ngỡ khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Với kinh nghiệm và vốn sống cũng như sự nghiệp điện ảnh tại đây, có lẽ hơn ai hết, anh là người hiểu rõ một nhà làm phim nước ngoài sẽ cần gì khi đến làm việc và tham gia vào khâu sản xuất của một bộ phim Việt Nam.
* Chào anh Aaron Toronto, anh có thể cho biết là điều gì thúc đẩy anh đến và tham gia vào các dự án phim Việt Nam hay không?
- Như bao người nghệ sĩ hoặc các nhà làm phim khác, tôi nhận thức được vai trò của mình là phản ánh xã hội ở trong chính tác phẩm mình tạo ra. Mình sống ở đâu thì phải phản ánh xã hội ở đó. Tôi đã và đang ở Việt Nam, nên tôi cần phản ánh được xã hội tại đây.
Tôi nghĩ các vấn đề trong phim là những vấn đề rất thực tiễn trong xã hội này, mà mình cần nói tới, nên đây cũng là điều tôi nghĩ khi thực hiện dự án phim đầu tiên của riêng mình.
* Trong những lần làm việc với đoàn phim mà hầu hết là người Việt Nam, anh có gặp những trở ngại nào không?
- Ở giai đoạn đầu, khi mới đặt chân tới Việt Nam, tôi đã biết một chút tiếng Việt, nhưng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để hòa hợp được với cách làm việc của mọi người ở đây.
May mắn là tôi có gia đình và Uyên (biên kịch Nhã Uyên - vợ Aaron Toronto) là người đã giúp và cố vấn cho tôi trong chặng đường tìm hiểu văn hóa, lối sống và con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi lớn lên tại Mexico và Uruguay, nơi có nhiều sắc màu văn hóa, vô cùng đa dạng và đặc sắc, nên đến Việt Nam cũng nhanh cảm thấy thoải mái. Mỗi người sẽ có các trí thông minh khác nhau, tôi nghĩ mình có trí thông minh về văn hóa, nên không khó cho tôi khi tiếp cận một nền văn hóa đa dạng, mới lạ.
Khi sinh sống ở những vùng như vậy, tôi càng có cơ hội được rèn luyện sự nhạy bén với văn hóa khi cố gắng để học hỏi và giao tiếp với những người bạn sinh ra từ các nền văn hóa khác nhau. Có lẽ đó cũng là cách mà tôi tìm hiểu, học hỏi và dần quen với văn hóa Việt Nam.
* Anh nghĩ rằng một thành viên người nước ngoài trong đoàn phim sẽ có vai trò và ảnh hưởng như thế nào trong khâu sản xuất?
- Vai trò đó sẽ là đóng góp một góc nhìn từ bên ngoài đối với văn hóa Việt Nam. Ví dụ như khi sản xuất phim Đêm tối rực rỡ!, tôi và Uyên đã cùng hài hòa góc nhìn từ bên ngoài của một người ngoại quốc và góc nhìn từ bên trong của một người Việt Nam để đưa ra những hiểu biết đa chiều nhất khi thể hiện văn hóa, lối sống của người Việt Nam trên phim.
Nói như vậy không có nghĩa là giữa hai góc nhìn này, sẽ có góc nhìn này có nhiều về độ hiểu biết hơn góc nhìn kia. Tôi cũng như Uyên và cả ê-kíp đã phải nghiên cứu rất kỹ về văn hóa của địa điểm, vùng miền mà chúng tôi muốn đưa lên phim. Việc nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ dừng lại ở người nước ngoài như tôi, vì ở Việt Nam, mỗi vùng miền là mỗi tập tục, văn hóa khác nhau.
Trong phim Đêm tối rực rỡ!, từng chi tiết của một buổi tang ma như nghi lễ, cúng bái, khăn tang... đều được chúng tôi nghiên cứu và cố gắng sao cho phù hợp với bối cảnh của địa phương trong phim. Tôi thích câu "nhập gia tùy tục" của Việt Nam.
Cùng gu thẩm mỹ sẽ quyết định sự ăn ý
Với hơn 20 năm hoạt động tích cực về điện ảnh, truyền hình và sân khấu ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau, Aaron Toronto đã hình thành cho bản thân một nền tảng vững chắc và kinh nghiệm lâu năm trong công tác làm phim tại Việt Nam.
Biên kịch Nhã Uyên - bà xã của Aaron Toronto - là người đóng góp và hỗ trợ rất nhiều trong đời sống và công tác làm phim của anh. Aaron Toronto chia sẻ sự hòa hợp trong công việc giữa anh và bà xã được quyết định chủ yếu bởi gu thẩm mỹ tương đồng giữa hai người.
Trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm chất liệu văn hóa cho một bộ phim đòi hỏi tính chính xác và phản ánh thực tiễn cao như Đêm tối rực rỡ!, nhờ gu thẩm mỹ giống nhau mà Aaron Toronto và Nhã Uyên đã có sự kết hợp vô cùng ăn ý và tạo ra bộ phim về tang lễ vô cùng chân thực.
* Vậy với anh, văn hóa Việt Nam có phải là một "nhân vật" cần khai thác?
- Tôi nghĩ rằng muốn thể hiện văn hóa thành công trong phim thì chúng ta luôn luôn cần được đóng góp từ nhiều góc nhìn. Một con cá chỉ sống ở sông, nó sẽ không hiểu nước biển là như thế nào. Vì thế, chúng ta cần một con hải âu, khi nó sà xuống biển kiếm mồi, nó sẽ cảm nhận được vị mặn của biển, khi nó về sông, sẽ hiểu được vị ngọt của sông. Làm phim có văn hóa càng phải như vậy.
Văn hóa không chỉ đúng ở góc nhìn của người trong cuộc, mà văn hóa sẽ đầy đủ hơn, phong phú hơn khi có những góc nhìn từ những người bên ngoài. Bởi văn hóa luôn sống động, cởi mở và giao thoa.
* Anh có chia sẻ điều gì cho các đoàn làm phim Việt Nam trong tương lai khi có các thành viên người nước ngoài tham gia vào khâu sản xuất?
- Có lẽ sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ sẽ tồn tại, nhưng không phải là rào cản chính, mà sẽ là cách làm việc của hai bên khi cùng thực hiện một bộ phim.
Theo tôi thấy, cách làm việc trong các đoàn phim Hollywood là chuẩn bị rất tốt về mọi thứ trước khi quay, nhưng hệ thống thì lại rất khuôn khổ, vị đạo diễn không thể tự nhiên mà đụng đến đạo cụ, nếu không được sự cho phép của người phụ trách.
Ngược lại, các đoàn phim Việt Nam có thể khâu chuẩn bị không tốt bằng, nhưng mọi thứ diễn ra một cách linh hoạt hơn.
Suy cho cùng, điện ảnh là một môn nghệ thuật hợp tác, nên mình cần dung hòa sự khác biệt, biết tận dụng điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu trong cách làm việc của bản thân và đối phương thì mới có thể tạo ra những thước phim mỹ mãn.
* Cảm ơn anh Aaron Toronto về những chia sẻ này!
Dấu ấn của "Đêm tối rực rỡ!"
Đây là phim điện ảnh độc lập, do Aaron Toronto đạo diễn, phát hành tháng 4/2022. Phim do Nhã Uyên viết kịch bản và đóng vai nữ chính, cùng với sự tham gia diễn xuất của Kiến An, Kim B, Diễm Phương, Xuân Trang, Phương Dung… Phần quay phim do Nguyễn Khắc Nhật và Dominic Pereira đảm trách.
Tại giải Cánh diều 2021, Đêm tối rực rỡ giành được 5 giải thưởng, gồm giải Cánh diều vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc, Biên kịch xuất sắc phim truyện điện ảnh, Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh, Nam diễn viên phụ xuất sắc phim truyện điện ảnh, Quay phim xuất sắc phim truyện điện ảnh.
Phim cũng giành 5 giải thưởng tại Ngôi sao xanh 2023; 4 giải thưởng tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất 2023; 1 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2023…
Tại Liên hoan phim Santa Fe 2022, phim giành được 2 giải thưởng quan trọng là Best Story (Câu chuyện xuất sắc nhất) và Best Performance: Female (Nữ diễn viên xuất sắc nhất).
Bộ phim cũng từng đại diện cho Việt Nam trong danh sách đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Quả cầu vàng lần thứ 80 (diễn ra đầu 2023).