Thành Lộc định vị thẩm mỹ cùng 'Giáng Hương'?

Chọn một tác phẩm giàu tính nghệ thuật như Giáng Hương (kịch bản: NSND Năm Châu) để khai trương sân khấu Thiên Đăng, có lẽ đạo diễn Thành Lộc vừa muốn chứng tỏ tài năng, vừa muốn hé lộ định hướng thẩm mỹ của mình, trong cương vị ông bầu. Còn từ cương vị khán giả, bản dựng này khá đẹp, giàu sự rung động.

Kịch bản ban đầu có tên là Sân khấu về khuya, được soạn giả Năm Châu (1906 - 1977) viết cho kịch nói, sau mới chuyển thể thành cải lương. Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) là một tên tuổi rất lớn của sân khấu miền Nam, các tác phẩm của ông thường có lời thoại sâu sắc, chỉn chu đến từng câu chữ. Nay xem bản dựng kịch nói Giáng Hương, thấy NSƯT Thành Lộc quả thật là "phù thủy sân khấu", khi gần như vẫn giữ nguyên những câu từ ấy, nhưng được phả vào hơi thở hiện đại.

Chất nhạc kịch hài hòa

Nét mới dễ nhận thấy là chất nhạc kịch được phát huy tinh tế qua những bản nhạc mang hơi hướng trẻ trung do nhạc sĩ Hữu Thu sáng tác riêng cho vở này. Thành Lộc dùng âm nhạc một cách chắt lọc, vừa đủ trong các tình huống hợp lý, nhằm thể hiện tâm trạng của nhân vật, mang lại màu sắc đẹp.

Thành Lộc định vị thẩm mỹ cùng 'Giáng Hương'? - Ảnh 1.

Lê Khánh (vai Giáng Hương) và NSƯT Thành Lộc (vai Lĩnh Nam)

Bên cạnh đó, phần cổ nhạc dù lấy lại từ phiên bản cải lương, nhưng được phối khí lại theo hơi hướng mới, giúp các nghệ sĩ kịch dễ hát và khán giả cũng dễ nghe, dễ cảm. Hiện đại và truyền thống nhờ vậy mà hòa với nhau một cách mượt mà, phong phú, không lẫn vào nhau. Người xem vẫn có thể phân biệt đâu là giai điệu la-tinh sôi động, đâu là chất pop ballad da diết, đâu là các bài bản ngũ cung man mác, sang trọng. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa của thể loại nhạc kịch đậm chất Việt Nam mà Thành Lộc ấp ủ.

Câu chuyện xoay quanh cặp vợ chồng nghệ sĩ được khán giả hết lòng ái mộ. Nếu cô đào Giáng Hương (Lê Khánh thủ vai) chỉ chuyên tâm vào diễn xuất, thì Lĩnh Nam (Thành Lộc) còn kiêm cả diễn viên, soạn giả, lẫn ông bầu. Vị trí, trách nhiệm, thời thế dần đưa hai con người rời xa nhau cả trong cuộc sống gia đình lẫn quan điểm nghề nghiệp. Kịch bản được viết đã mấy chục năm, nhưng vẫn chưa hề cũ, bởi nghệ sĩ dù ở thời đại nào cũng phải đối mặt với câu hỏi: Theo đuổi nghệ thuật đích thực, hoặc chạy theo thị trường bằng những tác phẩm thực dụng?

Bằng khả năng diễn xuất tinh tế, Thành Lộc đã khắc họa nên một Lĩnh Nam đầy mâu thuẫn. Anh mang vẻ lịch lãm, phong độ của người nghệ sĩ trí thức, nhưng thỉnh thoảng lại phảng phất một chút thực dụng rất con buôn. Anh vẫn yêu vợ, vẫn rất ghen, nhưng lại sẵn lòng rời bỏ tình cảm đó để chinh phục những tham vọng của riêng mình.

Vào vai Lĩnh Nam không hề dễ, bởi nếu không khéo sẽ khiến người xem cảm thấy đây là người chồng phản trắc. Nhưng không, anh chỉ không đủ tử tế, không đủ dũng cảm để giữ vững lập trường nghệ thuật trước vòng xoáy thị trường.

Thành Lộc định vị thẩm mỹ cùng 'Giáng Hương'? - Ảnh 2.

Vân Trang (vai Mỹ Tiên) và Lê Khánh (Giáng Hương) có màn đối đáp trào phúng, sâu cay

Phải dành một lời khen cho Lê Khánh, khi cô đã hóa thân xuất sắc vào một Giáng Hương rất mới, đa sắc. Cô diễn ra cái chất nghệ sĩ đa sầu đa cảm của một cô đào, cũng ghen tuông hờn mát, cũng có lúc yếu đuối, hoang mang. Thế rồi chỉ trong phút chốc, cô lại đứng lên kiên cường tiếp tục làm chỗ dựa cho người khác, thậm chí còn hài hước trong cách thả thoại nhẹ tênh mà khiến khán giả phải bật cười. Chính vì thế mà người xem cảm được cái bi kịch của Giáng Hương, xót xa cảm động, nhưng vẫn dễ chịu, bởi bi mà không ủy mị, lên gân.

Lĩnh Nam và Giáng Hương cứ như như hai mặt của đồng xu, vừa mâu thuẫn đối chọi, mà cũng vừa hòa hợp ăn ý đến lạ. Bởi họ đã quá hiểu nhau, ngoài tình yêu đôi lứa còn là mối quan hệ của tình tri kỷ, tình đồng nghiệp và cả sự cảm phục nhau trong nghệ thuật. Vì lẽ đó, mà cho dù có những quan điểm trái chiều về thái độ làm nghề, hoặc cuộc sống riêng tư, thì đến cuối cùng họ vẫn theo đuổi chung một thứ duy nhất là thiên chức cống hiến cho thánh đường sân khấu.

Thành Lộc định vị thẩm mỹ cùng 'Giáng Hương'? - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở diễn

Sân khấu tối giản, mà sang trọng

Vở diễn được dàn dựng trên một sân khấu có diện tích khiêm tốn, nhưng được thiết kế thông minh qua bàn tay của họa sĩ Kim B. Những bục bệ, đạo cụ có tông màu trắng, tối giản, mà sang trọng, dễ dàng hoán chuyển vị trí cho nhau. Hình dáng của chúng vừa thực tế, nhưng cũng vừa linh hoạt, giúp mở rộng không gian tưởng tượng, lúc là bàn ghế, lúc là sân khấu, cảnh trước là chiếc tủ, cảnh sau đã trở thành chiếc cổng thánh đường…

Đặc biệt vở diễn có cách sử dụng ánh sáng rất đẹp, với cường độ tiết chế, làm nổi bật nhân vật trong các bố cục đầy tính thẩm mỹ. Màu sắc của ánh sáng không quá pha trộn, mà tách bạch thành những mảng sáng tối rõ ràng, tương phản một cách có ý đồ; trang phục được thiết kế hợp vai, thanh lịch. Nhờ vậy mà không gian sân khấu rất thoáng, mỗi tạo hình đều có thể trở thành một bức tranh nghệ thuật, giúp khán giả dễ tập trung.

Thành Lộc định vị thẩm mỹ cùng 'Giáng Hương'? - Ảnh 4.

Hương Giang và NSƯT Hữu Châu trên sân khấu “Giáng Hương”

Bên cạnh bộ đôi chính, các nhân vật khác cũng được thể hiện tròn trịa, duyên dáng, bởi các tên tuổi quen thuộc như NSƯT Hữu Châu, Hoàng Trinh, Vân Trang, Hương Giang, Trang Tuyền, Tuấn Khải… Người xem không khỏi bồi hồi, xúc động trước Mạnh Hoài của Hữu Châu - một anh kép hết thời, nhưng vẫn luôn đau đáu với tình yêu sân khấu. Vân Trang lại có thêm một vai thú vị: nữ đại gia Mỹ Tiên xinh đẹp mà giả dối. Cô có những màn đối đáp "chị chị em em" đầy ẩn ý với Giáng Hương, vừa trào phúng, vừa chua chát sâu cay, nhưng vẫn giữ được cái chất sang cả, chứ không hề rẻ tiền, chợ búa.

Tất cả những người nghệ sĩ ấy đã khiến khán giả phải chảy nước mắt, không chỉ vì nội dung kịch bản, mà còn bởi tâm huyết đặt vào mỗi câu thoại đầy biểu cảm, từng hành động kịch chỉn chu, tinh tế và có trọng lượng về tâm lý.

Với thời lượng hơn 180 phút, nhưng khi đèn sân khấu bật sáng, dường như khán giả vẫn chưa muốn đứng dậy, vì họ còn muốn lưu lại những cảm xúc đẹp. Họ đã dành cho bản dựng Giáng Hương những tràng pháo tay vang dội, kéo dài. Nếu được thì sân khấu phải nên như vậy, luôn đẹp và xứng đáng là một "thánh đường" đúng nghĩa!

Có thể nhận thấy Thành Lộc đã khéo léo lồng vào chuyện kịch Giáng Hương những vấn đề đương thời về người nghệ sĩ phải sống cho mình hoặc cho công chúng. Hoặc đâu đó là tâm sự của chính anh và các cộng sự ở Thiên Đăng, như anh từng nói: "tôi chết ngày hôm nay, để khát vọng đó, ước mơ đó hình thành cho thế hệ sau".

Anh Vũ

Link gốc: TTVH