Góc nhìn 365: Câu chuyện thần tượng

Cơn lốc Hắc Hường (tên thân mật được các fan dành cho nhóm nhạc Hàn Blackpink) vừa quét qua Hà Nội với 2 đêm trình diễn của nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế này.

Rất có thể về sau, ngoài người hâm mộ chắc cũng ít ai nhớ đến từng có thời Hắc Hường đến Việt Nam. Cũng như hôm nay, ít ai nhớ năm 2011, danh ca Bob Dylan từng biểu diễn ở Việt Nam, và trước đó là Bi Rain.

Có lẽ vì con người thường dễ quên, như cách "người lớn" quên rằng mình từng có thời là con nít, hay một tuổi hoa niên mơ mộng đuổi theo một mẫu hình "thần tượng" nào đó.

Câu chuyện người trẻ và thần tượng không mới, và không chỉ có ở Việt Nam. "Cơn sốt" trước những ngôi sao âm nhạc có lịch sử lâu đời. Những thiếu niên, thiếu nữ xỉu lên xỉu xuống trước màn diễn của Elvis Presley, The Beatles hay hình ảnh nhóm an ninh sân khấu khiêng những người hâm mộ ngất xỉu trong các buổi biểu diễn của Michael Jackson không phải là hình ảnh hiếm…

Góc nhìn 365: Câu chuyện thần tượng - Ảnh 1.

Nhóm nhạc Blackpink chụp ảnh kỷ niệm trên sân khấu concert tối 30/7

Những gì người hâm mộ Việt Nam biểu hiện trong sự kiện show của Blackpink cho thấy một sự chừng mực, năng động, cũng như hòa nhập với thế giới. Đó là một thế giới phẳng trong đó có sự hiện diện của Việt Nam - một đất nước nhỏ đã từng bước tự khẳng định mình. Và trong những tiếng nói khẳng định mình ấy, không thể thiếu những giọng trẻ.

Chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, kích cầu du lịch, hay những sản phẩm, dịch vụ ăn theo một show diễn của nghệ sĩ quốc tế ở Việt Nam. Những năm gần đây, chuyện người hâm mộ Việt Nam bay qua Thái, Singapore… xem show của nghệ sĩ nào đó kết hợp với du lịch không phải là chuyện hiếm. Vậy thì chúng ta sao không tự đặt câu hỏi, bao giờ khán giả nước ngoài bay đến Việt Nam để xem một chương trình âm nhạc của nghệ sĩ quốc tế? Giấc mơ được nhìn ngắm thần tượng bằng xương bằng thịt không còn chỉ gói gọn trong chiếc ti vi 24 inch của nhiều năm về trước.

Không ít người không-còn-trẻ đã nhận rằng nhờ thần tượng một nghệ sĩ mà họ học ngoại ngữ, học dịch, học dựng video… những thứ đóng góp rất nhiều cho công việc hiện thời của họ. Cũng có người nhờ thần tượng mà phá bỏ sự nhút nhát, để giao lưu, kết giao thêm nhiều mối quan hệ bạn bè quan trọng đến tận hôm nay.

Thần tượng một ai đó chưa bao giờ là điều tiêu cực, nếu như nó không biến chất thành kiểu mù quáng như chuyện người cha từng tự tử để lại di ngôn mong một tài tử Hong Kong (Trung Quốc) chịu gặp con gái mình, gây xôn xao dư luận mười mấy năm trước.

Trong không ít hồi ức của nhiều khán giả, lẫn ca sĩ Việt Nam, không ít hình ảnh người hâm mộ đốt đuốc, vượt suối, trèo rào để xem hát. Cho nên mới có ca từ "ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe…" (Trần Tiến). Không biết các "cô/chú bé trèo cành me" ngày đó có trong số dư luận chê trách người trẻ hâm mộ thần tượng mới đây?

Hay là thay vì "khó khăn" với lớp trẻ, "người lớn" nên thấy ở show vừa qua những bài học về tổ chức, truyền thông, và xa hơn, là những ước vọng thầm kín một ngày nào đó, nền giải trí Việt Nam có thể tạo ra được một thần tượng quốc tế - dù là hiếm hoi, cá biệt thôi cũng được.

An Kha

Link gốc: TTVH