Yêu xẩm như Ninh Bình

Hai lần tôi có mặt ở trong cùng một cương vị là thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan hát xẩm Ninh Bình. Hai lần ấy chỉ cách nhau có hơn một năm, vậy nhưng Ninh Bình đã cho tôi thấy rõ hơn về tình yêu của nơi đây dành cho xẩm.

Liên hoan năm nay diễn ra ở thời điểm cũng khá đặc biệt, khi mà làng xẩm vừa chia tay nhạc sĩ Thao Giang, một người có công khởi xướng việc hồi sinh xẩm trong thời hiện đại này.

Tri ân xẩm

"Anh Long ơi xem này!", giọng nói đầy hứng khởi vang lên, đồng thời một cánh tay từ hàng ghế trên đưa xuống cho tôi chiếc điện thoại. "Đấy, anh xem đi, năm nay bên em vừa tổ chức một cuộc nội bộ tỉnh, khán giả đông lắm, bà con còn phải đến trước từ rất sớm để giữ chỗ, chứ đến sát giờ là không thể chen vào ngồi xem được anh ạ".

Chuyến xe 24 chỗ đưa Hội đồng nghệ thuật chúng tôi và đại diện 20 câu lạc bộ từ 10 tỉnh thành cả nước từ khách sạn đến huyện Yên Mô chừng trên 20km dường như ngắn hơn với câu chuyện bất tận giữa tôi và Nguyễn Ngọc Thuân, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Bình. 

Yêu xẩm như Ninh Bình - Ảnh 1.

Bùi Công Sơn (bên phải) - Giải A Liên hoan hát xẩm Ninh Bình năm 2023

Hình ảnh mà Thuân khoe với tôi chính là hoạt động Liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2023 tại huyện Gia Viễn, vừa mới diễn ra chưa đầy một tháng trước đó.

Nhớ năm ngoái, ông Trần Việt Phương, Phó giám đốc Sở VH&TT tỉnh Ninh Bình đã chia sẻ quan điểm của địa phương là đưa các hoạt động về tận cơ sở. Lý lẽ của ông Phương là ở trung tâm nhiều hoạt động, trong khi địa phương ít hơn, một hoạt động quy mô tỉnh đưa về bà con sẽ rất chú ý.

Và cách làm này đã được áp dụng mấy năm qua, riêng năm nay, thấy sự hiện hữu rõ nét của xẩm, thành ra khi gặp tôi, Thuân mới vui và hăng say chia sẻ là vậy. 

Thắp nén nhang tri ân "thần xẩm" - cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - uống chén trà cùng con rể "bu" Cầu và đồng chí phó chủ tịch huyện rồi cả đoàn nhanh chóng lên xe trở lại thành phố. Về tới khách sạn, Thuân vội đến thẳng sân khấu thủy đình ở phố cổ Hoa Lư, để kiểm tra âm thanh, ánh sáng chuẩn bị cho sự kiện khai mạc liên hoan vào buổi tối cùng ngày.

Nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa, học trò của cả nghệ nhân Hà Thị Cầu và nhạc sĩ Thao Giang, lo rằng ban tổ chức sẽ quên mất điều này tại liên hoan nên nhắn tin nhắc tôi và Giáng Son nhớ để ý xem thế nào. Biết ý, Hoài Thanh cán bộ Sở đang ngồi bên cạnh, người trực tiếp làm việc với tôi suốt quá trình chuẩn bị liên hoan kéo dài mấy tháng trước đó, kêu cả hai bạn dẫn chương trình xuống để bổ sung. Đang hì hụi viết tay thì ông Trần Việt Phương đứng gần đó gạt ngay: "Đã có hết rồi. Chắc chắn là có nghệ nhân Hà Thị Cầu rồi. Và tôi đã nhắc đến nhạc sĩ Thao Giang như một lời tri ân ở trong bài phát biểu khai mạc đây".

Yêu xẩm như Ninh Bình - Ảnh 2.

Nguyễn Quang Long (thứ 2, từ phải sang) và xẩm nhí Lại Thùy Dương đứng phía trước

Yêu thích xẩm

Tôi thực sự bất ngờ bởi sân khấu thủy đình đẹp lung linh, đúng màu sắc Đồng bằng Bắc bộ, đưa hát xẩm vào đây là đúng với môi trường xưa và làm cho hát xẩm trở nên đẹp hơn. Với nghệ thuật biểu diễn nói chung, dân gian truyền thống nói riêng, không chỉ có âm nhạc, những yếu tố hiệu ứng khác cũng rất cần có để tạo được sự quan tâm của khán giả.

Việc đưa liên hoan xẩm ra không gian biểu diễn ngoài trời đẹp đẽ này đã có rất đông khán giả tới tham dự. Tôi cứ hình dung nó chẳng kém gì thời xưa còn trẻ tôi vẫn tham gia hoạt động biểu diễn ca nhạc hài kịch ở tuyến tỉnh có sự xuất hiện của các ngôi sao.

Trong hai đêm thi chính thức, 4 và 5/11 của Liên hoan hát xẩm Ninh Bình năm 2023, khán giả tới ủng hộ nhiệt thành, lấp đầy khu vực hàng ghế khán giả, ước chừng chứa được khoảng 700 người. Trong số đó người lớn tuổi có nhiều, người trung tuổi cũng nhiều, người trẻ cũng vậy. Nhiều bạn trẻ trông đầu tóc, ăn vận tưởng chỉ thích rap với nhạc điện tử, vậy mà cũng "thủy chung" cho đến tận cùng buổi thi, kéo dài tới 3 tiếng đồng hồ. Điều đó làm tất cả ban tổ chức, giám khảo thực sự xúc động.

Yêu xẩm như Ninh Bình - Ảnh 3.

Đông đảo khán giả tại sân khấu thủy đình

Càng bất ngờ hơn vì xẩm có được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Chỉ một liên hoan nhỏ so với "ngôi nhà" nghệ thuật chung, vậy nhưng trong đêm khai mạc các đồng chí Đoàn Minh Huấn (Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình), Tống Quang Thìn (Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh), Đỗ Việt Anh (Trưởng Ban dân vận tỉnh ủy), Nguyễn Mạnh Cường (GĐ Sở VH&TT)… cũng có mặt ủng hộ.

Thậm chí như trường hợp nhà văn Vũ Thanh Lịch, giờ giữ cương vị PGĐ Sở VH&TT, đến dự và ngồi ở đâu đó dưới hàng ghế khán giả trong suốt hai đêm thi chính thức. Tôi khá bất ngờ xen lẫn thú vị, vì dẫu chưa gặp trực tiếp, nhưng đã biết đến Vũ Thanh Lịch với tư cách nhà văn, là tác giả kịch bản văn học vở Phận má đào được Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng và bội thu giải thưởng khi tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 tổ chức hồi tháng 11/2022 tại Long An.

Yêu xẩm như Ninh Bình - Ảnh 4.

Có 3 CLB hát xẩm của người khiếm thị từ 3 tỉnh thành tham gia liên hoan

Năm nay, thành phần giám khảo có sự góp mặt của NSND Thanh Hoài. Dọc đường mấy "u-con" từ Hà Nội về Ninh Bình điện thoại u Hoài cứ vang lên liên tục. Chả là u có thông báo tới một người học trò quê gốc Ninh Bình sinh sống tại Hưng Yên về việc tham gia liên hoan. Vậy là người học trò yêu chèo, yêu xẩm này đã quyết định về Ninh Bình để gặp được thầy và hưởng không khí của xẩm.

Tất cả cho thấy người Ninh Bình yêu và coi trọng hát xẩm.

Vui vì sẽ có xẩm trẻ tài năng

"Liên hoan tổ chức hai năm một lần, năm 2022 vừa qua lịch chính thức lẽ ra là từ 2021, nhưng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên lùi lại. Với đà này, chỉ vài liên hoan nữa thôi, nhiều cô bé/thí sinh nhỏ tuổi sẽ trổ mã thành thiếu nữ và làng xẩm sẽ có thêm vài cô xẩm trẻ tài năng. Mới chỉ nghĩ vậy thôi, đã thấy vui rồi" - nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Mừng cho xẩm

Liên hoan có gần 200 nghệ nhân, nghệ sĩ của 20 câu lạc bộ tham dự. Ngoài Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa là các tỉnh thành góp mặt từ mùa liên hoan trước, mùa này có thêm Bắc Ninh, Hải Dương... Nội bộ tỉnh Ninh Bình cũng có tới 9 CLB tham dự, chiếm số lượng đông đảo nhất, thay vì Hà Nội như những lần trước. Như vậy là hát xẩm đã lan tỏa rộng hơn trong tỉnh và trên phạm vi cả nước.

Đáng nói, xẩm lan tỏa trực tiếp vào cộng đồng người khiếm thị, vốn là những người "cưu mang" xẩm, đồng thời cũng vịn vào xẩm để kiếm kế sinh nhai trong quá khứ. Năm nay có 3 CLB của nghệ nhân - nghệ sĩ khiếm thị ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương. Nhiều hơn 2 CLB so với liên hoan trước.

Yêu xẩm như Ninh Bình - Ảnh 6.

CLB xẩm Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Một trong những thiệt thòi của xẩm là vốn ít bài, năm nay đã nhìn thấy một tương lai có sự bù lấp khi nhiều đoàn đã tự tin dựng bài mới, khai thác những điệu xẩm ít được biết đến, đưa vào trong bài dự thi. Điều này đã tạo thành điểm nhấn cho liên hoan, đồng thời cũng là tạo cho vốn liếng của xẩm có thêm những bài mới đạt yêu cầu về chất lượng. Một số bài xẩm có thể kể ra đây như Du Xuân về đất Ninh Binh, Phố phường Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tự hào Thăng Long - Hà Nội

Liên hoan xuất hiện nhiều gương mặt mới thuộc nhiều lứa tuổi, từ bậc cao niên, trung niên và các em nhỏ. Dẫu nhiều trong số đó mới "vào" với xẩm, thời gian làm quen chưa lâu, tiếng đàn lời ca có thể còn phải trau dồi thêm, nhưng đây chính là lực lượng cho tương lai gần. Một vài hạt nhân tiếp tục thể hiện phong độ như Bùi Công Sơn của Thái Bình, Đặng Đức Tám của Hải Phòng, bé Lại Thùy Dương của Ninh Bình...

Khép lại liên hoan bằng một buổi tổng kết sang trọng và ấm cúng trong hội trường lớn tại một khách sạn 4 sao, đây cũng là nơi lưu trú của toàn bộ 9 tỉnh thành cùng các giám khảo. Không chỉ có vậy, giải thưởng dành cho các tiết mục đoạt giải A, B, C, Khuyến khích và giải phụ khác còn được đánh giá là cao hơn cả các cuộc thi chuyên nghiệp khác. Có được sự đón tiếp chu đáo như vậy, ngoài chủ nhà Ninh Bình, còn phải kể tới sự sát cánh đồng hành cùng vực dậy hát xẩm của Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn VinGroup trong nhiều năm qua. 

"Chú Long! Chú Long!" - tiếng chị Mận con gái "bu" Cầu giờ là chủ nhiệm câu lạc bộ xẩm mang tên "bu" vang lên cùng với bước chân hối hả của chị hướng về phía tôi đang đứng. Chị Mận nói tiếp: "Đừng, đừng đi vội, chú chụp kiểu ảnh với các con đã". Cô bé mà Mận dẫn lên là Lại Thùy Dương, theo học hát xẩm từ 4 tuổi, năm nay 7 tuổi, đã kéo đàn và hát rất đáng yêu, có nét riêng và có phần hồn của xẩm. Mùa liên hoan trước mấy chị em chú cháu cũng đứng chụp ở góc hình tương tự.

BTC đã trao 8 giải A, 10 giải B, 12 giải C, 20 giải Khuyến khích cho các tập thể và cá nhân.

8 giải A:

Tiết mục Dạt nước cánh bèo, điệu hà liễu, do Bùi Công Sơn và các thành viên CLB xẩm Quỳnh Phụ (Thái Bình) biểu diễn

Tiếu mục Con cò, điệu thập ân, do bé Lại Thùy Dương và các thành viên CLB xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình) biểu diễn

Tiết mục Ninh Bình đẹp thay, nhiều điệu, do Đặng Đức Tám và CLB hát xẩm TP. Hải Phòng biểu diễn

Tiết mục Công cha ngãi mẹ sinh thành, điệu thập ân, do Nguyễn Văn Tiến và CLB chiếu xẩm - chèo Hạ Long (Quảng Ninh) biểu diễn

Tiết mục Dứa dại không gai, điệu huê tình, do Nguyễn Văn Sinh và đội văn nghệ hát xẩm, hát chèo Yên Thịnh (Ninh Bình)

Tiết mục Mục hạ vô nhân, điệu xẩm chợ, do Trung Sĩ và các thành viên CLB nghệ thuật Còn duyên - TTVH thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) biểu diễn

Tiết mục Ân đức tiên hoàng, điệu thập ân, do Mai Thảo và CLB hát xẩm Tam Điệp (Ninh Bình) biểu diễn

Tiết mục Công cha ngãi mẹ sinh thành, điệu thập ân, do Nguyễn Thiên Hương, nhóm xẩm Hương đồng nội (Thanh Hóa) biểu diễn

Các giải phụ:

Giải Người tham gia liên hoan cao tuổi nhất cho nghệ nhân Vũ Văn Phó (81 tuổi, đội văn nghệ hát xẩm, hát chèo truyền thống xã Yên Đồng, Yên Mô, Ninh Bình)

Giải Người tham gia liên hoan nhỏ tuổi nhất cho bé Nguyễn Ngọc Minh Nhi (6 tuổi, CLB ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội)

Giải Diễn viên trẻ triển vọng cho bé Lại Thùy Dương (CLB xẩm Hà Thị Cầu, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình)

Nguyễn Quang Long

Link gốc: TTVH