Để áo dài thật sự là sản phẩm du lịch
Áo dài hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch giàu tiềm năng - đó là câu chuyện được đặt ra trong cuộc tọa đàm Định hướng phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch, diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm tuần qua.
1. Trước đó, hướng đến việc giúp cho công chúng cho cái nhìn đúng về áo dài truyền thống, câu lạc bộ Đình làng Việt trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động tuần hành trong trang phục áo dài ngũ thân truyền thống.
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ, trong lịch sử, áo ngũ thân từng là trang phục chung áp dụng cho cả nam và nữ. Và, đây chính là tiền đề cho những thiết kế áo dài tân thời, đặc biệt là áo dài phụ nữ như ta thấy hiện nay.
Dù vậy, theo phân tích của ông Bình tại tọa đàm, dường như trong xã hội hiện đại, khi những mẫu áo dài tân thời như Lemur, Lê Phổ, Raglan… xuất hiện ngày càng nhiều và thay thế dần tà áo ngũ thân, các mẫu áo này dễ được mặc định coi là áo dài truyền thống trong suy nghĩ của nhiều người.
Do đó, đôi khi những nhà thiết kế đương thời đã không hiểu kĩ về nền tảng của áo dài, mất phương hướng trong các sáng tạo của mình, và đưa ra các mẫu áo dài cách xa bản chất vốn có, thậm chí có xu hướng bị "lai tạp" với các trang phục của các quốc gia châu Á khác.
Như lời ông Bình, muốn phát triển những mẫu áo dài cách tân, việc cần nhận diện kĩ về áo dài truyền thống là rất cần thiết. Thực tế trong thời gian qua, những tà áo dài ngũ thân mang đậm tính truyền thống cũng đã xuất hiện trong đời sống, gây ấn tượng mạnh tới du khách trong nước và nước ngoài.
2. Cũng theo các chia sẻ tại tọa đàm, thương hiệu của Hà Nội luôn gắn liền với sự văn minh, thanh lịch. Thương hiệu ấy của Hà Nội sẽ càng được phát huy mạnh mẽ hơn nếu gắn áo dài trở thành một sản phẩm du lịch. Cụ thể, theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ tính riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - nơi vốn thu hút khách du lịch - chúng ta đã sở hữu rất nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử. Do vậy, hoàn toàn có thể tận dụng không gian những di tích đó để giới thiệu áo dài đến với du khách.
Như ví dụ được bà Thủy đưa ra, ở ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây trong phố cổ, chúng ta có thể mô phỏng dựng lại nếp nhà của một gia đình người Hà Nội giàu có khi xưa, trong đó có các chi tiết liên quan tới áo dài truyền thống. Đặc biệt, với diện tích nhỏ hẹp, việc trưng bày áo dài theo cách thông thường có thể sẽ chiếm nhiều diện tích, lối đi lại của khách tham quan. Do việc, việc trưng bày có thể sử dụng các mô hình ma-nơ-canh mặc trang phục truyền thống, ngồi trên sập như khung cảnh sinh hoạt của một gia đình Hà thành xưa.
Ở góc độ khác, việc làm ra một tà áo dài cần rất nhiều công đoạn, trong đó mỗi công đoạn có thể được phụ trách bởi các làng nghề truyền thống khác nhau. Và để mỗi du khách có thể hiểu hơn về quy trình làm áo dài, bà Thủy cũng đề xuất tổ chức thêm hoạt động trải nghiệm các nghề truyền thống gắn với áo dài.
Từng có dịp đưa khách du lịch nước ngoài tham gia hoạt động nhuộm vải, bà Thủy ghi nhận, du khách luôn có phản hồi rất tích cực sau những chuyến đi này. Những câu chuyện về kỹ thuật ươm tằm, dệt vải, nhuộm vải ở mỗi địa phương… hoàn toàn có thể gắn với áo dài để nâng cao hiệu quả của du lịch làng nghề.
3. Như những gì được chia sẻ tại tọa đàm, cách tân là xu thế tất yếu đối với mỗi loại trang phục. Không thể phủ nhận, áo dài truyền thống có thể che đi những khuyết điểm trên cơ thể người mặc. Song, trong cuộc sống hiện đại, kiểu áo này không thật sự thoải mái trong vận động, sinh hoạt. Và trong bối cảnh hiện nay, Hà Nội ngày càng có nhiều nhà thiết kế với nhiều ý tưởng sáng tạo quanh trang phục này.
Về cơ bản, những nhà thiết kế này cần được tạo điều kiện trình diễn những sản phẩm của mình, nhưng nên có sự trao đổi, góp ý và định hướng từ giới nghiên cứu để có thể đưa ra những thiết kế mới mẻ vừa thời thượng, vừa gìn giữ được yếu tố truyền thống. Qua đó, tránh trường hợp áo dài cho nam giới có kiểu dáng giống các mẫu áo của nước ngoài, hay áo dài nữ bị cắt xẻ quá đà, mất đi nét ý nhị, tinh tế.
Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Nguyễn Thị Thu Thủy, việc trưng bày trình diễn áo dài truyền thống hoặc cách tân nên được cân nhắc kĩ tùy theo từng địa điểm để có thể phát huy giá trị, đồng thời không phá vỡ không gian văn hóa vốn có. Như ví dụ của bà, các khu vực xung quanh Hồ Gươm hay Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm hiện nay có thể trưng bày những loại áo cách tân. Bởi, đây đều là những không gian văn hóa sáng tạo, cần nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mới mẻ nhằm tạo dấu ấn với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Trong khi đó, những trường hợp như ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây vốn là nhà cổ, cần bảo tồn tính nguyên vẹn của di sản và sẽ thích hợp hơn nếu trưng bày áo dài truyền thống tại đây.
Một số ý kiến tại tọa đàm cũng chỉ rõ: So với các tỉnh thành khác (như trường hợp Thừa Thiên - Huế), "sức nóng" của các hoạt động quảng bá áo dài tại Hà Nội vẫn chưa được khai thác nhiều. Do vậy, với vai trò là một trung tâm sáng tạo của cả nước, những người làm văn hóa tại Hà Nội cần tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ hơn cho việc quảng bá áo dài. Bởi trước tới nay, việc quảng bá này vẫn chỉ xoay quanh những hoạt động diễu hành, trình diễn thời trang, trải nghiệm tại các làng nghề, mà chưa có nhiều đổi mới đáng ghi nhớ.
Tọa đàm Định hướng phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch nằm trong khuôn khổ lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023, được UBND TP Hà Nội tổ chức từ 27- 30/10.