Nhìn lại Giải thưởng Đóa hoa đồng thoại: Nơi trí tượng tưởng cất cánh
Vừa qua tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác Đóa hoa đồng thoại lần thứ 6 (2023). Tôi đã tham gia Ban giám khảo từ lần thứ nhất (2018) tới nay. Thật là vui khi thấy cuộc thi ngày càng được đông đảo các em học sinh và các phụ huynh quan tâm tham gia.
Nếu lần thứ nhất có hơn 200 bài dự thi, thì đến lần thứ 6 này đã có hơn 3.000 bài. Có ý kiến cho rằng, trong 5 năm qua, việc các tác phẩm đoạt giải cuộc thi Đóa hoa đồng thoại được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành sách phát hành rộng rãi đã có tác dụng lan tỏa một phong cách viết văn giàu cảm xúc, giàu tưởng tượng trong trẻ em.
Hãy nhìn rộng ra hơn nữa ta sẽ thấy một quá trình chuyển biến đã diễn ra trong sáng tác cho trẻ em và chính sáng tác của trẻ em trong nhiều năm gần đây.
Một sân chơi bổ ích
Từ khi đất nước hòa bình thống nhất bước sang thời kỳ Đổi mới, sách và văn hóa đọc của Việt Nam đã dần dần mở rộng, "bắc những nhịp cầu", cả với bên trong ký ức văn hóa dân tộc và bên ngoài với các nền văn hóa đa dạng và phong phú của nhân loại. Kho tàng cổ tích dân gian và lịch sử Việt Nam vốn đã có rất nhiều những trang văn kỳ ảo diễm lệ. Phong tục tập quán, âm nhạc, dân vũ, dân ca, trò chơi dân gian các dân tộc Việt Nam… đã được chú ý nghiên cứu phục dựng lôi cuốn thanh thiếu nhi trở về với cội nguồn văn hóa tổ tiên.
Trong khi đó, những cuốn sách dịch giới thiệu các phong cách sáng tác giàu tính nhân văn, có trí tưởng tượng rộng mở được chuyển ngữ sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi như Truyện cổ tích Andersen, Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry), truyện tranh Doraemon (Fujiko F. Fujio), bộ tiểu thuyết huyền bí Harry Potter (J.K. Rowling)… Văn hóa đọc của trẻ em Việt Nam hiện nay vừa thấm thía cội rễ văn hóa dân tộc vừa được chắp đôi cánh tưởng tượng mở rộng.
Trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em trên toàn thế giới đều vốn có tiềm tàng một trí tưởng tượng phong phú. Nếu có sự kích thích tạo ra những sân chơi bổ ích, trí tưởng tượng của trẻ em sẽ được thể hiện thành những tác phẩm văn học nghệ thuật.
Từ năm 2018, cuộc thi Đóa hoa đồng thoại (do Công ty TNHH ENEOS Việt Nam tài trợ, Quỹ Bắc Cầu tổ chức, Nhà xuất bản Kim Đồng đồng hành với sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản) đã được phát động ở Việt Nam. Sáu năm qua một lớp trẻ em Việt Nam mới đã có một sân chơi bổ ích để trí tưởng tượng cất cánh.
"Những người viết cho trẻ em hôm nay, phải chăng nên dành thời gian đọc các sáng tác của các em nhỏ?" - nhà văn Lê Phương Liên.
Những bất ngờ
Ban giám khảo cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ 6 đã thực sự bị bất ngờ khi đọc những truyện ngắn như Chuyến bay hạnh phúc (Đào Khương Duy, sinh năm 2011 tại Bến Tre), Thế giới trong áo mưa của mẹ (Nguyễn Thanh Ngân, sinh năm 2013 tại Hà Nội). Dù Ban giám khảo chấm chọn rất độc lập, không ai trao đổi với ai, nhưng đã nhất loạt cho điểm cao nhất truyện ngắn Chuyến bay hạnh phúc của Đào Khương Duy, học lớp 7/1, Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Có thể nói rằng Chuyến bay hạnh phúc là một truyện ngắn hoàn hảo, được viết bằng suy nghĩ ngây thơ của một cậu bé 12 tuổi. Câu chuyện có 3 nhân vật chính Hươu cao cổ, Voi và Nhím đều thích được đi máy bay. Hươu cao cổ đã tới 3 hãng hàng không là Hãng "Chim Sẻ" (loại nhỏ), rồi Hãng "Bồ Câu" (loại trung bình), tới Hãng "Đại Bàng" (loại lớn), đều bị từ chối bán vé. Trong lúc thất vọng, Hươu cao cổ chợt nảy ra ý tưởng: "Chuyện gì trên đời cũng có lần đầu tiên. Mình sẽ tự đóng một chiếc máy bay cho riêng mình!".
Khi Hươu cao cổ đang đóng chiếc "máy bay mơ ước" thì 2 bạn Voi và Nhím cùng cảnh ngộ đã đến tham gia cũng làm. Thế rồi những đám mây sà đến xung quanh vì sắp có cơn mưa. Hươu cao cổ, Voi và Nhím cùng lên ngồi trên "máy bay" tưởng tượng như mình đã được bay thật sự!
Tác giả đã viết: "Chiếc máy bay ấy mãi mãi không cất cánh, nhưng niềm vui của các hành khách đã bay tít tận 9 tầng mây. Đó đích thực là chuyến bay hạnh phúc nhất thế giới này!".
Thật là một lời kết đầy cảm xúc, lãng mạn, ngây thơ.
Đào Khương Duy đã viết một truyện ngắn chân thật, phù hợp với đặc điểm riêng của các loài vật: Một nhân vật cao quá (Hươu cao cổ), một nhân vật to nặng quá (Voi), một nhân vật thân thể có gai (Nhím). Ba kẻ khác thường cùng làm một chiếc máy bay để thỏa mãn giấc mơ bay lên không trung là một câu chuyện "đùa như thực". Các nhà văn chuyên nghiệp lớn tuổi không thể viết được một truyện ngắn như thế này. Truyện ngắn Chuyến bay hạnh phúc thực sự là một đóa hoa từ trí tưởng tượng của một cậu bé.
Trí tưởng tượng của bé gái Nguyễn Thanh Ngân lại có một vẻ đẹp khác. Tình cảm ngây thơ trong truyện ngắn Thế giới trong áo mưa của mẹ đã khiến người đọc rất rung động. Em đã diễn tả chân thật cảnh cô học trò bé nhỏ ngồi sau xe máy của mẹ, trùm kín áo mưa. Truyện ngắn của em đã chạm vào ký ức trái tim của tất cả những em bé ngồi trên xe được bố mẹ chở đi học.
Việc tả cảnh tưởng như "toàn là thật" vẫn rất cần một trí tượng tượng để phản ánh được cảnh sắc, sự vật chuyển động, biến đổi từ ánh mắt của một tác giả 10 tuổi. Bởi em không chỉ nhìn bằng mắt, mà nhìn bằng cả trái tim. Những cảnh vật mà cô bé chỉ nhìn thấy dưới đất, trong không gian hạn hẹp của cái áo đi mưa, đã thực sự được trí tượng tưởng diễn đạt thành một "thế giới". Đó là thế giới của tình mẹ con, đó là một tổ ấm đang lao đi trong mưa gió mà vẫn an lành tình yêu thương dành cho nhau.
Dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam đang được tiếp nối
"Đóa hoa đồng thoại chỉ là 1 trong những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, giải thưởng văn học thiếu nhi… đang nở rộ trong đời sống văn hóa của đất nước Việt Nam hiện nay. Là một người đã tham gia ban giám khảo của nhiều cuộc thi, tôi thực sự vui mừng nhìn thấy những tác phẩm có trí tượng tượng hồn nhiên bay bổng của trẻ em được hiện diện trên trang giấy. Thế kỷ 21 đã đi qua hơn 20 năm. Chúng ta không thể không tự hào khi nhìn thấy sắc diện của văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỷ mới đang hình thành. Dòng chảy văn học thiếu nhi Việt Nam đang được tiếp nối với những cảm xúc mãnh liệt mới mẻ hiện đại" - nhà văn Lê Phương Liên.
Đừng rời xa chân, thiện, mỹ
Cuộc thi Đóa hoa đồng thoại đã đi tới lần thứ 6. Trí tưởng tượng mang tình yêu cuộc sống và con người của các em thiếu nhi Việt Nam đã cất cánh bay cao trong 6 chuyến bay. Chính trong cuộc thi lần thứ 6 này, Ban giám khảo đã nhận ra khoảng cách giữa các bài được giải thưởng với các bài khác không được giải càng ngày càng xa.
Bên cạnh những truyện ngắn xuất sắc như Chuyến bay hạnh phúc, Thế giới trong áo mưa của mẹ, thì có nhiều bài viết đang rơi vào tình trạng "tưởng tượng vô căn cứ", "tưởng tượng khiên cưỡng". Chữ "khiên cưỡng" có nghĩa là tác giả cố ý "dắt cưỡng" nhân vật suy nghĩ, hoạt động theo ý của mình.
Người viết sẽ không thuyết phục được người đọc, nếu người viết cách viết "đồng thoại" mà không chú ý đến đặc điểm sinh học của loài vật mà ta chọn làm nhân vật. Ví dụ con gián có mùi hôi, đó là bẩm sinh tự nhiên của loài gián. Ta không thể cố ý làm cho con gián thơm tho được. Nhất là khi viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Các em đang tìm hiểu tự nhiên và xã hội. Ta không thể đưa những nhận thức sai lệch cho các cháu nhỏ thông qua việc "tưởng tượng tùy tiện", xa rời tính chân, thiện, mỹ. Những truyện đồng thoại thành công đều do các tác giả hiểu rõ đời sống, tập tính tự nhiên của loài vật mà tác giả chọn làm nhân vật.
Văn là người. Tâm hồn, tính nết, học vấn, trải nghiệm thực tế… của người viết đều sẽ hiển hiện trên trang viết. Những người viết cho trẻ em hôm nay, phải chăng nên dành thời gian đọc các sáng tác của các em nhỏ? Hãy lắng nghe lời nói và suy nghĩ của các em nhỏ, để soi sáng lại những trang viết của mình, xem có chạm tới được tới tình cảm và ước mơ của bạn đọc nhỏ tuổi hay không?
Hà Nội 3/12/2023
Kết quả giải thưởng
Từ 3.110 tác phẩm dự thi của 2.222 thí sinh ở khắp các thành, qua 4 vòng chấm thi, BTC đã chọn được 23 tác phẩm xuất sắc nhất của 22 tác giả. Kết quả trao 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 9 giải Ba, 5 giải Khuyến khích.
* Hạng mục tiểu học
Giải Nhất: Nguyễn Thanh Ngân (10 tuổi, Hà Nội) với chùm tác phẩm Thế giới trong áo mưa của mẹ, Số 0 trốn đi đâu?
Giải Nhì: Phạm Thị Thu Hiền (8 tuổi, Hưng Yên) với Cô bé gạch vỡ; Đoàn Vy Anh (9 tuổi, TP.HCM) với Buổi biểu diễn đặc biệt
Giải Ba: Đinh Bùi Mộc Nhi (9 tuổi, Hà Nội) với Chuyện của gấu; Nguyễn Dương Hà Minh (10 tuổi, Hà Nội) với Chiếc nhiệt kế điện tử; Hoàng Ngọc Khanh (8 tuổi, Hà Nội) với Tiệm phở nhà Rắn
Giải Khuyến khích: Phàng Cát Tường (10 tuổi, TP. HCM) với Mình thật tuyệt vời!; Trần Dương Khang (10 tuổi, TP. HCM) với Có một chú sâu hóa bướm; Nguyễn Văn Minh Đăng (6 tuổi, Hà Nội) với Mặt trăng đi theo tớ làm gì thế?
* Hạng mục 𝐓𝐇𝐂𝐒
Giải Nhất: Đào Khương Duy (12 tuổi, Bến Tre) với Chuyến bay hạnh phúc
Giải Nhì: Nguyễn Vũ An Băng (11 tuổi, Hà Nội) với Hạt muối đi tìm mẹ; Nguyễn Ngọc Hương Giang (13 tuổi, Hà Nội) với Bác ong chăm chỉ
Giải Ba: Nguyễn Ngô Trúc Phương (12 tuổi, TP.HCM) với Chiếc tổ mới của sẻ con; Lê Lam Quỳnh (14 tuổi, Hà Nội) với Tên của tớ là Don; Lê Ngọc Ánh (11 tuổi, Nam Định) với Chuyến phiêu lưu của thỏ con
Giải Khuyến khích: Đặng Trần Tuyết Liên (14 tuổi, Nam Định) với Vì sao của người trồng sao
* Hạng mục tự do
Giải Nhất: Nguyễn Thị Thùy Chi (33 tuổi, Lạng Sơn) với Bông xuyến chi
Giải Nhì: Đặng Thu Hà (20 tuổi, Phú Thọ) với Người bạn mới
Giải Ba: Phạm Thị Hương (35 tuổi, Hải Phòng) với Nỗi lo của chiếc lá nhỏ; Nguyễn Huỳnh Tú Duyên (22 tuổi, Bình Thuận) với Lồng đèn bánh ú; Vũ Đức Thắng (27 tuổi, TP.HCM) với Chuồn chuồn nhỏ và cơn mưa
Giải Khuyến khích: Trịnh Bích Phương (17 tuổi, TP.HCM) với Nỗi sợ của răng khôn