V-League cần được tôn trọng hơn

Night Wolf V-League 2023/24 sau khi tái đấu 2 vòng lại phải nghỉ để có thêm thời gian cho đội U23 chuẩn bị thi đấu ở VCK U23 châu Á, việc này có thể hiểu là do bối cảnh có thay đổi nên U23 Việt Nam cần được ủng hộ trong thời điểm này. Nhưng…

Việc tập trung cho U23 Việt Nam lúc này, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. HLV Troussier chia tay bóng đá Việt Nam và những gì ông để lại không đơn giản để giải quyết. Ưu tiên hàng đầu là tránh phải có thêm những cú sốc kiểu như thất bại 0-3 trước Indonesia như vừa qua. Nhiệm vụ đó đang được đặt lên đôi vai của HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò của mình.

Có lẽ ông Tuấn đủ thông minh để biết rằng mục tiêu của U23 Việt Nam tại VCK châu Á không phải là các kết quả tưng bừng, mà là phải chơi bóng thuyết phục. Dựa trên phong cách huấn luyện của ông Tuấn và các trải nghiệm của thời HLV Park Hang Seo, thì U23 Việt Nam sẽ phải quay về với lối chơi phòng ngự phản công. Vấn đề là danh sách sơ bộ của U23 đã được gửi đi, ông Hoàng Anh  Tuấn chỉ có thể thay đổi một vài nhân sự, nên ông cần có thời gian để điều chỉnh lối chơi dựa trên những cầu thủ vốn đã tiếp nhận triết lý bóng đá khác biệt thời ông Troussier.

Thế là V-League phải "hi sinh", điều mà giải đấu số 1 quốc gia đã phải làm khá nhiều lần trước đây. Chúng ta có thể thông cảm trong trường hợp hiện tại, nhưng về lâu dài, nếu muốn thực sự thay đổi nền bóng đá, thì V-League cần nhận được sự tôn trọng nhiều hơn. Nếu cần thiết, giải đấu này nên hoàn toàn độc lập so với quá trình vận hành của các đội tuyển quốc  gia, miễn là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nói như vậy không phải vì V-League "ích kỷ",  mà bởi ngay chính giải đấu này cũng đã ổn đâu? Có rất nhiều thứ VFF muốn "ấn" xuống V-League nhưng lại không thể do lo ngại các CLB không đáp ứng được nên mọi chuyện chẳng đi đến đâu.

V-League cần được tôn trọng nhiều hơn - Ảnh 1.

V-League vừa đá lại đã chuẩn bị tạm nghỉ để đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu ở VCK U23 châu Á 2024. Ảnh: Minh Hoàng

Ví dụ như việc tăng số cầu thủ U21 trong danh sách đăng ký, hay số cầu thủ U23 được ra sân chẳng hạn. Tương tự, là việc yêu cầu các CLB phải có đủ tuyến trẻ, dự đủ các giải đấu tuổi U, đó đều là những việc phải làm nhưng các nhà quản lý chưa đủ cơ sở để buộc CLB tuân thủ triệt để.

Vì thế mới cần nhìn nhận V-League như một thực thể độc lập. Giải đấu này đang rất hấp dẫn, đặc biệt là mùa giải hiện tại. Số CLB đua tranh chức vô địch đang tăng, cuộc đua trụ hạng cũng rất quyết liệt, điều này đồng nghĩa với việc các CLB "hứng thú" với V-League. Đây là một điều kiện cần thiết để những nhà quản lý có thể "ép" các CLB tuân thủ Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, nhất là khâu đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ. Họ phải có hứng thú làm bóng đá thì mới có kế hoạch đầu tư lâu dài.

Nhưng việc cứ dừng V-League theo mục đích riêng khiến cho giải đấu này cảm thấy bị xem nhẹ. Về lý thuyết, các đợt nghỉ này sẽ ảnh hưởng đến phong độ thi đấu, ít nhiều cũng sẽ tác động đến các cuộc đua. Hơn nữa, nếu bây giờ CLB có không muốn, thì họ cũng không thể phản ứng với VFF hay từ chối cho cầu thủ của họ lên đội tuyển. Quyền lợi bị ảnh hưởng mà vẫn phải chịu, đẩy họ vào một hoàn cảnh ức chế như vậy, thì lấy đâu ra sự "hứng thú"?

Có lẽ bóng đá Việt Nam cần thực sự tạo sự thay đổi từ V-League. Bài học từ nhiệm kỳ đổ vỡ của HLV Troussier đã quá rõ: HLV có giỏi đến thế nào thì cũng cần phải có những con người phù hợp và dồi dào để tuyển chọn. Mọi nguồn lực về con người nếu không đến từ V-League và các CLB thì đến từ đâu? Chúng ta đã để cho HLV Troussier tự tạo ra một CLB của riêng ông trên đội tuyển, bất chấp phong độ của họ tại V-League, cứ như thể đội tuyển và giải VĐQG chẳng liên quan gì đến nhau.

Càng dành cho V-League sự tôn trọng cao nhất thì mới có thể "ra điều kiện" cho các CLB về những nghĩa vụ đối với nền bóng đá. Còn một khi CLB cứ phải "ngậm bồ hoàn làm ngọt" thì họ sẽ có đủ lý do để tránh né các trách nhiệm đối với tương lai bóng đá nước nhà. 


Long Khang

Link gốc: TTVH