Góc chuyên gia: Lời cảnh báo cho điền kinh và bơi

2 môn thể thao cơ bản điền kinh và bơi của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đều "hụt" chỉ tiêu huy chương Vàng. Đây là lời cảnh báo cho công tác chuẩn bị nếu muốn tạo điểm nhấn tại ASIAD.

1. Đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành 12 HCV, 20 HCB và 8 HCĐ tại SEA Games 32 và chính thức để mất vị trí số 1 toàn đoàn vào tay Thái Lan (16 HCV, 8 HCB, 5 HCĐ) sau 2 kỳ SEA Games 30 và 31 chúng ta dẫn đầu ở đấu trường khu vực. Theo đánh giá của tôi, có 3 nguyên nhân khiến điền kinh Việt Nam sa sút về thành tích ở kỳ SEA Games 32.

Thứ nhất, lực lượng có thể tranh chấp ở các nội dung của nam đều sa sút về thành tích hoặc vắng mặt không thi đấu và thế hệ kế cận chưa đảm bảo sức cạnh tranh ở những nội dung từng là thế mạnh như ở cự li trung bình (800m, 1.500m) hay cự li dài (5.000m, 10.000m) và kể cả ở các nội dung nhảy, ném đẩy cũng không xuất hiện nhân tố có thể gây đột biến. 

Thứ hai, sự thất thế ở các nội dung thi đấu cự li ngắn 100m, 200m, các nội dung nhảy (nhảy cao, nhảy xa, nhảy ba bước) và ném lao của cả nam và nữ cũng khiến đội tuyển điền kinh không thể làm dày thêm bộ sưu tập huy chương như chúng ta đã làm được ở kỳ SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà.

Thứ ba, sự cố doping ở SEA Games 31 cũng khiến lực lượng VĐV có đủ khả năng bảo vệ hoặc tranh chấp ở một số nội dung bị thiếu hụt, trong bối cảnh, những người kế cận chưa hội tụ đủ khả năng để thế chỗ chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Quan sát cuộc thi đấu ở SEA Games 32, điền kinh Việt Nam vẫn có những gương mặt rất đáng khen ngợi, điển hình như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Huỳnh Thị Mỹ Tiên, Nguyễn Linh Na, Nguyễn Trung Cường….. Họ đã khắc phục mọi khó khăn từ khách quan hay sự cạnh tranh từ đối thủ để bảo vệ thành tích.

Có những vấn đề được đặt ra như lịch thi đấu chồng chéo, rồi điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng đây là sự ảnh hưởng chung của các VĐV chứ không riêng gì VĐV của Việt Nam. Còn về thành tích, rõ ràng, điền kinh Việt Nam hướng tới ASIAD 19 ngay sau đây với rất nhiều lo lắng. Ai sẽ là mũi nhọn để có thể tranh chấp huy chương ở đấu trường châu lục?

Góc chuyên gia: Lời cảnh báo cho điền kinh và bơi - Ảnh 1.

Sự thiếu hụt lực lượng ở các nội dung thi đấu của nam khiến điền kinh Việt Nam không còn duy trì được vị trí số 1 tại SEA Games 32. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

 2. Đội tuyển bơi cũng đã trải qua một kỳ SEA Games với nhiều áp lực và khó khăn. Sự cạnh tranh ngày một khắc nghiệt hơn từ đối thủ và có nhiều yếu tố dẫn đến việc các kình ngư chưa giành đủ số lượng huy chương như mong muốn. Dẫu vậy, dưới góc độ chuyên môn, tôi ghi nhận thành tích mà các kình ngư, tiêu biểu như bộ ba Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo và Trần Hưng Nguyên đã giành được.

7 tấm HCV của đội tuyển bơi giành được có dấu ấn đặc biệt của bộ ba này và thể hiện vai trò trụ cột trong bối cảnh chúng ta không còn được ưu thế rất lớn như thời Nguyễn Thị Ánh Viên còn thi đấu ở SEA Games. Thành tích nhìn chung chưa thực sự khả quan nhưng vẫn thắp lên hi vọng để tranh chấp ở đấu trường châu lục với tiềm năng và sức bật của Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung sở trường 1.500m tự do nam.

Với các nội dung của nữ, sự xuất hiện của Nguyễn Thúy Hiền cũng đem đến hi vọng trong tương lai. Ở tuổi 14 những gì cô bé này làm được rất đáng khen ngợi và vấn đề còn lại thuộc về các nhà quản lý, các nhà chuyên môn trong việc tìm ra phương pháp và tạo điều kiện để có thể nâng cao, cải thiện thành tích ở đấu trường khu vực hay châu lục.

Điền kinh và bơi của thể thao Việt Nam đã từng khẳng định được vị thế ở khu vực và cho thấy sức bật có thể tranh chấp ở đấu trường lớn hơn. Qua phần thi đấu tại SEA Games 32, nhiều bài học cần rút ra để chuẩn bị cho ASIAD hay các cuộc thi đấu ở vòng loại Olympic. Riêng ở 2 môn này, sức cạnh tranh là rất lớn nhưng vẫn rất cần được quan tâm, cần được mài giũa thành mũi nhọn để tiếp cận thành tích cao ở châu lục.

Cái khó của chúng ta là không có nhiều tài năng để cạnh tranh nhưng nếu công tác đào tạo, đầu tư không được tiếp tục thực hiện thì sự thất thế sẽ ngày một lớn hơn.  


Nguyễn Hồng Minh

Link gốc: TTVH