Barbra Banda: Từ võ sĩ chuyên nghiệp đến nữ tuyển thủ Zambia
Không ai nghĩ một tiền đạo được kỳ vọng ở World Cup nữ 2023 như Barbra Banda lại xuất thân là một nữ võ sĩ chuyên nghiệp. Điều gì đằng sau sự chuyển đổi ấn tượng của tiền đạo thuộc đội tuyển nữ Zambia này?
Khi Banda lập liên tiếp hai cú hat-trick cho tuyển Zambia ở các trận đấu thua Hà Lan 3-10 và hòa Trung Quốc 4-4 tại môn bóng đá nữ Olympic Tokyo 2020, nhiều người đã gọi cô là một tiền đạo đẳng cấp thế giới. Chẳng ai biết rằng nữ tiền đạo 23 tuổi này, thủ quân nữ đầu tiên của tuyển Zambia ở một kỳ World Cup, suýt chút nữa đã rẽ theo một con đường sự nghiệp hoàn toàn khác.
Bước ngoặt từ Tây Ban Nha
Cô từng trải qua hơn 60 trận đấu hết sức thành công với tư cách một võ sĩ nghiệp dư. Banda sau đó bước chân vào sự nghiệp của một võ sĩ chuyên nghiệp với 5 chiến thắng, bao gồm 4 trận thắng knock-out và một trận thắng bằng tính điểm. Cô vừa thi đấu quyền anh vừa đá bóng trước khi lời đề nghị ký hợp đồng chuyên nghiệp từ CLB EDF Logrono ở Tây Ban Nha mùa 2018-19 buộc cô phải đưa ra quyết định quan trọng: Từ bỏ thảm đấu võ sĩ để dấn thân tuyệt đối vào sự nghiệp bóng đá.
Banda chia sẻ: "Lúc đầu tôi đến một phòng tập gym ở Mutendere, Zambia. Tôi nhìn thấy một vài người đang tập luyện ở đó rồi hỏi mẹ tôi liệu có thể nói chuyện với các HLV ở đó được không. Mẹ tôi vốn không phải người ủng hộ tôi theo nghiệp thể thao vì muốn tôi tập trung vào việc học hành. Nhưng rồi tôi cố gắng thuyết phục mẹ nói chuyện với các HLV. Trước khi tôi chính thức thi đấu, tôi mất hai tuần tập luyện. Tôi cố gắng kết hợp cả quyền anh lẫn bóng đá đồng thời không quên việc học hành. Nhưng khi tôi nhận được bản hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên, tôi quyết định kết thúc sự nghiệp quyền anh. Tôi không còn lựa chọn nào khác".
Việc đến thi đấu ở Tây Ban Nha đem đến cho Banda những bài học quý báu. Cô ghi 16 bàn trong 28 lần ra sân cho Logrono. Quá trình thích nghi với bóng đá chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha của cô đã chứng kiến những biến đổi không ngừng: "Đó là một môi trường thi đấu giàu sức mạnh và tính cạnh tranh. Nó giúp tôi rất nhiều".
Nạn nhân của những quy định vô lý
Chừng đó đủ để nữ tiền đạo 23 tuổi này có được cơ hội chơi bóng ở Shanghai Shengli, một CLB ở Trung Quốc, vào tháng 1/2020. Mức phí 300 nghìn USD giúp Banda trở thành tiền đạo đắt giá thứ ba trong lịch sử bóng đá nữ. Cô ghi 18 bàn trong mùa đầu tiên chơi bóng ở Trung Quốc, bao gồm một cú hat-trick. Sau khi chơi quá hay ở Olympic Tokyo, Banda được kỳ vọng trở thành thủ quân tuyển Zambia tham dự giải WAFCON tổ chức ở Maroc hồi tháng Bảy năm ngoái. Phẩm chất của một nhà lãnh đạo và sự bùng nổ của cô là những yếu tố quan trọng để Zambia sống sót trong một bảng đấu có những đối thủ đáng gờm như Nigeria, Cameroon và Nam Phi. Đáng tiếc, cô gặp vấn đề với quy định có tên DSD (sự khác biệt trong phát triển giới tính), một quy định do Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) đặt ra.
Cụ thể, ở thời điểm trước giải WAFCON, nồng độ testosterone trong cơ thể Banda vượt quá giới hạn do CAF đặt ra. Cô là một trong bốn cầu thủ Zambia bị gạch tên khỏi giải đấu vì lý do trên. Liên đoàn bóng đá Zambia vẫn để Banda đến tham dự giải đấu, nhưng cô buộc phải làm khán giả và được đăng ký với chức danh quan chức đội bóng. Bà Andrew Kamanga, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Zambia cảm nhận việc chứng kiến trải nghiệm không vui vẻ gì của Banda chắc chắn khiến cô chịu áp lực đáng kể về tinh thần: "Tôi chỉ muốn nói mình đang muốn làm những điều tốt nhất cho đất nước mình, bao gồm các hoạt động từ thiện với trẻ em. Chuyện diễn ra ở WAFCON đã là của quá khứ, tôi đến đây với sự ủng hộ từ FIFA".
Kamanga tin rằng Banda là nạn nhân của sự đối xử bất bình đẳng từ CAF so với những gì nhận được từ FIFA: "Luật của các giải đấu do CAF tổ chức và FIFA tổ chức rất khác nhau. Cuối cùng chúng tôi quyết định kháng cáo quy định của CAF với hy vọng tổ chức này sẽ thống nhất hòa hợp quy định với FIFA để tránh lặp lại những trải nghiệm đau buồn và không công bằng này".
Điều đáng tiếc cho Banda là cô không còn cơ hội để giúp tuyển nữ Zambia tiến sâu ở World Cup nữ năm nay. Hai trận thua cùng với tỷ số 0-5 trước Nhật Bản và mới nhất là Tây Ban Nha khiến cô và các đồng đội hết cơ hội giành vé đi tiếp. Tuy vậy, Banda tin rằng một giải đấu lớn như World Cup là cơ hội lý tưởng để cô thiết lập danh tiếng toàn cầu mà mình muốn tạo ra: "Tôi muốn mọi người biết mình là ai khi còn ở trên sân. Tôi muốn tạo dựng tên tuổi và để lại dấu ấn của riêng mình". Trận gặp Costa Rica là cơ hội cuối cùng để Banda để lại chút gì đó ở kỳ World Cup năm nay.
Đức Hùng