'Mở kho phim' về đề tài chiến tranh và hậu chiến (kỳ 3): Giữa khúc anh hùng ca
Phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Trải qua thời gian, dòng phim này có sự vận động âm thầm, bền bỉ, chuyển giọng điệu, chuyển cảm hứng từ sử thi - vốn là đặc điểm nổi trội của thời kỳ đó - sang cảm hứng phi sử thi.
Một đặc điểm nổi bật của văn học - điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng là chất sử thi. Đây vốn là một khái niệm dùng để chỉ một thể loại hoặc một loại hình nội dung văn học thường xuất hiện trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Sử thi xây dựng hình tượng con người ở thang giá trị cao nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Do vậy, sự thể hiện nó luôn ở tâm thế ngưỡng mộ, ngợi ca.
Văn chương và điện ảnh phối hợp
Những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam giàu tính sử thi, ngợi ca dân tộc anh hùng và nhân dân anh hùng. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam Chung một dòng sông (1959, đạo diễn Phạm Kỳ Nam) cho tới những bộ phim về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trước năm 1975, tính sử thi vẫn là một đặc điểm nổi bật.
Phim Lửa trung tuyến (1961, đạo diễn Phạm Văn Khoa) ghi nhận một bước tiến trong sự tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh và khắc họa bản sắc văn hóa Việt Nam. Lấy bối cảnh chiến trường miền Bắc cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, xây dựng hình tượng những con người bình dị, quả cảm, giàu lòng yêu nước, ý thức công dân... Phim thể hiện sâu sắc nhân sinh quan cao đẹp, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.
Văn chương và điện ảnh đã phối hợp nhuần nhuyễn ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thời đại anh hùng. Văn chương là nguồn mạch gợi ý cho nhà biên kịch viết kịch bản. Phim Lửa trung tuyến do đạo diễn Phạm Văn Khoa và Lê Minh Hiền thực hiện dựa theo truyện ngắn cùng tên của Văn Dân. Từ truyện ngắn Vật kỷ niệm của người đã mất của nhà văn Văn Ngữ - Cường Tráng, 2 đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Hồng Nghi dàn dựng thành phim Vật kỷ niệm (1960). Phim Vợ chồng A Phủ (1961) được đạo diễn Mai Lộc - Hoàng Thái dàn dựng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài.
Từ tác phẩm Một truyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái và chính ông đã chuyển thể kịch bản, đạo diễn Phạm Kỳ Nam dàn dựng phim Chị Tư Hậu (1963) - tác phẩm kinh điển, ghi dấu ấn chặng đường đầu của điện ảnh Việt Nam. Dựa theo truyện ngắn Câu chuyện về một bài ca của mình, Nguyễn Văn Thông đã cùng Trần Vũ chuyển thể và đạo diễn thành công phim Con chim vành khuyên (1962). Phim Kim Đồng (1964) được đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ xây dựng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Phim Trên vĩ tuyến 17 (1965) do nhà văn Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản, Lý Thái Bảo và Nhất Hiên đạo diễn. Phim Nguyễn Văn Trỗi (1966) được 2 đạo diễn Bùi Đình Hạc - Lý Thái Bảo xây dựng từ tác phẩm Sống như anh của nhà văn Trần Đình Vân, do Phù Thăng biên kịch. Phim Nổi gió (1966) của nhà văn Đào Hồng Cẩm nổi tiếng, được nghệ sĩ Huy Thành đạo diễn. Phim Người chiến sĩ trẻ (1964) do đạo diễn Hải Ninh - Nguyễn Đức Hinh xây dựng từ kịch bản của nhà văn Hải Hồ. Phim Khói (1967) được Trần Vũ và Nguyễn Thụ chuyển thể kịch bản và đạo diễn từ truyện ngắn Khói của nhà văn Bùi Đức Ái...
Phim Lửa rừng (1966) do Văn Thảo Nguyên biên kịch, Phạm Văn Khoa đạo diễn. Phim Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn với kịch bản Đoàn Quế và Khắc Lợi, đạo diễn Khắc Lợi và Hoàng Thái. Phim Rừng o Thắm (1966) do NSND Hải Ninh giữ 2 vai: Biên kịch và đạo diễn. Phim Chị Nhung (1970) do 2 nghệ sĩ Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh biên kịch và đạo diễn. Phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) do cặp nghệ sĩ nổi tiếng là đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ đảm trách. Phim Bài ca ra trận do Trần Đắc đạo diễn và tham gia biên kịch cùng Hồ Phương - Hồng Lực. Phim Em bé Hà Nội (1974) do Hoàng Tích Chỉ biên kịch, Hải Ninh đạo diễn…
"Tôi nghĩ kịch bản phim Cánh đồng hoang từ năm 1966, rồi năm đó tôi đi về chiến trường Đồng Tháp Mười và ghi nhận được một số hình ảnh về chiến tranh Đồng Tháp Mười rất độc đáo... Mãi cho đến ngày 18/12/1978, tôi mới bắt đầu viết..." - nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm hứng sử thi và phi sử thi
Cảm hứng sử thi vẫn là đặc điểm nổi bật với những bộ phim mang chiều kích lớn về đất nước, nhân dân. Song phim truyện xây dựng sau năm 1975 (nhất là sau năm 1986) đã có nhiều nét mới từ cảm hứng đến chất liệu và giọng điệu.
Có thể thấy một sự chuyển dịch thầm lặng, bền bỉ, cùng sự phân hóa cái tôi sử thi - vốn là âm hưởng chủ đạo của cả nền văn nghệ cách mạng. Đó là dấu hiệu đổi mới căn bản về tư duy và phong cách nghệ thuật giữa cái nhìn sử thi với các yếu tố thế sự, giữa giọng điệu cao vút với giọng điệu trầm lắng, giữa lý tưởng với hiện thực, giữa không gian công cộng với không gian đời tư, giữa khúc anh hùng ca và sắc màu bi tráng…
Phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là phim thời hậu chiến đã kết hợp nhuần nhuyễn cả 2 cảm hứng: Sử thi và phi sử thi (nghiêng nhiều về số phận cá nhân đặt trong mối quan hệ với cộng đồng).
Có thể kể đến những tác phẩm điện ảnh như Đất nước đứng lên (1995, đạo diễn: Lê Đức Tiến), dựa trên tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; phim Vùng trời (1975, tập 1, đạo diễn Huy Thành), dựa trên tiểu thuyết Vùng trời của nhà văn Hữu Mai; phim Hà Nội 12 ngày đêm (2002, biên kịch: Đinh Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Hồng Ngát, đạo diễn: Bùi Đình Hạc); phim Đêm Bến Tre (đạo diễn: Trần Phương, quay phim: Trinh Hoan), dựa theo tiểu thuyết Lửa hương rừng dừa của nhà văn Thanh Giang; phim Tiếng cồng định mệnh (2004, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi); phim Giải phóng Sài Gòn (2004, kịch bản: Hoàng Hà, đạo diễn: Long Vân); phim Năm ngày trong đời vị tướng (2005, biên kịch: Hoàng Hà, Long Vân, đạo diễn: Long Vân); phim Đường thư (biên kịch: Đoàn Minh Tuấn, đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng); phim Mùi cỏ cháy (2011, biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn: Hữu Mười); phim Những người viết huyền thoại (biên kịch: Nguyễn Quang Dũng, đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng); phim Sống cùng lịch sử (2014, biên kịch: Đoàn Tuấn, đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân); phim Người trở về (2015, biên kịch: Nguyễn Thu Dung, đạo diễn: Đặng Thái Huyền); phim Truyền thuyết về Quán Tiên (2019, truyện ngắn: Nhà văn Xuân Thiều, biên kịch: Đoàn Tuấn, giám đốc sản xuất và biên tập phim: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ)...
Những câu chuyện về miền Nam quật cường được thể hiện trong nhiều bộ phim như Mẹ vắng nhà, Người mẹ cầm súng, Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…
Phim Mẹ vắng nhà (1979, đạo diễn và biên kịch: Nguyễn Khánh Dư) dựa trên tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Phim ngợi ca người mẹ anh hùng - chị Nguyễn Thị Út - thường gọi cùng tên chồng là Út Tịch và những đứa con anh hùng. Phim Biệt động Sài Gòn (1982, kịch bản: Lê Phương, Nguyễn Thanh, đạo diễn: Long Vân) kể về các chiến sĩ biệt động nằm giữa nội thành Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bộ phim được coi là một thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam những năm 1980 về nghệ thuật, dàn dựng, diễn xuất... Đây từng là bộ phim ăn khách trong lịch sử điện ảnh Việt Nam và vẫn luôn được công chúng mến mộ từ sau khi công chiếu.
Hai bộ phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng đều được chuyển thể dựa theo tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng do NSND Hồng Sến đạo diễn. Từ khi ra đời, phim đã tạo được những rung cảm thẩm mỹ sâu sắc về cuộc sống, chiến đấu của người dân Nam bộ.
(Còn nữa)