Hoãn phiên toà phúc thẩm vụ 'Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ' giữa VCPMC và Vietart

Ngày 3/8, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart (Vietart).

Trước đó, VCPMC kiện Công ty Vietart ra tòa vì trong chương trình Đêm Việt Nam 7: Chuyện của Mùa Đông (tổ chức ngày 17/1/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội), Vietart sử dụng 20 tác phẩm âm nhạc của các chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền cho VCPMC quản lý nhưng không xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các lợi ích vật chất khác cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Ngày 23/8/2022, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên và  quyết định: Buộc Công ty Vietart bồi thường thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả tổng cộng số tiền là 205.769.804 đồng.

Nhận thấy tòa án cấp sơ thẩm xét xử chưa khách quan, Vietart làm đơn kháng cáo, cho rằng VCPMC thể hiện sự độc quyền không lành mạnh, không xem xét đến lợi ích của các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Hoãn phiên toà phúc thẩm vụ 'Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ' giữa VCPMC và Vietart - Ảnh 1.

Bà Đoàn Thúy Phương, Tổng Giám đốc Công ty VietArt (phía bị đơn) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hòa Nguyễn

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đoàn Thúy Phương, Tổng Giám đốc Công ty VietArt (phía bị đơn) cho rằng, Quyết định số 14 ngày 19/6/2018 về ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc của VCPMC không được coi là văn bản pháp lý làm căn cứ để thu phí tác quyền.

"VCPMC đưa ra cách tính nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc theo công thức "5% x 70% số lượng ghế nơi biểu diễn x bình quân giá vé là không hợp lý, thậm chí cố tình đẩy phí nhuận bút lên quá cao so với các nước phát triển" – bà Thúy Phương nói. "Một chương trình biểu diễn ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia với sức chứa 3.500 chỗ ngồi, có mức giá vé trung bình khoảng 1,8 triệu đồng, với 20 tác phẩm  được biểu diễn thì thì mức phí sẽ là 5% x (3.500 x 70%) x 1.800.00 = 220.500.000đ. Nếu áp theo công thức tính của VCPMC thì đơn vị tổ chức sẽ phải trả tác quyền cho VCPMC khoảng hơn 10.000.000đ/ca khúc, tăng gấp 25 lần so với chi phí nhuận bút VCPMC và các đơn vị tổ chức đã thỏa thuận trong các hợp đồng trước đó là 440.000đ/ca khúc (đã bao gồm VAT).

Hoãn phiên toà phúc thẩm vụ 'Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ' giữa VCPMC và Vietart - Ảnh 2.

Chương trình Đêm Việt Nam 7: Chuyện của Mùa Đông tổ chức ngày 17/1/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Ảnh: Vietart

Tại phiên phúc thẩm, VCPMC nêu quan điểm sẽ không hoà giải với VietArt, vì sự kiện đã diễn năm từ năm 2019, tức là cách đây gần 4 năm. Trong khi đó, phía bị đơn là công ty VietArt đề nghị toà xem xét và sửa bản án sơ thẩm.

Phần hỏi đáp, phía bị đơn – Công ty VietArt cũng đề nghị VCPMC làm rõ về thủ tục ban hành biểu mức tính phí bản quyền các tác phẩm âm nhạc.

Theo đại diện Công ty VietArt, VCPMC là đơn vị trung gian giữa "người bán" và "người mua", trước khi ban hành biểu mức VCPMC có xin ý kiến của những người bán là các nhạc sĩ hay chủ sở hữu quyền tác giả hay không, và có ý kiến của những đơn vị chịu tác động cụ thể là những đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật hay không? Ngoài ra, biểu mức này có được bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào phê duyệt?

VCPMC cho rằng, tại thời điểm ban hành biểu mức không có quy định nào của pháp luật cho rằng biểu mức đó phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, biểu mức cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, VCPMC cũng không áp dụng cứng nhắc mà là căn cứ để các bên thỏa thuận khi cấp phép sử dụng. Khi ban hành biểu mức, VCPMC có căn cứ tình hình thực tế sử dụng, các phản hồi của các bên liên quan để biểu mức phù hợp với tình hình mới, sau khi ban hành có đăng tải công khai trên website của VCPMC.

Công ty VietArt không đồng tình với ý kiến này và cho rằng, các nhạc sĩ và chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc với tư cách là chủ sở hữu tài sản họ có quyền được biết "tài sản" của mình "giá" bao nhiêu chứ không phải là được biết sau khi biểu mức ban hành.

Cũng theo Công ty VietArt, Vietart luôn sẵn sàng và ủng hộ nộp phí bản quyền cho các tác giả của các tác phẩm được sử dụng trong trong các chương trình nghệ thuật với một mức phí phù hợp với tình hình thực tế.

Sau phần Nghị án, xét thấy các bên chưa nộp đầy đủ giấy tờ cũng như cần phải bổ sung thêm các chứng cứ, văn bản, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm.

Phạm Huy

Link gốc: TTVH