'Khát vọng Dế Mèn' An Băng: 'Con lì xì tất cả/ Một năm đầy yêu thương'
Còn nhớ tại lễ trao giải thưởng Dế Mèn lần thứ 3 - 2022, cô bé Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi), đoạt giải Khát vọng Dế Mèn từng khiến nhiều người bất ngờ: Khi nhận được câu hỏi của nhà thơ Trần Đăng Khoa rằng em có ước mơ trở thành một nhà văn không, cô bé trả lời đầy hồn nhiên: "Cháu không muốn trở thành nhà văn. Sau này, cháu muốn trở thành một nhà thiên văn học".
1. Ngoài ước mơ xa xôi muốn trở thành một nhà thiên văn học, An Băng còn có một ấp ủ gần hơn khiến bất cứ ai khi biết được chắc hẳn đều cảm thấy xúc động. "Mong ước năm mới của em là muốn mở một thư viện dành cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn không được đi học. Em muốn các bạn đến và sẽ được vào thư viện của em để đọc sách và học tập" - cô bé bày tỏ.
Lý do cho mong ước của An Băng chỉ đơn giản vì cô bé quan sát và cảm nhận thấy các bạn có hoàn cảnh khó khăn, bạn nào cũng thích học. Vậy nên, An Băng muốn mở một thư viện để chia sẻ và muốn giúp các bạn vươn cao niềm ham thích học hỏi.
Mắt của cô bé long lanh như có một thứ ánh sáng bừng lên khi nói về dự định trong năm mới. Dẫu mong ước có thể quá sức với một cô gái bé nhỏ như An Băng. Và cũng không chắc ấp ủ của em có thể thành hiện thực ngay trong năm mới hay không? Chỉ biết rằng trong cô bé An Băng có lẽ vẫn luôn ẩn chứa một tấm lòng trắc ẩn cùng một nhãn quan vị nhân sinh được hiện hữu thường trực qua những suy nghĩ vốn rất hồn nhiên đúng nghĩa của một đứa trẻ.
Kể từ sau khi đạt giải Khát vọng Dế Mèn, An Băng vẫn tiếp tục viết những câu chuyện trong thế giới tưởng tượng của mình. Cô bé bật mí, mới đây đã viết xong 2 truyện mới. Truyện thứ nhất mang tên Cuộc phiêu lưu của gà con, kể về một chú gà bỏ trang trại nơi mình đang sống để đi chu du, rong chơi chơi khắp nơi. Trong hành trình của mình, gà con gặp cả những điều mình thích thú và không thích. Cuối cùng, sau chuyến phiêu lưu, gà con lại được trở về với nông trại của mình. An Băng cho biết, qua câu chuyện này, em muốn nhắn nhủ: "Cho dù ai có đi đâu, về đâu thì vẫn sẽ quay lại nơi mà mình chôn rau cắt rốn".
Trong khi đó, với truyện thứ hai An Băng còn chưa kịp đặt tên. Truyện kể về một ánh nắng của mẹ mặt trời, ngày nào cũng xuống mặt đất để vui chơi. Thế nhưng, ánh nắng đã nghe được lời than thở của lá cây rằng: Vì ánh nắng mà lá cây bị khô héo nên không thể tươi sống. Ánh nắng biết vậy nên đã rất buồn bã và trốn vào cây mít để tạo cho quả mít có một mùi hương thơm.
An Băng cho biết, sang năm mới em sẽ viết thêm nhiều câu chuyện khác nữa. "Mẹ của em thường gợi ý viết một câu chuyện về tình thương yêu. Em có dự định viết một câu chuyện có tên là Chú chim mang hạnh phúc. Tại vì nhà em có nuôi 2 con vẹt nên em đã lấy ý tưởng từ 2 con vẹt đó. Thỉnh thoảng, em vẫn hay ra trêu trêu, và nghịch người con vẹt. Lúc đó, em thấy rất vui" - An Băng vui nói.
Thế mới thấy, tràn ngập xung quanh cuộc sống của cô bé An Băng có biết bao cảm hứng để viết. Đó đều là những cảm hứng hết sức giản dị, gần gũi từ trong chính ngôi nhà của em, từ người mẹ, từ những chú vẹt, v.v… Để rồi, cách cảm, cách nghĩ và cách viết của An Băng đều cho thấy một cô bé chịu quan sát, biết rung cảm trước những điều thực giản đơn của cuộc sống thường hằng. Cùng với một tâm hồn non tươi, An Băng cứ thế tự nhiên viết lên những câu chuyện nhỏ xinh nhưng lại hàm chứa trong đó những bài học sâu sắc.
2. Nói An Băng là một tài năng văn chương có tố chất "thần đồng" có lẽ cũng không quá. Ngoài viết truyện, em còn làm thơ, vẽ tranh minh họa.
An Băng đã từng vẽ những bức tranh minh họa với đường nét, màu sắc của trẻ thơ, cùng với những tạo hình hết sức ngộ nghĩnh. Đó là khi em đọc một mạch từ đầu đến cuối và vẽ minh họa cho toàn bộ nội dung tập truyện dài Cơ Bản là Cơ Bản của tác giả Phạm Huy Thông, cũng là tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ 3 - 2022.
Đặc biệt về thơ, An Băng đã viết những bài thơ trong vắt cũng xuất sắc không kém so với những truyện đồng thoại của em. Trong một chuyến trải nghiệm tại bản Thái Hải (Thái Nguyên), khi An Băng được biết "mặt mũi" của cái kiềng ba chân, em đã viết ngay một bài thơ có tên Bếp lửa:
Bập bùng ngọn lửa
Tí tách… reo vui
Gửi khói mong manh
Giăng trên mái lá
Đấy là bếp lửa
Dính đầy nhọ than
Cái kiềng ba chân
Đứng im như tượng
Củi dài củi ngắn
Củi nhỏ củi to
Qua bếp lửa này
Biến thành tro ấm
Bếp lửa nồng đượm
Bếp lửa yêu thương
Sưởi ấm đêm đông
Sáng trong đêm tối
Như mặt trời nhỏ
Thức ở giữa nhà
Khói là đám mây
Mong manh bay lượn
Đi đâu cũng nhớ
Mùi khói thân quen
Ngọn lửa bập bùng
Reo vui mỗi sáng
Để có được những câu chuyện, những vần thơ thấp thoáng bóng dáng "thần đồng" như thế, một phần cũng là nhờ gia đình của An Băng luôn tạo điều kiện cho em phát huy năng khiếu và có được nhiều cơ hội trải nghiệm với thế giới xung quanh bằng những chuyến đi vui chơi, thực tế, v.v… Sau mỗi chuyến đi, An Băng làm thơ, viết truyện như một "thu hoạch" để ghi lại trải nghiệm về thế giới muôn màu quanh em, được chắt lọc bằng đôi mắt trong veo và một tâm hồn luôn sẵn sàng rung cảm.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - mẹ của An Băng - thành thực kể rằng, cô bé "có lúc thích đọc sách, có lúc không". Song những cuốn sách An Băng thích đọc nhất đều là những câu chuyện chứa đựng giá trị nhân văn và yếu tố kỳ diệu. Đó là những Lad-Câu chuyện về phẩm giá của một con chó của Albert Payson Terhune, là Charlie và nhà máy sôcôla của Roald Dahl, hay Hơi thở đồng xanh của Thornton W. Burgess v.v… Có lẽ những đầu sách này đã cộng hưởng cho trí tưởng tượng bay bổng của An Băng. Để rồi, cô bé viết lên những câu chuyện, vần thơ trong trẻo, hồn nhiên nhưng lại thẫm đẫm vị nhân sinh.
3. Như bao đứa trẻ khác, nhắc đến Tết, cô bé An Băng cũng háo hức vô cùng. An Băng kể, em cảm thấy rất vui khi từng được ngồi canh nồi bánh chưng, được nhận lì xì của mọi người và được đi chợ Tết cùng bố mẹ.
Nhưng điều khiến An Băng thích nhất trong ngày Tết là được về quê sum họp cùng gia đình, thăm ông bà, họ hàng và được cùng chơi với các anh, chị, em họ của mình.
Tết trong cảm nhận của cô bé An Băng thật dung dị và gần gũi, cũng như chính con người của em vậy: Trong veo và hồn nhiên. Ngày Tết và mùa Xuân cũng bước vào thế giới tưởng tượng của An Băng với muôn dáng vẻ sinh động và rạo rực, mà ý vị nhân sinh. Cùng đọc bài thơ Lì xì của An Băng để thấy không khí Tết, và mùa Xuân ngập tràn như thế nào…
Mùa Xuân lì xì đất
Gió mát và mưa bay
Mặt đất giang rộng tay
Tặng cho cây sức sống.
Cành cây trơ trụi lá
Lì xì những mầm non
Hé cặp mắt trong tròn
Nhìn trời cao xanh biếc.
Cây lì xì bóng mát
Che một khoảng sân trời
Tiếng cười rộn rã vui
Gửi mùa xuân khúc nhạc.
Xuân sang lì xì Tết
Cho tất cả mọi người
Nụ cười nở trên môi
Như bông hoa mới chớm.
Con lì xì tất cả
Một năm đầy yêu thương
Không còn nỗi đau buồn
Ngập tràn là hạnh phúc.
Sáng tạo những câu chuyện khiến người khác ngỡ ngàng
Cô Trần Trinh Lan - giáo viên của An Băng, người trực tiếp có nhiều thời gian gắn bó với em trong quá trình viết lách cho biết: "An Băng là em nhỏ gần 9 tuổi nên sự cảm nhận của em về thế giới rất trong trẻo, mọi suy nghĩ của em rất thánh thiện, thêm một chút kiến thức và kỹ thuật viết làm công cụ, em hoàn toàn có thể sáng tạo những câu chuyện khiến người khác ngỡ ngàng. Với An Băng, những câu chuyện không bắt đầu từ việc cầm bút viết trên giấy mà từ sự quan sát tinh tế mọi sự vật, cũng có khi từ việc thẩm thấu một bức tranh hay cảm nhận cái thô ráp của một chiếc lá bàng…".