Lan tỏa di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại
Sau 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc lưu giữ, truyền dạy dân ca Ví, Giặm đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.
Qua đó, góp phần bồi đắp thêm tình yêu Ví, Giặm của mỗi người dân xứ Nghệ, đồng thời đưa giá trị dân ca Ví, Giặm ngày càng lan tỏa và có sức sống bền bỉ trong đời sống đương đại.
Người trẻ giữ làn điệu dân ca
Mới 11 tuổi, Nguyễn Công Anh (ở huyện Nam Đàn) có giọng hát và tâm hồn yêu dân ca thuần khiết. Cậu bé mê dân ca đến nỗi thuộc hết tất cả những bài dân ca cổ có lời khó như Lời mẹ hát, Thập ân phụ mẫu. Cứ về đến nhà, cậu bé lại hát, lại ngân nga dân ca.
Công Anh được thừa hưởng gen trội về ca hát từ người bố của mình. Thứ nữa là địa bàn nơi em ở, đều đặn mỗi tối các bà, các chị lại hát dân ca, hoặc mở băng đĩa dân ca để ôn luyện. Điều này vô tình đã ngấm vào tâm trí và tình cảm của Công Anh, làm em yêu dân ca từ lúc nào không biết. Em rất thích được học những bài hát lời mới, được luyện thanh cơ bản, uốn nắn từng câu, chữ sao cho lời hát được tròn vành, rõ chữ. Bạn nhỏ này khẳng định mình sẽ theo con đường dân ca cho đến hết cuộc đời dù có chông gai.
Khánh Vy (15 tuổi, Trường Trung học Cơ sở Trung Đô, thành phố Vinh) lại có chất giọng đặc biệt trên làn điệu hát xẩm. Khánh Vy mê hát dân ca và có năng khiếu từ những ngày còn nhỏ. Ở trường, em là hạt nhân văn nghệ và thường đóng đinh trong những bài hát khó. Khánh Vy cho biết, em hát được khá nhiều điệu Ví, Giặm. Nhưng để hát dân ca hay lúc nào cũng phải học. Càng học, em càng thấy văn hóa loại hình nghệ thuật này rộng lớn. Chính vì vậy, mặc dù đã biết và hát được Ví, Giặm, nhưng khi có lớp nâng cao kỹ năng hát, em vẫn hào hứng tham gia để hiểu được nhiều hơn về loại hình nghệ thuật này và được các nghệ nhân truyền dạy những bài Ví, Giặm cổ đã bị mai một.
Là người chủ trì, dẫn dắt Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm Trường Trung học Cơ sở Trung Đô, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm thực sự vui mừng, bởi hơn ai hết, chị là người gắn bó với dân ca, yêu dân ca và khát khao được truyền dạy dân ca đến với học trò. Qua hơn 20 năm làm công tác giảng dạy, đến với rất nhiều hội thi hát dân ca ở các trường học, cô giáo Tâm cho rằng, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh rất khó và học sinh ngày nay hiểu và hát được dân ca rất ít. Vì lẽ đó, trong quá trình dạy ở trường, cô rất hay hát dân ca để có thể “khơi nguồn” cho học trò. Cùng với đó, cô tổ chức các câu lạc bộ hát dân ca trong nhà trường, thường xuyên dàn dựng các tiết mục hát dân ca trong các hội diễn để các em có cơ hội được thể hiện. Việc tổ chức các hội thi hát dân ca ở trong nhà trường sẽ nhằm giữ gìn, phát huy, lan tỏa, nâng cao nhận thức về các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và tiếp tục duy trì phong trào hát dân ca trong các nhà trường, từ đó phát hiện và bồi dưỡng các tài năng hát dân ca cho quê hương, đất nước.
Việc đưa dân ca vào trường học được các địa phương thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo. Tại nhiều trường học, vào thứ Hai hàng tuần, giờ chào cờ của nhà trường sẽ trở thành Hội thi Hát dân ca giữa các khối lớp. Tiết mục hay nhất sẽ được quay clip để gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo để tham dự các hội thi. Các bài hát dân ca sẽ gieo vào tâm hồn các thế hệ học trò tình yêu gia đình, yêu thầy cô, bạn bè và yêu quê hương, đất nước.
Việc đưa dân ca vào trường học theo chương trình ngoại khóa đã được ngành Giáo dục Nghệ An triển khai hơn 10 năm nay. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức, đã dạy thử nghiệm tại một số trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trong tỉnh, tiến tới nhân rộng mô hình này và phổ cập trong toàn tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với các câu lạc bộ dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn âm nhạc của các trường, để từ đó dạy lại cho học sinh. Hai năm một lần, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan hát dân ca trong các trường phổ thông trên toàn tỉnh, từ đó, tạo thành phong trào hát dân ca rộng khắp, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.
Bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Đều đặn mỗi thứ Bảy hàng tuần, không ai bảo ai, khi công việc gia đình đã tạm gác, gần 40 thành viên Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Vinh Tân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh lại hẹn nhau đến Nhà Văn hóa phường. Câu lạc bộ có nhiều lứa tuổi từ trẻ tuổi đến trung tuổi. Họ gặp nhau ở một điểm chung, đó là tình yêu, niềm đam mê làn điệu dân ca Ví, Giặm. Đây là nơi để các thành viên được sinh hoạt, sống với niềm đam mê dân ca Ví, Giặm. Quan trọng hơn cả là tăng thêm tình gắn kết, tạo sức mạnh tập thể, góp phần tích cực trong việc cùng tỉnh thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm, tạo sự lan tỏa đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Thi thoảng, các thành viên Câu lạc bộ được các nghệ nhân đến truyền dạy, họ được học, tập luyện những làn điệu cổ hoặc những bài hát mới, đồng thời, được học cách cách lấy hơi, cách buông câu, nhả chữ được nhẹ nhàng, mượt mà, kỹ thuật hát, phong cách biểu diễn đảm bảo đúng lề lối. Cùng với đó, họ được hướng dẫn cách biểu diễn; những cử chỉ, lời nói, lối sống giản dị, trọng nghĩa tình của người xứ Nghệ dành cho nhau.
Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Vinh Tân đã sáng tạo, tập luyện, đầu tư nhiều tác phẩm có nội dung chất lượng và hình thức phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều màn diễn xướng đã đáp ứng được các tiêu chí về làn điệu cổ, lời cổ, đề tài gắn với đặc thù ngành, nghề của địa phương nhưng vẫn thể hiện được tính sáng tạo của thời đại mới - chị Hoàng Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Vinh Tân cho biết.
Từ khi Ví, Giặm trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này được đẩy mạnh trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 câu lạc bộ dân ca với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt. Hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức các lớp truyền dạy dân ca Ví, Giặm cho các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh.
Hình thức đưa Dân ca Ví, Giặm lên sân khấu từ những vở kịch ngắn (1 màn) đến kịch dài (4 màn), từ những đề tài dân gian, truyền thống đến lịch sử, giả sử, hiện đại… đã được thực hiện. Hình thức đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lên sân khấu vừa làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đồng thời, vừa làm nhiệm vụ cải biên, phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của thời kỳ hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm, từ năm 2022, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã tiến hành tổ chức các hoạt động diễn xướng dân ca Ví, Giặm nhằm đưa hoạt động dân ca vào môi trường diễn xướng sống động của đời sống nhân dân. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 15 buổi diễn xướng dân ca tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ngoài việc giao lưu, đưa Ví, Giặm trở về “không gian sinh tồn” của nó còn có ý nghĩa bổ sung vào kho tàng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh những lời ca mới.
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thị Hồng Lựu, Giám đốc Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cho biết, bà cảm nhận được ngọn lửa đam mê của thành viên các câu lạc bộ dân ca luôn bùng cháy và được truyền đến nhiều người khác. Thành viên của các câu lạc bộ háo hức, nhưng khán giả cũng rất nhiệt tình, đến xem đông đảo. Đặc biệt, các kỳ Liên hoan đã phát hiện được nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, sở hữu chất giọng ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu Ví, Giặm. Đây chính là yếu tố quan trọng để an tỏa di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại.