Tọa đàm 'Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ': Không phải có bản lĩnh là đến được bản sắc
"Khi nào, niềm tin vào tổ tiên tồn tại thì dân tộc đó tồn tại. Việc nghe, hiểu và linh ứng được tinh thần của tổ tiên để tự hào về tổ tiên sẽ tạo thành bản lĩnh. Việc khôi phục, chuyển hóa, diễn tả bằng từ ngữ thơ để diễn đạt tinh thần, tư duy trong không gian, thời gian ở điều kiện hiện tại sẽ tạo thành bản sắc" - nhà thơ Lý Hữu Lương chia sẻ.
Quan điểm của nhà thơ người Dao này là một trong nhiều ý kiến được chú ý tại tọa đàm Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ. Đây là sự kiện do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra sáng 24/2 vừa qua tại Hoàng thành Thăng Long trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024.
Bài thơ về tổ tiên là bài thơ kiêu hãnh nhất
Quan niệm như thế nên Lý Hữu Lương từ khi xuất hiện trên thi đàn đã sớm định hình cho mình một sắc thái Dao độc đáo. Anh viết nhiều về văn hóa Dao, vẻ đẹp Dao, cốt cách Dao, phẩm chất Dao bằng một tinh thần tự hào và kiêu hãnh - tiêu biểu phải kể tới tập thơ Yao từng được trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Ý thức cao độ viết về tộc người quê hương mình được anh khẳng định như một tuyên ngôn sáng tác: "Tôi viết cho dân tộc tôi/ con cháu Bàn Hồ, dao quắm và đùm muối/ giắt trên mái lá/ đã vàng bao truyền thuyết/ thần linh ngụ trong tim và đôi chân/ thần linh đi bốn phương tám đất/ trong bao hồn bơ vơ"(Viết cho dân tộc tôi).
Viết như vậy để thấy với Lý Hữu Lương, bản lĩnh nhà thơ, bản sắc nhà thơ chẳng đâu xa. Nó bắt đầu từ những bài thơ kiêu hãnh của anh về tổ tiên, dân tộc mình.
"Mỗi nhà thơ chân chính đều có tinh thần tâm linh. Trước hết nó ẩn giấu đằng sau những siêu văn bản, qua hình thức, nhịp điệu, sự duyên dáng rồi sau rốt, trở về đúng với tinh thần tâm linh của nó" - anh bày tỏ - "Quá trình sáng tác là nhận thức về không gian bên trong bằng những tưởng tượng trải nghiệm của "cái tôi sâu thẳm" đầy lý tính hằng khám phá ra cách thể hiện cá tính riêng của mình".
"Thật ra, đó là một quá trình hết sức khó khăn với người sáng tác. Nhưng bù lại, chúng tôi kiêu hãnh nói bằng tiếng nói tổ tiên, hát giọng hát tổ tiên và mơ giấc mơ của tổ tiên. Bài thơ về tổ tiên chính là bài thơ kiêu hãnh nhất. Và, như thế, chúng tôi đang ca hát chính cuộc đời của mình" - Lương nói thêm.
Đồng quan điểm, như lời nhà thơ nữ của dân tộc Mường Bùi Tuyết Mai, mỗi nhà thơ sinh ra từ một vùng văn hóa, giống như cây cỏ mọc lên từ đó. Với chị, mỗi người như một bông hoa, ở đâu tỏa hương tại đó. Và người thật, việc thật cũng giống như một cái cây được thiên thời, địa lợi phát triển tốt tươi, thẩm thấu được đầy đủ khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển. Tài năng của vùng nào gắn với sự kết đọng và tụ được khí chất vùng đó. Cây ấy, người ấy ở nơi nào thì có hương vị nơi đó, không giống nơi khác.
"Bản lĩnh của nhà thơ chính là việc họ nghĩ, sống, và làm những gì mà vùng văn hóa của tộc người kết đọng nơi họ, mặc định như vậy. Khi xuất hiện trước một rừng hoa muôn màu thì cái cây ấy, con người ấy vẫn bộc lộ khí chất riêng vốn có. Đó là một loại "thẻ căn cước" của họ - thứ không thể bắt chước được" - chị chia sẻ.
"Chúng tôi kiêu hãnh nói bằng tiếng nói tổ tiên, hát giọng hát tổ tiên và mơ giấc mơ của tổ tiên" - nhà thơ Lý Hữu Lương.
"Một chặng đường dài gian truân"
Cũng tại tọa đàm Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ nhiều ý kiến xác đáng được nêu ra nhằm làm rõ mối quan hệ giữa bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ trong công việc sáng tác thi ca.
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: "Một bài thơ là kết quả của sự hội tụ rất nhiều những yếu tố trong một lúc. Đó là sự bùng nổ, thăng hoa của cảm xúc, sự hoàn hảo về cấu trúc, nhịp điệu, ngôn ngữ, thi ảnh và đôi khi cần thêm cả sự may mắn. Hình thành một bài thơ đặc biệt như thế, chắc chắn việc hình thành một nhà thơ càng không đơn giản. Nó phải là một chặng đường dài gian truân khởi đầu từ bản lĩnh để có thể đi tới cái kết là bản sắc".
Nhưng theo ông Phương, nói như thế, không phải cứ có bản lĩnh là sẽ đến được bản sắc. Rất nhiều người thừa bản lĩnh, thừa sự quyết tâm đánh đổi nhưng chưa chắc đã kết tạo được cho mình một nét riêng giữa một biển thơ ca đầy cá tính.
Như lời nhà thơ này, bản lĩnh của nhà thơ trước hết bắt đầu từ sự tự biết mình, rồi đến sự tự tin về lựa chọn con đường của mình. Có tự tin, nhà thơ mới can đảm bước đến những con đường chưa ai đi, bay trên bầu trời chưa ai bay và dọc ngang ở thế giới chưa ai dọc ngang. Khi có nhiều sự can đảm, họ mới có thể tạo ra bản lĩnh. Và ở một chừng mực nào đó, bản lĩnh của nhà thơ thể hiện qua khả năng biết khước từ cái cũ, cái không phù hợp với chính mình và khả năng biết chấp nhận cái khác để mở rộng trường nhận thức và sáng tác.
Ở khía cạnh này, nhà phê bình Hoàng Kim Ngọc cũng nhấn mạnh: Bản lĩnh nhà thơ được thể hiện ở sự lao động hết mình, tự tin, dấn thân cho nghệ thuật, dám vượt lên cái cũ để đổi mới và đột phá. Đó còn là sự kiên trì, bền bỉ xác lập một hướng đi cho thơ mình, không phải bị vài lời phê bình là chùn bước, nhụt chí. "Một nhà thơ dám dò dẫm tìm đường, mở một lối đi riêng, chấp nhận sự chê bai hoặc phản ứng của công chúng, đồng nghiệp thì người đó cũng xem như là có bản lĩnh" - chị nói.
Còn về bản sắc nhà thơ, theo nhà phê bình Hoàng Kim Ngọc, thơ có bản sắc là thơ có thể đại diện được cho mỗi tộc người, mỗi dân tộc, cho đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia khác nhau.
Cụ thể, bản sắc nhà thơ chịu ảnh hưởng của yếu tố địa văn hóa, môi trường sống và làm việc. Đó là cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy, cách diễn đạt đặc trưng của tộc người. Đó là trường từ vựng, đề tài, cách kiến tạo diễn ngôn, biểu tượng thơ… đủ để đại diện cho quê hương xứ sở, dân tộc, vùng miền, cá tính thơ. Mỗi nhà thơ bao quát một vùng hiện thực, một số chủ đề, đề tài, thể loại thơ hoặc một miền từ ngữ khác nhau. Tần số sử dụng một trường từ vựng nào đó cũng sẽ góp phần nhận diện phong cách tác giả.
Thực tế, một số nhà nghiên cứu có thể định vị được phong cách tác giả bằng những cụm từ tạm đủ để nhận diện bản sắc thơ của họ. Đó là những Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc, Nguyễn Bính - nhà thơ chân quê với giọng điệu dân gian, Đoàn Văn Cừ - nhà thơ của màu quê, Tố Hữu - nhà thơ trữ tình chính trị, Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình, Thanh Thảo - ông vua trường ca, Phạm Tiến Duật - con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, Y Phương - nhà thơ của đá núi…
Suy cho cùng, theo nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp, "cái gọi là bản sắc thực chất là độ kết tinh, là nghệ thuật sẽ còn lại ở kết tinh. Cho nên, việc gia tăng bản lĩnh, việc đào sâu tìm tòi để tạo nên bản sắc cá nhân là con đường tất yếu của bất cứ một nhà thơ nào nếu họ muốn trình hiện ra một gương mặt độc đáo".
Những người "dò đường"
Như lời nhà phê bình Hoàng Kim Ngọc, trong quá khứ, một số nhà thơ Việt Nam nhờ lao động chữ nghĩa hết mình, đã trải qua bao nhiêu lần dò đường, mở đường thất bại để rồi cuối cùng cũng tìm cho mình một con đường đi đến được trái tim độc giả.
Chẳng hạn, cố nhà thơ Lê Đạt ngay từ khi còn trẻ đã có ý thức cách tân thơ Việt Nam. Ông xác định: "Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi". Từ đó ông thực sự trở thành một phu chữ để tạo ra những đột phá, tạo sinh ngữ nghĩa thơ để "chữ bầu lên nhà thơ".
Như thế, sự dấn thân làm mới thơ chính là bản lĩnh nhà thơ - điều đó cũng từng được thể hiện qua hình tượng thơ của Nguyễn Lương Ngọc: "Đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu".