Nhạc Việt ngày nay: Khi Hồ Phi Nal khai thác ca cổ!
Nhạc Việt tuần 34 tính từ 21 đến 27/8 vừa qua, trong bảng xếp hạng #zingchart có 2 bài rớt khỏi Top 10 là Cung nữ (YuniBoo, Hương Ly) và Người ấy đâu có đáng (Akira Phan). Thay thế vào đó là 2 bài mới Cạn tình như thế (Dickson, Thành Đạt, Lê Chí Trung) và Sao trời làm gió (Nal, CT). Trong đó, bài hát của Nal chiếm ngay vị trí số 1, đẩy bài Sau này chúng ta giàu (Khắc Việt, ACV) từ quán quân 2 tuần 32, 33 xuống vị trí số 2.
Trên kênh YouTube Nal Official với 1,42 triệu subscribers, Sao trời làm gió ra mắt hôm 22/8. Cho đến hết ngày 27/8, sản phẩm đạt hơn 3,6 triệu lượt xem, 101 nghìn lượt thích, hơn 9 nghìn bình luận và đang giữ vị trí số 1 trên Trending for music.
Như một bài ca cổ
Chính danh sách Top 10 BXH nhạc Việt #zingchart tuần 34 vừa qua đã dẫn người viết đến với Sao trời làm gió. Thực ra, ngay lúc tiếp xúc với cái tên Sao trời làm gió, đã thấy nó hơi khang khác so với những tên bài hát của Hồ Phi Nal trước đó - thường là một thông điệp trực diện, đơn giản và rõ ràng.
Và khá thú vị, vẫn đậm chất miền Tây nhưng Sao trời làm gió giống như một sản phẩm dành cho ca cổ trong nhiều khía cạnh, từ giai điệu âm nhạc, lời ca, nội dung cho đến cách làm nhạc, các nhạc cụ được khai thác. Và cả phần hình cũng vậy.
Bản hòa âm là sự khoe sắc của màu sắc nhạc cụ truyền thống, trong đó nổi bật tiếng đàn kìm và song loan - 2 âm sắc không thể thiếu trong đờn ca tài tử Nam bộ.
Mở đầu Sao trời làm gió, tác giả khai thác điệu hò sông nước Đồng Tháp Mười cùng với tiếng đàn kìm. Tiếng hát với màu sắc và cách nhả chữ đậm chất dân dã ở đồng quê Nam Bộ tạo nên không khí của một bài ca cổ.
Tiếp sau phần mở đầu gây bất ngờ, phần nội dung chính của bài vẫn rất đậm đà chất sông nước Nam Bộ. Câu chuyện kể về một chàng trai thôn quê vùng sông nước, nhà nghèo, yêu cô gái nhưng không giữ được và chứng kiến cảnh người yêu đi lấy chồng. Nội dung này cũng là một mô-típ quen thuộc và hợp với những bài ca cổ đượm buồn vùng đất này.
Cũng như nhiều bài ca cổ vùng sông nước Nam Bộ, trong Sao trời làm gió cũng có những lần chuyển điệu, tăng sắc thái âm nhạc. Ở đây, tác giả khai thác Lý chiều chiều như một đoạn nhạc riêng biệt, kết nối các đoạn nhạc khác nhau trong tác phẩm.
Lý chiều chiều là 1 trong những điệu lý được các nhạc sĩ, soạn giả cổ nhạc khai thác nhiều trong các tác phẩm của mình. Đây là nét quen thường thấy trong những bài ca vọng cổ.
Có thể nói, cách thức sáng tác âm nhạc của Sao trời làm gió giống như các nhạc sĩ cổ nhạc vẫn thường triển khai. Phần âm nhạc khai thác đậm đặc các bài bản, câu hò, điệu lý. Phần sáng tạo nhiều nhất nằm ở nội dung ca từ.
Ca từ trong Sao trời làm gió dễ nghe, gần với dân gian. Câu mở đầu theo thể lục bát, đúng vần luật và mang âm hưởng câu hò sông nước mênh mông vùng Đồng Tháp Mười: "Thương ai thương mãi một người/ Thương ai thương đến một đời chẳng phai".
Cách triển khai ca từ theo lối dân gian, chẳng hạn như việc lặp lại từ ở đầu mỗi câu, theo cách gọi của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian là cách vay trả từ.
Chẳng hạn "trăng ánh trăng" trong "Trăng ánh trăng khuya dần/ Thức trắng canh thâu mai làm cô dâu". Tương tự: "Khuya đã khuya hơn rồi/ Nghỉ sớm đi em mai còn tương lai".
Phần điệp khúc vẫn đậm chất dân gian nhưng phần giai điệu đã có tính phát triển trong khi nội dung ca từ lấy được cảm tình của người nghe: "Sao trời làm gió/ Đẩy con thuyền sang bến người ta/ Dòng sông vắng người qua / Duyên tình nay cách trở trăm bề". Và câu 2 của điệp khúc: "Đường em giờ chung lối/ Với ai rồi anh khóc mình anh/ Tại số phận mình thôi/ Đến rồi đi sao buồn làm chi".
Đoạn cuối, âm nhạc tái hiện lại đoạn đầu, lời ca thì thật là thương: "Thôi hết bên nhau rồi/ Cố gắng cho ai nay mình cô đơn/ Sợi tơ cắt đứt làm đôi/ Trôi nổi kiếp thân nghèo lênh đênh". Và câu kết lấy được đồng cảm của khán giả: "Quằng trên vai gánh u sầu/ Trầu cau đưa tới đời anh mất người".
MV "Sao trời làm gió"
Thực ra, nếu nghe ở tâm thế đón một ca khúc mới của âm nhạc đại chúng, có thể người nghe sẽ thấy Sao trời làm gió giống bài này một chút, bài kia một chút. Nhưng nghe ở tâm thế của một tác phẩm sáng tác theo nguyên tắc dân gian và coi nó như một bài ca cổ, việc có sự tương đồng là chuyện bình thường.
Điều quan trọng là việc khai thác những bài bản, câu hò, điệu lý vào đây như thế nào, bao nhiêu cho đủ? Rồi, sự uyển chuyển trong mỗi giai điệu ra sao, kết hợp với phần lời có quyện với nhạc không, phần hồn của bài có lay động được người nghe không, tinh thần của bài có giống như một bài ca cổ không…, tất cả những cái đómới là điểm đáng nói. Và với Sao trời làm gió, Nal đã tạo cho tôi một bất ngờ.
"Những sản phẩm tạo được sự chú ý của Nal trước đây có thể được cho là những sản phẩm nhạc thị trường. Nhưng với Sao trời làm gió, nhiều người sẽ có cái nhìn khác hơn về Nal" - nhà phê bình, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.
Đi ngược, được xuôi!
Việc Sao trời làm gió lọt top 1 trending chỉ sau 3 ngày ra mắt, cùng với đó là 1,4 triệu lượt xem, cũng cho thấy sự đón nhận của khán giả với sản phẩm mới của Hồ Phi Nal. Nhiều khán giả đã để lại những bình luận tích cực trên phần comment.
"Lần thứ 4 xem MV này" - tài khoản @KhoaHayHatBolero bình luận và khẳng định: "Đây là MV một bài nhạc trên YouTube mà tôi xem tới 4 lần". Trong cảm nhận của tài khoản này, Sao trời làm gió "mộc mạc, tình cảm, sầu não, giai điệu cực hay" nhưng "quan trọng là tone bài nhạc Nal hát quá cao nên nghe chạm tới nỗi đau".
"Mình là người Bắc nhưng thật sự nghe bài này hay quá" - TK @vutrongnguyen1266 khẳng định và tiếp tục cho rằng: "Nal thể hiện quá xuất sắc. Da diết, đứt từng khúc ruột".
Còn với TK @musiclak4420 thì: "Giữa một dàn ca sĩ hiện tại ai cũng chuyển màu sangUSUK (một cách nói của giới trẻ với ý là nhạc Âu Mỹ) hoặc K-pop thì vẫn còn những người như bạn giữ được màu sắc dân tộc mà vẫn có thể nổi được ở thị trường. Thật sự nể phục".
Người viết cũng có cùng suy nghĩ trên đây, đồng thời cũng rất muốn khích lệ Hồ Phi Nal kiên trì hướng đi này.
Một, hai năm trước, Hồ Phi Nal xuất hiện ngay trong tâm điểm của mùa dịch Covid-19 nhưng vẫn đã tạo được sự hưởng ứng từ đông đảo khán giả. Nhất là khán giả trẻ khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, khi những sản phẩm của Nal luôn có mối liên kết với đặc trưng vùng miền, chất dân gian ở khu vực này.
Trong một bài viết năm 2021 về Hồ Phi Nal cùng chuyên mục Nhạc Việt ngày nay, tôi từng dùng tới từ "đi ngược". Cụ thể, khi nhắc đến MV Rồi tới luôn, tôi từng cho rằng: Trong khi phần lớn những sản phẩm âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ hiện nay thường cuốn theo những nhịp điệu sôi động và âm hưởng mang tính thời thượng như R&B, rap, nhạc điện tử, hay những điệu ballad trữ tình... thì Rồi tới luôn dường như đi ngược khi được thể hiện nền nhịp điệu cha cha cha kiểu đám cưới miệt vườn. Cái hay ở chỗRồi tới luônkhông đơn thuần là cha cha cha cũ kỹ. Nó là kiểu nhạc điện tử của giới trẻ hiện nay, tái hiện lại và có khai thác các câu hò vào trong".
Sau đó, Hồ Phi Nal còn tiếp tục thành công với Thương nhau tới bến, và Rồi nâng cái ly cũng theo kiểu khai thác như vậy.
Nhưng cho tới Sao trời làm gió, Hồ Phi Nal đã có bước phát triển mới trong âm nhạc khi không còn nhiều sự liên kết với âm nhạc điện tử mang tính thời đại mà đã quá gần gũi với một bản cổ nhạc. Cái hay là nó vẫn tạo cảm giác thú vị, giọng hát dù còn rất trẻ, âm sắc hơi mảnh nhưng đã ra cái chân chất, tinh thần miệt vườn mà có lẽ những người không sinh ra và lớn lên ở khu vực này không thể thể hiện được.
Tức là Hồ Phi Nal đã mang tinh thần của vùng đất và âm nhạc ở nơi mình sinh ra và lớn lên vào trong sáng tác của mình và giới thiệu nó tới công chúng âm nhạc ngày nay. Cái hay nữa là Sao trời làm gió lại được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Rõ ràng hướng đi của Nal đang ngược về quá khứ, kết nối truyền thống với đương đại.
Những sản phẩm tạo được sự chú ý của Nal trước đây có thể được cho là những sản phẩm nhạc thị trường. Nhưng với Sao trời làm gió, nhiều người sẽ có cái nhìn khác hơn về Nal.
Chàng trai người Đồng Tháp sinh năm 1997 Hồ Phi Nal đang có hướng khai thác rất riêng và tạo được hiệu ứng từ khán giả. Nhạc truyền thống dân tộc đang rất cần sự chung sức của cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ theo những cách khác nhau. Trường hợp Hồ Phi Nal là một ví dụ thú vị.
Ê-kíp chính "Sao trời làm gió"
Composer - Singer: Hồ Phi Nal
Executive Producer: Nguyễn Công Trình
Music Producer: Phạm Hồng Phúc
Bacground Vocal: Cadillac
Recording: BIO
Mix - Master: Tống K
Director: Tống K
1st Assistant Camera (1st AC): Tống K
2nd Assistant Camera (2nd AC): Ngô Nhất Vũ
Cast: Trâm Bùi, Hùng Cường, Phạm Hiệp, Ngân Phụng, Nguyễn Tân, Kim Thúy
Makeup Artist: Yumie - Khang
Editor - Colorist: Tống K
Graphic Design: Toàn Hậu
Production Unit: 3T Entertainment
Điểm 8,9